Tài liệu: Nhật Bản - Trà dạo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cũng như người Việt, trà là một thứ đồ uống không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân xứ sở hoa anh đào.
Nhật Bản - Trà dạo

Nội dung

Trà dạo

Cũng như người Việt, trà là một thứ đồ uống không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân xứ sở hoa anh đào. Trà đạo được biết đến như một nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, trà đạo có nhiều thủ tục và đầy tính nghệ thuật của văn hóa cổ truyền Nhật Bản.

Bình pha trà

Thường được làm bằng đất nung màu đen hay nâu có cán cầm (khác với loại có quai, cũng có khi bằng kim khí rất nặng màu đen, có quai xách. Bình pha trà thường có dung tích khoảng 200 ml (bằng trái cam), nếu cỡ khoảng 400 ml (bằng trái bưởi) đã được coi là to. Rất hiếm có bình pha trà cỡ lớn hơn 500 ml vì sẽ làm loãng, mất mùi vị trà và nhất là không đẹp mắt. Với những cỡ bình lớn người ta thường dùng để pha những loại trà hạ phẩm (loại nhiều cuống lá, lá già thô hay loại trà xanh pha trộn với gạo rang...).

Hầu hết các bình pha trà xanh của Nhật Bản đều có một tấm lưới rất mịn bằng kinh khí bao phía trong vòi ấm hay là một cái phễu lọc bằng lưới nằm sát vào miệng ấm để đựng trà, giữ lại không làm cho bã trà chảy theo ra tách khi rót trà.

Bộ ly uống trà thường cỡ khoảng 70ml đến 100 ml, hình tròn, hay hình ống, đôi khi có hình dạng méo mó, màu đậm hay nhiều màu in hình hoa trái hay viết những chữ Nhật Bản dạng chữ thảo. Ly tách uống trà của Nhật Bản có màu thanh thoát, êm dịu. Tách uống trà có thể có nắp hay không, nhưng phải có một đĩa nhỏ đễ đỡ tách uống trà.

Trà được đựng trong một chiếc hộp dung tích cỡ 100 ml - 300 ml, bằng kim khí có 2 nắp. Nắp ở phía trong bằng plastic hay bằng kim khí. Nắp phía ngoài hộp, ngoài tác dụng đậy hộp trà cho kín, nhưng còn được dùng như một dụng cụ để đo lường trà chính xác trước khi cho trà vào bình. Người pha trà lấy một chiếc muỗng bằng tre gạt trà vào trong chiếc nắp, tùy theo số người uống để tránh tình trạng nhiều ít không đều.

Đó là những dụng cụ mà mọi gia đình Nhật Bản đều phải có và được coi như đồ dùng hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp tiếp khách, họ còn mang ra thêm vài dụng cụ khác nữa để tạo vẻ lịch sự và đẹp mắt. Chẳng hạn:

Một cái bình uống trà thứ hai dùng để điều chỉnh độ nóng của nước pha trà (hình thức giống cái chén tống của lối uống trà của Việt Nam hay Trung Hoa).

- Một cái bình khá lớn bằng đất nung màu đen, thường có nhiều hình dạng khác nhau để đựng nước tráng tách uống trà, bình pha trà hay đựng trà cặn mỗi lần uống trà mới.

- Một cái khay đựng tách và bình trà bằng gỗ (thường màu nâu, có hình vuông hay chữ nhật) được che phủ bởi một tấm khăn xinh xắn, sạch sẽ để người pha trà lau khô tách uống trà trước khi rót trà cho khách.

Ngoài ra còn rất nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh khác như muỗng lấy trà bằng tre, cái máng nho nhỏ bằng tre hay gỗ để ước lượng số trà nhiều ít trước khi ruôn trà vào bình... tất cả tùy thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc uống trà và sự cầu kỳ tiếp khách của chủ nhân.

Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà, có nghĩa là không dùng nước đang sôi trong bình ruôn vào bình pha trà. Lý do là trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật Bản (trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà (Sado) không bao giờ dùng nước đang sôi. Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy (uống trà thông thường) hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80 90 độ celcius (trà đạo).

Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng.

Thường với loại trà ngon cỡ trung bình, người ta thường tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà - phê trà xanh. Tuy nhiên, nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh quá nhạt.

Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau:

Lần thứ nhất: được pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cái bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà.

- Lần thứ hai: pha với nước nóng khoảng 80 độ trong khoảng 30 - 40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà, hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng mau lẹ hơn để có nhiệt độ mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay, họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nước thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà...).

- Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90oC, cũng khoảng 30 - 40 giây. Nước có thể ruôn trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90oC.

Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng với những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền, việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70 - 80 độ, 2 phút), lần thứ hai (90 độ, khoảng 1 - 2 phút) và không có lần thứ 3 vì khi đó nó đã hết mùi vị rồi.

Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, phải biết dung tích của tách uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm phẩm chất của lần uống trà kế tiếp vi sai nhiệt độ, oxy hoá làm mất màu xanh đẹp của trà v.v...

1. Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp. Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên quá nhiều, tách cuối cùng rất ít, quá đậm vì thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp). Vì vậy, tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1, 2, 3, 4... rót lần đầu khoảng 30 ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70 ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2, 1, mỗi lần khoảng 20 ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50 ml nước trà), nếu còn dư chút ít trong bình, nên co giãn để phân đều cho các tách. Sau đó mới đưa mời khách.

Khi uống trà xanh Nhật Bản (cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà), người Nhật phải ăn một vào loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Các loại bánh này bán rất nhiều trên thị trường, thường làm bằng đậu hay bột khoai, bột gạo... Có thể thay thế bằng các bánh ngọt khác của Âu Mỹ như bánh ngọt, chocolate... nhưng vẫn không phải là hoàn hảo lắm. Ở Việt Nam có loại bánh đậu xanh được coi là rất thích hợp cho việc uống trà xanh.

Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Cách này sẽ làm gia tăng hương vị của trà xanh một cách lạ kỳ. Uống trà xanh Nhật Bản hoàn toàn khác với lối uống nhâm nhi từng tí một trong lối uống trà Tàu của những nhà nho Việt Nam. Người Nhật uống thành ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng.

Với những loại trà xanh hảo hạng hay trên trung bình, người Nhật cho rằng nước pha trà lần đầu tiên được coi là đậm đà nhất, làm mùi ngon của trà thấm vào vị giác nhiều nhất. Nước thứ hai có một khoái cảm khác nhờ nhiệt độ nóng của lần pha này, nước trà mất đi khá nhiều vị đặc biệt của trà nhưng lại có mùi rất thơm bốc lên, kích thích vào khứu giác. Cả hai lần pha trà này được coi là quan trọng nhất và độc đáo nhất của trà xanh Nhật Bản. Với loại trà thượng hạng, người ta có thể uống đến lần thứ 4 hay thứ 5 nước trà vẫn xanh và mùi vị vẫn còn. Tuy nhiên với loại trà hạ phẩm, người ta bỏ qua lần thứ nhất và bước sang cách pha lần thứ hai.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2923-02-633556016707364737/Nghe-thuat-va-nhung-san-pham-truyen-thong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận