Tài liệu: Tây Tạng - Cung điện Potala

Tài liệu
Tây Tạng - Cung điện Potala

Nội dung

CUNG ĐIỆN POTALA

 

Trong chuyến thăm đến thủ phủ Lhasa du khách sẽ không thể bỏ qua một địa điểm nổi tiếng, đó là cung điện Potala - nơi được coi là công trình tiêu biểu của vùng Tây Tạng dưới sự trị vì của những vị Đạt Lai Lạt Ma. Chữ potala là phiên âm của chữ phổ đà la, tức là cung điện của bồ tát. Đây chính là nơi ở, làm việc ngày xưa của các vị Phật sống của người Tây Tạng: Đạt Lai lạt ma. Sẽ là vô cùng thú vị khi du khách đến đây đúng vừa lúc nắng lên. Biểu tượng thành phố Lhasa - điện Potala - vẫn đẹp như ngàn năm nay...

Cung điện được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, đánh dấu cuộc hôn nhân chính trị gắn kết hai dân tộc Hán - Tạng giữa quốc vương Thổ phồn Songzanganbun và Văn Thành công chúa nhà Đại Dường. Đứng bất kỳ đâu ở Lhasa, bạn cũng có thể nhìn ngắm được quần thể lâu đài trùng điệp nguy nga với chiều cao 117m gồm 13 tầng lầu. Cung điện chiếm diện tích 130.000m2 với 1.000 phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma cùng rất nhiều bức tranh quý.

Tòa cung điện này được kiến trúc mạn phía tây thành phố Lhasa, dựa vào núi mà xây dựng, có độ cao cách mặt biển là 3756.5 mét. Độ cao tương đối với mặt đất là 115.7 mét, chiều dài theo hướng đông tây hơn 360 mét và chiều rộng theo hướng nam bắc hơn 300 mét. Diện tích khoảng 130.000 mét vuông, trong đó có Phật đường, kinh đường, linh tháp điện, tập kinh thất dựa theo cách tính toán của kiến trúc Tây Tạng thì nơi đây có tổng cộng hơn 15.000 gian phòng. Toàn bộ kiến trúc đều đưa vào kết cấu của đá và cây. Tường của cung điện dày 1 mét trở lên, có chỗ dày đến 5 mét, người Tây Tạng đã dùng những hòn đá to để khảm vào. Trên những vách của điện đường to lớn đều có các bích họa với những màu sắc rực rỡ, nghệ thuật phong phú nhiều chủng loại. Trong điện được thiết kế có tất cả hơn mấy trăm ngàn các tượng Phật to nhỏ, đều được đúc và tạo bằng các nguyên liệu: vàng, bạc, đồng, ngọc, cây đàn hương với những phong cách tạo hình rất sinh động. Năm 1988 chính phủ Trung Quốc đã đầu tư một khoản kinh phí 6 triệu đô la Mỹ để trùng tu lại cung điện Potala. Lần trùng tu này vẫn giữ đúng theo quy tắc kiến trúc thời xưa, những chỗ bị hư hại cùng những nơi trọng điểm đều được bảo quản, tu sửa, không cải biến nguyên trạng.

Cung điện Potala được vua Tây Tạng là Tsongsen Khampo xây dựng vào thế kỷ thứ VII Tây lịch (619-650), đã có hơn 1300 lịch sử. Những năm đầu nhà Đường, vua Đường Thái Tông cùng Tsongsen Khampo giao hảo hôn nhân, năm 641 Văn Thành Công chúa được gả về Tây Tạng, Tsongsen Khampo mới đã kiến thiết cung điện này để công chúa ở, đây chính là thời kỳ rất sớm của cung điện Potala. Tsongsen Khampo khi xây dựng cung Potala thì cung điện này đến nay không còn. Đó là vào thời kỳ Tán Phổ (vua Tây Tạng) Xích tùng đức tán (754-799) gặp sét đánh cung điện đã bắt lửa dẫn đến hỏa hoạn thiêu rụi. Thế kỷ thứ IX, do nước Tây Tạng phân chia, những gì còn lại của cung Potala đều bị chiến tranh loạn lạc hủy hoại. Những di vật may mắn tránh khỏi các kiếp nạn này trên truyền thuyết đó là hai pho tượng Văn Thành công chúa và Tsongsen Khampo cùng điện Quan Âm. Từ đời đức Dalai Lama thứ 5 (1617-1682), trung tâm chính trị của Tây Tạng được đặt tại Shigatse, thành phố lớn thứ hai Tây Tạng và là nơi cư ngụ của Panchen Lama, vì cung điện Potala vẫn chưa được khôi phục lại. Năm 1652, đức Dalai Lama đời thứ 5 đến Bắc Kinh triều kiến vua Thuận Trị đời nhà Thanh và sau khi ngài trở về Tây Tạng thì bắt đầu xây dựng lại cung điện Potala.

Căn cứ vào sử liệu kiến trúc cung điện Potala còn ghi chép lại, khi đức Dalai Lama đời thứ 5 trùng tu cung điện Potala thì từ các địa phương như: Sơn Nam, Lâm nghệ... đều phái đến rất nhiều sai dịch, mỗi ngày có hơn 7000 người lao động trên công trường kiến thiết này. Như thế sự trung tu trải qua hơn nửa thế kỷ mới cơ bản được hoàn thành. Sau đó trải qua các đời Dalai Lama, cung điện Potala tiếp tục có sự phát triển rộng ra và quy mô như ngày nay. Đến đời vua Khang Hy, nhà Thanh, việc xây dựng cung Potala còn được sự ủng hộ đặc biệt của hoàng đế. Nhà vua đã phái hơn 100 nhân công giỏi nhất đến phụ sức và đến nay những kiến trúc này vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, từ phong cách đến hình thức, rất đặc sắc của văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Từ ngoài nhìn vào cung Potala được phân biệt rõ ràng qua hai phân khu lớn; chính giữa là Hồng cung và nơi đây là các loại giảng đường, điện linh tháp của các đời Dalai Lama; còn hai bên là Bạch cung là nơi sinh hoạt của Dalai Lama và cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị đương thời. Từ đức Dalai Lama đời thứ 5 đến Dalai Lama đời 14 thì cung Poatala đều được dùng làm trung tâm quyền lực thống trị của chính quyền Tây Tạng.

Đến đời đức Dalai Lama thứ 7 (1728-1757) lại cho xây dựng vườn Ngọc Norbulingka làm cung điện mùa hè, từ đó cung Potala trở thành cung điện mùa đông. Từ thế kỷ thứ VII đến nay có tất cả 9 vị vua Tây Tạng và 10 đời Dalai Lama cư ngụ nơi đây. Cung điện Potala là một tòa cổ thành kiến trúc rất hùng vĩ và hoàn chỉnh nhất ở Tây Tạng. Bên trong gồm có:

Tư Tây Bình thác điện

Ở lầu hai dọc theo hành lang và các vách tường có tổng cộng tất cả 698 bức bích họa. Theo cuốn tự truyện của đức Dalai Lama đời thứ 5 chép rằng, bích họa của cung điện Potala được bắt đầu vào năm 1648, khởi sự bằng việc tập trung hết tất cả các danh họa đương thời trong toàn quốc về Lhasa để thực hiện các công trình sơn họa trong cung Potala. Tất cả gồm có 63 danh họa và công việc kéo dài đến hơn 10 năm mới hoàn thành. Các bích họa nơi đây rất sinh động, màu sắc rực rỡ, nghệ thuật vẽ các hình tượng Phật và Bồ tát phong phú đa dạng, có phong cách đặc biệt của Tây Tạng. Trong những bức họa này có những bức cao 5,6 mét và dài vài mươi mét, mấy trăm bức liên tiếp không dứt, khí thế bàng bạc, cảnh tượng muôn ngàn.

Linh tháp điện

Trong cung Potala tổng cộng còn bảo tồn 8 tòa linh tháp của Dalai Lama (tức là nơi đặt di hài của các Dalai Lama đời thứ 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13). Dalai Lama đời thứ 6 mất ở bên ngoài nên chưa tạo tháp, Dalai Lama đời thứ nhất thì linh tháp bằng bạc, hiện để trong tu viện Tashilhunpo ở Shigatse. Còn những tháp bằng bạc của các đức Dalai Lama đời thứ 2, 3, 4 đều để trong tu viện Drepung ở Lhasa.

Trong bảy tòa linh tháp ở cung Potala thì có một tòa linh tháp của ngài Dalai Lama thứ 13 là riêng một cung trong điện này. Trong 7 tòa, tòa linh tháp của đức Dalai Lama đời thứ 5 là lớn nhất, cao 14,85 mét. Linh tháp được xây dựng năm 1691, bên ngoài phủ vàng, bên trong bằng bạc, tốn tất cả là 3721 kg vàng ròng. Các hoa văn, đồ án trên tháp này đều dùng toàn bằng kim cương, trân châu, thạch anh, mã não, pha lê, san hô... Các loại bảo thạch hơn 18.677 viên. Căn cứ theo các nguồn sử liệu có ghi chép lại thì di thể của đức Dalai Lama đời thứ 5, y đắp cà sa, mặt quay về hướng nam, được đặt trên một sập ở bên trong tháp, thế ngồi kiết già. Trong tháp còn có rất nhiều hiện vật khác, trong có một hạt Xá lợi Phật và xương ngón tay cái của Phật Thích Ca. Giới điệp của ngài Tsongkapa (vị tổ khai sáng dòng Hoàng mão), một lá sắc lệnh của ngài Tsongsen Khampo và một xâu chuỗi của đức Phật. Còn có một bức tượng Phật Thích ca được chính tay Văn Thành công chúa tạo thành. Trong các tháp còn có rất nhiều di vật của các vị cao tăng nhiều đời và rất nhiều kinh viết trên lá bối cùng các trân bảo được chôn cất theo.

Căn cứ vào niềm tin và phong tục của người dân Tây Tạng thì các ngài Dalai Lama, Panchen đều được xem là những vị Phật sống, Bồ tát hóa thân nên các vị này sau khi viên tịch, di thể của các ngài được ướp bằng các chất liệu thơm (giống như phương pháp ướp xác Ai Cập) và được đặt vào trong tháp và gọi là Linh tháp táng. Còn các vị đại Lama và thủ lĩnh của các bộ lạc quý tộc khác thì sau khi chết xác được thiêu, thường dân thì khi chết chỉ được thiên táng hoặc thủy táng. Xung quanh điện Linh tháp của đức Dalai Lama đời thứ 5 còn có các Phật đường phối điện, trong đó chứa các vật trân báu, điêu khắc tinh xảo cùng các bản chép tay của Đại tạng kinh trong nhiều chủng loại: y dược, lịch sử, văn học, danh nhân truyện ký, phạm văn văn pháp, các bản sao tả và các bản in ấn. Ngoài những thứ này còn có kinh thư của 3 loại văn tự: Hán, Mãn và Mông cổ. Những thứ kinh sách thư tịch cổ này số lượng không dưới hơn 20.000 quyển.

Linh đường đức Dalai lama thứ 13 (1876-1933)

Là nơi an trí linh tháp của ngài, được xây dựng năm 1933. Tòa Linh tháp này cũng được làm bằng bạc, bên ngoài thếp vàng, số lượng đến hơn 600 kg. Trên các mặt tháp đều có khảm và chạm bằng các loại châu ngọc quý: San hô, hổ phách, mã não, kim cương, vì vậy giá trị của tháp này rất lớn. Tháp cao 14 mét, đẹp đẽ, mười phần tráng lệ. Trong điện có 1 ngôi tháp bằng ngọc trai cao nửa mét, tất cả dùng hơn 200.000 hạt trân châu, hơn 4000 các loại bảo thạch khác xâu vào mà làm thành. Xung quanh bốn phía linh tháp đức Dalai Lama có chép lại sự tích một đời của ngài cùng bích họa về việc năm 1908, ngài đi Bắc Kinh để gặp vua Quang Tự nhà Thanh cùng Từ Hy Thái Hậu...

Điện Potala và dòng Đạt Lai Lạt Ma

Tông Khách Ba là người xây dựng nhiều tu viện nổi tiếng, còn lưu lại đến ngày hôm nay như Ganden, Drepung, Sera. Ba tu viện nằm không xa Lhasa, về sau trở thành “ba trụ cột” của nền tăng lữ Tây Tạng vì nơi đây đào tạo hàng ngàn tu sĩ và cũng và nơi tập hợp nhiều quyền lực chính trị.

Như ta biết, phái Cách Lỗ mũ vàng, đệ tử của Tông Khách Ba phát triển hoạt động mạnh mẽ sau khi ông chỉnh đốn lại nền Phật giáo Tây Tạng trong thế kỷ thứ XIV. Nhưng mãi đến năm 1578, Cách Lỗ mới phát huy cao điểm. Đó là năm mà một vị sư trưởng tên là Sonam Cyatso đi gặp nhà vua Mông Cổ Altan Khan (Yêm Đáp Hãn). Vị sư trưởng thuyết pháp cho quần thần và thông báo rằng nhà vua chính là hậu thân của đại đế Hốt Tất Liệt còn chính sư trưởng là hậu thân của Phát Tư Ba mà Phát Tư Ba lại là quốc sư của cả triều Nguyên dưới thời Hốt Tất Liệt ba trăm năm trước đó. Nhà vua Mông Cổ Altan Khan nghe tin, động tâm theo đạo lý, là kẻ “suốt đời chinh chiến, từ đây đã xếp cung đao để tin sùng đạo Phật, dồn sức cho văn trị, lại theo Phật chỉ, cấm bộ chúng chém giết”. Nhà vua tặng Sonam Cyatso danh diệu bằng tiếng Mông Cổ “Dalai”, dịch là “Đạt-Lai”, nghĩa là “đại hải” (biển lớn) và xem vị Đạt Lai Lạt Ma này là một hoá thân của Quán Thế Âm. Thế nhưng Đạt Lai Lạt Ma không quên dòng tu của mình là Tông Khách Ba nên truy phong vị sư trưởng tu viện Tashilhungpo tại Shigatse là Gendun Drub làm Đạt Lai thứ nhất, vị tu viện trưởng kế thừa là Gendun Gyatso làm vị thứ hai và bản thân mình là Đạt Lai thứ ba. Kể từ đó sau khi mỗi vị Đạt Lai Lạt Ma chết đi, người ta đi tìm vị tái sinh để đưa lên ngôi kế vị.

Khoảng đến đầu thế kỷ thứ XVII, Tây Tạng rơi vào rối ren nội bộ, thế lực yếu dần trong lúc Trung Quốc và Mông Cổ phát triển quyền lực tới mức cao nhất. Sau khi vị Đạt Lai thứ tư mất năm 1617, người ta sớm tìm ra vị tái sinh. Vị Đạt Lai thứ năm này tên là Losang Gyatso và có lẽ là vị vĩ đại nhất trong cả dòng Đạt Lai. Ông vừa là một nhà học giả uyên thâm vừa là một nhà chính trị và ngoại giao khôn khéo và là một kiến trúc sư xuất chúng.

Vị Đạt Lai thứ năm chính là người cho xây dựng điện Potala, công trình kéo dài từ 1644 đến 1692. Cuối đời, Đạt Lai thứ năm dành hết thì giờ cho việc hành trì thiền định và trao mọi quyền hành cho người phụ chính. Đạt Lai thứ năm mất đi khi công trình xây dựng Potala còn dang dở và bên giường bệnh, vị phụ chính nhận lệnh của ông sẽ không thông báo việc ông mất cho đến khi Potala hoàn thành. Vị phụ chính giữ lời, cho người giả dạng Đạt-Lai thứ năm trong các cuộc tiếp kiến, mãi 13 năm sau mới công bố cái chết, đồng thời giới thiệu luôn vị thứ sáu.

Những điều bí mật này chỉ làm cho phái Cách Lỗ mất uy tín và sau đó vị Đạt Lai thứ sáu cũng không thọ được lâu, ông bị mưu sát năm 23 tuổi. Trước đó thì tại Trung Quốc, bộ tộc Mãn Châu diệt nhà Minh, giành thắng lợi và lập nên nhà Thanh. Tuy nhà Thanh trọng đãi Tây Tạng nhưng có lẽ cũng chính vì quyền lợi thế tục đó mà các vị Đạt Lai gặp vô số âm mưu sau những vách tường đồ sộ của Potala. Lịch sử Tây Tạng cũng rối ren và đẫm máu như các triều đình khác ở châu Á. Các phe phái của Tây Tạng cũng đưa vào lực lượng nước ngoài như Mông Cổ và Trung Quốc để làm đảo chính. Vị Đạt Lai thứ sáu chết lúc 23 tuổi. Vị thứ bảy bị lưu đày. Vị thứ tám không có thực quyền. Vị thứ chín chết năm lên chín, khi còn là một đứa trẻ. Vị thứ 10 chết năm 21 tuổi. Vị thứ 11 chết năm 17 tuổi. Vị thứ 12 chết năm 19 tuổi. Người ta ngờ rằng, từ vị thứ chín đến đến vị Đạt Lai thứ 12, ai cũng bị chết vì mưu sát. Vị thứ 13 ra đời năm 1876, là người xuất sắc đã lập lại kỷ cương của Lhasa. Trong thời kỳ của ông, các nước châu Âu như Anh, Nga bắt đầu dòm ngó Tây Tạng, đồng thời Trung Quốc biến động dữ dội. Sau khi nhà Thanh sụp đổ năm 1911, Đạt Lai thứ 13 từ Ấn Độ trở về năm 1913, lãnh đạo Tây Tạng. Năm 1933 Đạt Lai thứ 13 mất, bảy năm sau vị thứ 14 lên ngôi, và vẫn còn sống đến ngày nay.

Vị Đạt Lai thứ 14 bí mật di tản qua Ấn Độ. Ngày nay Tây Tạng là một phần đất của Trung Quốc.

Kể từ thế kỷ thứ 17 đến nay, điện Potala là kiến trúc thiêng liêng nhất Tây Tạng, nơi đặt bảo tháp chứa di cốt của các vị Đạt Lai và cũng là dinh thự lãnh đạo chính trị.

Thật ra Potala đã được xây dựng từ thời Tùng Tán Cương Bố. Vua Tùng Tán Cương Bố được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm, ông đã chọn miếng đất thiêng liêng này, là hiện thân của trời Đâu Suất trên trái đất. Vì thế mà nếu Phổ Đà là trú xứ của Quán Thế Âm ngoài đông hải thì Potala là cung điện của Ngài trên nóc nhà của thế giới.

Vật liệu chủ yếu làm từ đất đá và gỗ, lúc đó chưa có phương tiện di chuyển, tất cả vật liệu này đều phải dùng la và sức người chở đến. Tòa nhà lớn có hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc. Đạt Lai ở trong gian phòng gần vùng nóc, ngăn cách với dân chúng. Trên mái bằng cung điện, các Đạt Ma thổi kèn dài 4 m để cầu nguyện.

Kiến trúc cung Potala có thể chia làm hai bộ phận lớn: tường trát đất sét trắng gọi là Bạch cung, chính giữa trát đất đỏ gọi là Hồng cung. Chúng được thông suốt với nhau. Tòa nhà Cuokin lớn nhất Bạch cung là nơi Đạt Lai thực hiện các hoạt động tôn giáo, chính trị quan trọng. Kiến trúc chủ thể của Hồng cung là điện Linh Tháp của Đạt Lai đời thứ 5 và Linh tháp của Đạt Lai đời thứ 12. Thân tháp dát vàng lộng lẫy. Linh tháp của Đạt Lai đời thứ 13 cao 21 m, dùng bạc ròng chế thành, bên trên nạm khảm bảo thạch.

Đến đây, bạn còn có dịp khám phá cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đèo Gangbala, cao 4.800m, tham quan Dương Hồ và Đại Cầu Khúc Thủy - một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Lumg Tsangpo.

Để khám phá Lhasa huyền bí, bạn có thể đăng ký tour “Chinh phục nóc nhà thế giới”, tour 8 ngày, bằng máy bay và xe lửa T27, đặt tour tại Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist (ĐT: 8303029). Công ty Du lịch Fiditourist (9141414) cũng chào tour “Bắc Kinh - Tây Tạng” 11 ngày.

Điện Potala là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng. Tuy vượt xa các tòa kiến trúc khác nhưng nó dựa lưng một ngọn núi mang lên Marpori (Hồng Sơn) nên tuy ngôi điện hết sức uy nghi nhưng nó hài hòa với khung cảnh xung quanh. Trước điện là một quảng trường rất lớn để từ rất xa người ta có thể nhìn ngắm. Điện có bề ngang khoảng 360m, cao khoảng 120m so với mặt đường. Điện được trang trí bằng màu đỏ mà người Trung Quốc gọi là “hồng cung” nằm trên cao, ngôi màu trắng ở dưới. Ngôi màu đỏ là khu vực trung tâm của Potala, là nơi thờ tự thiêng liêng nhất của điện.

Tàng Kinh Các, là nơi cất giữ kinh điển. Kinh điển Tây Tạng làm bằng những khổ giấy hẹp, được để rời không đóng gáy. Trong Potala các kinh điển quí báu đó đều được bọc bằng lụa đỏ hay vàng, chứa trong các khung gỗ đặt cao. Hệ thống kinh điển của Tây Tạng thật đáng ngạc nhiên cho một nước có khoảng 5-6 triệu dân, đó là một tập hợp đồ sộ của nhiều tạng kinh mà chữ Hán cũng chưa chắc có.

Sau Tàng Kinh Các, bạn sẽ đi qua rất nhiều phòng với vô số tượng. Đó là tượng A Đề Sa và các vị Đạt Lai. A Đề Sa là kẻ lữ hành người Ấn Độ đã từng tới cả đảo Sumatra của Indonexia ngày xưa, kẻ đã chịu đi Tây Tạng mặc dù biết trước vì chuyến đi đó mà mình sẽ giảm thọ 12 tuổi.

Sau đó bạn sẽ tới thăm tám ngôi tháp đựng di cốt của các vị Đạt Lai. Tháp được mạ vàng và mang nhiều ngọc quí. Tháp của vị thứ năm cao khoảng 15 m và được bọc bởi 3700 kg vàng. Vàng bạc châu báu quả là không thiếu tại Potala, đó là một kho tàng của nghệ thuật tôn giáo và là nơi cất chứa không biết bao nhiêu tượng vàng.

Khi leo lên đến nóc điện, bạn có thể nhìn ra xa. Thật là một cảnh quan hùng vĩ, xung quanh toàn là mái điện thếp vàng. Ngày trước, khi Đạt Lai thứ 14 lúc còn một đứa trẻ đứng nhìn xuống dưới mặt đất xa tít thấy trẻ con cùng tuổi chơi đùa. Rời nóc điện bạn sẽ đi thăm chỗ ngủ, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng thiền định của các vị Đạt Lai. Các phòng này vẫn được giữ nguyên không hề thay đổi kể từ ngày Đạt Lai thứ 14 ra đi.

Cung Potala là cung điện cao nhất so với mực nước biển của thế giới, là trung tâm của thánh thành Lhasa. Cấm cung sừng sững trên núi cao trong không khí thưa loãng của rặng Himalaya, do Lạt Ma đời thứ 5 gây dựng.

Đứng ở bất kỳ phương hướng nào ngoài vài kilomet đều có thể nhìn thấy cung Potala. Nó giống như một vách đá lớn, tường màu trắng, với từng dãy cửa sổ và mái nhà cao thấp khác nhau. Potala được xây dựng trên núi Mabuge (Núi Đỏ), có độ cao hơn thành phố Lhasa tới 91 m.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544978046250000/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Cung-dien-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận