Tài liệu: Tây Tạng - Thành phố Shigatse

Tài liệu
Tây Tạng - Thành phố Shigatse

Nội dung

THÀNH PHỐ SHIGATSE

 

Trên bản đồ, Gyantse quả thật là ngã tư của nhiều con đường lữ khách. Cách Gyantse khoảng 300 km về phía nam là Gangtok, thủ đô nước Sikkim. Từ Gyantse ta chỉ đi về phía tây thêm 100 km là đến Shigatse, đô thị lớn thứ hai của Tây Tạng. Từ Shigatse mà đi về hướng tây nam thêm khoảng 500 km là đến Kathmandu, thủ đô Nepal.

Đường từ Gyantse tới Shigatse đi qua một cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4000m, chạy dọc theo con sông Nyang Chu. Nyang Chu chỉ là một con sông nhỏ, nước rất trong xanh. Tây Tạng là xứ thưa dân, xe chạy cả vài chục cây số mới thấy xuất hiện làng mạc ruộng đồng. Thỉnh thoảng vài tu viện đổ nát hay phế tích nằm cao trên đỉnh đồi hiện ra như một tiếng gọi trầm mặc vang vọng từ quá khứ.

Khoảng 20 km trước khi đến Shigatse ta có thể thấy tu viện Shalu. Tu viện này mới đầu được xây năm 1040, có kiến trúc hỗn hợp của người Hán và Tây Tạng. Ngày nay ta còn thấy mái của tu viện được lợp bằng một thứ ngói có tráng men xanh của đời nhà Nguyên, đó là loại ngói ta hay thấy tại các chùa của Trung Quốc. Đây cũng là loại ngói tráng men của các cung điện xứ Huế. Dưới mái ngói này của tu viện Shalu thuộc phái Tát-ca, Buton đã tu học và kết tập kinh điển thành các bộ Kanjur và Tanjur. Trong tu viện Shalu này Buton cũng đã lấy tên của tu viện mà sáng lập ra bộ phái Shalupa.

Shigatse là đô thị lớn thứ hai sau Lhasa và bộ mặt của nó đang dần dần biến thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc với các sạp hàng với cửa cuốn bằng kim loại. Shigatse đã được xây dựng trên một độ cao 3900m khoảng trong thế kỷ thứ XIII. Shigatse có một tu viện nổi tiếng, đó là Tashilhunpo, nó được kiến lập năm 1447. Tu viện này do các đệ tử của Tông-khách-ba trụ trì. Nó nổi tiếng ở chỗ các sư trưởng đầu tiên của nó chính là vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai và các vị sư trưởng thừa kế được gọi là Ban-thiền lạt-ma. Khi vị Đạt-lai thứ năm lên ngôi thì vị thầy của ông tên là Choki Gyeltshen (1475-1542) được phong làm Ban-thiền dời thứ tư. Vì Đạt-lai là hiện thân  của Quán Thế Âm nên Ban-thiền, thầy của Đạt-lai được xem là hiện thân của A-di-đà. Các vị Đạt-lai và Ban-thiền được xem là đời đời làm thầy trò của nhau, vị này ấn chứng cho vị kia khi một vị được khám phá là mới tái sinh.

Điện Tashilhunpo tại thành phố Shigatse có nhiều công trình, được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành mà tín đồ Tây Tạng nào cũng đi một vòng trước khi bước vào. Toàn thể công trình của điện chiếm một diện tích 150.000 m2. Điện được xây dựng để thờ Di-lặc, vị Phật tương lai và vì thế trong chính điện ta thấy ngay bức tượng vĩ đại của Ngài với chiều cao 27 m, đúc toàn bằng đồng. Bức tượng tại Tashilhunpo cao hơn tại Ung Hoà cung, cặp mắt Ngài vẫn xanh biếc, hình như đang nhìn ngắm những gì diễn ra tại Shigatse lịch sử này một cách bí ẩn và hóm hỉnh. Vì rằng những gì xảy ra tại Shigatse cũng chẳng có tự tính, tất cả đều dựa lên nhau mà thành.

Ngày nay đến Tashilhunpo khách có thể đi thăm tháp thờ di cốt hai vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai, tháp của các vị Ban-thiền thứ 5 đến thứ 9. Và kể từ khoảng 10 năm nay có thêm tháp của vị Ban-thiền thứ 10 mà hình chụp của ông cho thấy là một người thông thái và khỏe mạnh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544981587656250/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Thanh-pho-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận