Tài liệu: Nhật Bản - Người Nhật ăn Tết

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nhật Bản từ thời Minh Trị, cách đây khoảng hơn 100 năm, cùng với phong trào học tập phương Tây, bắt đầu chuyển sang ăn tết dương lịch giống như ở các nước châu Âu và Mỹ.
Nhật Bản - Người Nhật ăn Tết

Nội dung

Người Nhật ăn Tết

Nhật Bản từ thời Minh Trị, cách đây khoảng hơn 100 năm, cùng với phong trào học tập phương Tây, bắt đầu chuyển sang ăn tết dương lịch giống như ở các nước châu Âu và Mỹ. Đêm giao thừa (tiếng Nhật gọi là OMISOKA) ở Nhật, người Nhật có thói quen đến các chùa đón năm mới và cầu chúc may mắn, hạnh phúc cho bạn bè cùng tất cả những người thân trong gia đình.

Người Nhật có tập quán lâu đời trong dịp tết dương lịch đó là trao đổi quà tặng. Thời nay tục lệ này được thông dụng hơn trước do không ít người muốn nhân cơ hội này tranh thủ cảm tình của cấp trên hay bè bạn đặc biệt là bạn gái. Dịp cuối năm, vào lễ Nô-en trở đi, các cửa hàng phải lấy thêm người phục vụ bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Người ta còn gửi thư, bưu thiếp chúc mừng năm mới cho người thân ở trong và ngoài nước. Theo phong tục cổ truyền, vẫn còn nhiều người ăn bánh mì làm bằng kiều mạch vào đêm giao thừa. Đúng lúc giao thừa, tại các ngôi đền trong cả nước đều nổi 108 tiếng chuông. Rất đông người xuất hành vào giờ này để đến đền, đài..., cầu mong phúc lộc cho năm mới.

Tại Tokyo, một trong những chùa được mọi người hay đến vào đêm giao thừa nhất là chùa Meiji Jingu. Chùa tọa lạc gần ngay trung tâm thủ đô Tokyo. Vào đêm giao thừa, gần tới nửa đêm, hàng ngàn người mà đa số là thanh niên nam nữ kéo tới tụ tập quanh khu vực cổng chùa. Tất cả đều chờ để đợi đến giây phút chuyển mình của năm mới, được vào trong chùa, tung những đồng xu và cầu chúc một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc cho mình, cho bạn bè cùng tất cả những người thân.

Tất cả các tuyến tàu điện cũng đều chạy suốt cả đêm để có thể phục vụ được cho việc đi lại. Quãng đường ngắn từ cổng đến điện chính của chùa thực sự là một quãng thử thách lòng kiên nhẫn. Cả một biển người nối đuôi nhau dài vô tận, tiến vào chùa với một tốc độ vô cùng chậm. Thế nhưng tuy rất đông, mọi người vẫn vô cùng trật tự và tuyệt nhiên không hề có một sự chen lấn, xô đẩy.

Sau khi đã vào tới được điện chính để cầu chúc cho năm mới may mắn, hạnh phúc, sang bên khu bán hàng sẽ có rất nhiều những món quà nhỏ được bày bán để bày và để tặng nhau trong ngày tết. Một trong những thứ mà người Nhật hay mua nhất là những tấm bảng gỗ nhỏ. Họ ghi lên đó những điều họ mong ước trong năm mới: đỗ đại học, được lên chức, thuận lợi trong tình yêu... và treo những tấm bảng gỗ đó lên tấm bảng của nhà chùa.

Tượng ông thần một mắt cũng không kém phần được ưa chuộng. Mỗi ông thần đều chỉ được vẽ có một mắt và đều được gửi gắm những điều mong ước trong năm mới. Chỉ khi nào điều mong ước đó thành hiện thực, ông thần đó mới được vẽ tiếp con mắt thứ hai. Ngoài ra còn có những gian bán những hàng trang trí. trong ngày tết, gian rút quẻ bói xuân. Nếu chẳng may bạn rút được những quẻ bói có những điều bạn không thích, bạn buộc nó lên cành cây trong chùa, năm mới điều xấu đó sẽ không đến với bạn. Những chiếc túi hộ mệnh, tiếng Nhật gọi là OMAMORI, được tết nhỏ nhỏ, xinh xinh rất đẹp sẽ là món quà để tặng bạn bè, người thân và nhất là để tặng cho người yêu thì không có gì tuyệt vời hơn. Mỗi chiếc đều có màu sắc riêng và được trang trí khác nhau, mang những ý nghĩa khác nhau: sức khoẻ, may mắn, hạnh phúc, sự bền vững trong tình yêu...

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2916-02-633555995674083487/Van-hoa---phong-tuc/Nguoi-Nhat-an-Tet.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận