Tài liệu: Tây Tạng - Đến thăm đền Jokhang

Tài liệu
Tây Tạng - Đến thăm đền Jokhang

Nội dung

ĐẾN THĂM ĐỀN JOKHANG

 

Không phải là xứ sở giàu có với vẻ đẹp óng ả, dịu dàng của những cánh đồng hay thảo nguyên bao la, Tây Tạng giống như một người cần mẫn, giản dị và chân thành với ngôi đền nổi tiếng chẳng khác nào Đất Linh Sơn của nhà Phật - Jokhang.

Là nơi lưu giữ và bảo tồn bức tượng quý, ngôi đền JoKhang đã thu hút rất nhiều người hành hương và khách du lịch đến thưởng lãm mỗi năm. Dù bạn là người mộ đạo hay là khách thập phương, khi đến đây bạn đều xem sự biểu lộ cung kính như là một nhu cầu tự nhiên, không thể cưỡng lại được. Hòa vào dòng người cùng đi lễ Đức Thế Tôn, bạn có thể cùng đi với mọi người theo chiều kim đồng hồ quanh đền, rồi đến vách ngoài phía đông nơi bên trong có bức tượng Jowo và cùng cảm nhận không khí linh thiêng trở về miền tâm linh huyền bí. Nếu có nhiều thời gian hơn một chút, nhìn sang lối đi của người mộ đạo, bạn sẽ càng thấu hiểu hơn giá trị của tôn giáo trong thế giới tinh thần của con người. Tại đó, khi đến bên vách phía đông của ngôi đền, du khách đang quỳ lạy Đức Phật cao quý mà chưa cần nhìn thấy bức tượng, họ nằm dài trên đất để biểu lộ sự khiêm cung nhẫn nhục.

Và rồi vẻ đẹp vừa hoàn hảo vừa kì bí của bức tượng sẽ cuốn hút bạn vào một không khí mới. Bức tượng Đức Phật ánh lên một màu vàng chói lòa của vàng ròng. Khuôn mặt vàng sáng rực của Đức Phật đang chiếu rọi vào bạn một thứ ánh sáng kì lạ, vừa như ảo ảnh vừa như bạn đối diện một đôi mắt từ bi thấu rõ tâm can mình. Trên đầu Đức Phật là vương miện năm trí được trang trí bằng nhiều ngọc trai và đá quý. Ngài trông càng “phong độ” hơn với bộ khăn quàng trên đầu tượng, tương truyền là món quà của Tông - Khách - Ba tự làm lấy. Còn chiếc áo choàng bên ngoài bức tượng là cống vật của một vua nhà Minh cúng đường.

Sự tồn tại của bức tượng cao quý và hình ảnh của ngôi đền còn là một câu chuyện thú vị mà bạn không thể không ghi nhớ. Ban đầu, đền do công chúa Bhrkuti - người vợ Nêpan của vua Tùng Tán Cương Bố ra lệnh xây dựng. Từ năm 642 đến năm 653 ngôi đền được xây dựng nhờ những bàn tay nghệ nhân Nepal. Trong ngôi đền đó thờ bức tượng Bất Động Như Lai của Bhrkuti mang theo từ quê hương. Cùng thời điểm đó, công chúa Văn Thành, người vợ thứ hai của vị vua đời thứ 28, Tùng Tán Cương Bố, người được mệnh danh là bà hoàng Trung Quốc, cũng cho xây một ngôi đền khác gần đó và thờ tượng thần Jowo. Ngày nay vẫn còn, tên gọi là Ramoche. Chẳng bao lâu sau đó, để tỏ tình đoàn kết, hai nàng công chúa đem bức tượng thờ tại ngôi đền của mình đổi cho nhau, và từ đó Jowo được thờ tại đền Jokhang.

Về kiểu thức, đền Jokhang là một tòa kiến trúc gồm có 4 tầng, mái mạ vàng, phần lớn các tranh tượng đều ở tầng một. Tổng thể diện tích của đền khoảng trên 25.000 mét vuông, được chống đỡ bằng những cột gỗ, những cột này đều từ thế kỷ thứ bảy còn lại cho đến ngày nay. Để vào được chính điện hình vuông, bạn sẽ đi qua một khung cửa gỗ. Đó là một khung cửa gỗ với hoa văn tinh tế, có từ 13 thế kỉ trước, được dùng để ngăn cách ba vòng ngoài của đền với chính điện.

Được xây dựng từ thế kỷ XVII, ngôi đền được xem là đại bản doanh của đạo Phật ở Tây Tạng. Phảng phất trong khói hương mờ ảo, không gian Jokhang yên tĩnh, đâu đâu cũng vẳng lên lời rì rầm cầu nguyện của khách thập phương và tiếng kinh ngân nga của các vị sư sãi.

Việc chọn địa thế xây dựng tạo cho ngôi đền một đặc trưng riêng, nét thanh tĩnh, huyền bí bên trong ngôi đền và nét thoáng đãng, rộn ràng đến nhộn nhịp ở phía ngoài ngôi đền. Đền nằm ở gần khu buôn bán tấp nập thuộc khu phố Barkhor, nên khi bước ra khỏi không gian u tịch, bạn sẽ cởi mở tâm hồn mình trên đường dạo qua Barkhor...

Trên quảng trường Barkhor gần đó, hầu như lúc nào cũng có những “trận không chiến” nảy lửa của hàng trăm cánh diều sặc sỡ do người dân bản địa làm ra. Có con diều bay xa và cao tới mức mắt thường không nhìn thấy được.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544980392656250/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Den-tham-d...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận