TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THANH HẢI - TÂY TẠNG
Tuyến đường xe lửa cao nhất thế giới đã thông xe hôm mồng l tháng 7 năm 2006, khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc cắt băng khánh thành đoạn đường xe lửa dài 1140 cây số nối liền thành phố Cách Nhĩ Mộc (Golmud) của tỉnh Thanh Hải với thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Trong lúc giới hữu trách Bắc Kinh nói rằng dự án có Kinh phí 4 tỉ 200 triệu đô la này sẽ mang lại thịnh vượng cho Tây Tạng, nhiều người ở miền đất thường được gọi là nóc nhà thế giới lại lo ngại rằng đường xe lửa Thanh - Tạng sẽ có thể phá vỡ nền văn hóa cổ truyền của Tây Tạng.
Đối với giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, việc hoàn tất dự án xây dựng đường xe lửa - có những quãng nằm ở độ cao 5 ngàn mét cách mực nước biển, chẳng những là một kỳ công về mặt kỹ thuật mà còn là một thành tựu to lớn về mặt chính trị. Phát biểu tại buổi lễ thông xe hôm mồng 1 tháng 7, Chủ tịch Hồ Cẩm đào nói rằng dự án này minh chứng cho chí khí và lòng tự tin của người dân Trung Quốc, và cho thấy là Trung Quốc đã thật sự tiến vào hàng ngũ các Quốc gia tiên tiến của thế giới ngày nay. Cũng theo lời ông Hồ Cẩm Đào, đường xe lửa Thanh-Tạng chẳng những sẽ mang lại thịnh vượng cho Tây Tạng mà còn giúp tăng cường công tác Quốc phòng của Trung Quốc. Trong nhiều thập niên qua, chính phủ ở Bắc Kinh đã không ngừng tìm cách củng cố quyền hành ở phần đất rộng lớn trong vùng Tây Bắc và việc hoàn thành tuyến đường sắt dài 1140 cây số, băng qua những ngọn núi cao chót vót, rõ ràng là một trong những nỗ lực nhắm tới mục tiêu đó.
Lâu nay, mỗi khi muốn tới Lhasa, du khách nước ngoài và Trung Quốc cùng với những người Hán di cư, phải đáp xe 36 tiếng đồng hồ để đi từ thành phố Cách Nhĩ Mộc. Họ cũng có thể đáp các chuyến bay hàng ngày phát xuất từ miền đông Trung Quốc, nhưng lượng hành khách máy bay không nhiều lắm vì tiền vé cao. Giờ đây, với tuyến xe lửa Thanh-Tạng, họ có thể tới Lhasa sau 16 giờ đồng hồ ngồi trên các toa xe lửa do Canada chế tạo và được thiết kế như máy bay để giúp cho hành khách khỏi bị xây xẩm, nhức đầu, hoặc gặp nguy hiểm vì áp suất thấp và không khí loãng.
Là một thành quả khoa học kỹ thuật có ý nghĩa to lớn nhưng với người dân Tây Tạng sự kiện khánh thành chuyến đường sắt Thanh - Tạng cũng mang tính hai mặt. Bên cạnh việc tạo ra thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là du lịch. Vấn đề bảo tồn nền văn hóa bản địa đang được đặt ra cấp thiết.