Tài liệu: Nhật Bản - Origami và môn nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật như Sake, Shushi, Kimono... đã được quốc tế hóa để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật,
Nhật Bản - Origami và môn nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản

Nội dung

Origami và môn nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản

 

Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật như Sake, Shushi, Kimono... đã được quốc tế hóa để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật, không lẫn vào đâu được. Và dù bây giờ Origami đã phát triển vượt biên giới, thành nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại niềm say mê cho biết bao nhiêu người trên toàn thế giới nhưng tất cả vẫn trân trọng gọi nghệ thuật xếp giấy bằng cái tên Origami như một sự tưởng nhớ đến cái nôi cho sự hình thành và phát triển một môn nghệ thuật độc lập.

Từ khi phương pháp chế tạo giấy lần đầu tiên được tìm ra ở Trung Quốc và phát triển dần, công nghệ sản xuất giấy lan rộng sang các nước thuộc địa và du nhập vào Nhật vào thế kỉ thứ VII. Từ đó người Nhật đã áp dụng và biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như nguyên liệu chế tạo giấy, hình thành hẳn một văn hóa giấy với vật liệu giấy phong phú, chất lượng cao (gấp mở nhiều lần không rách, mềm, bền và đẹp... Đó chính là loại giấy mà người Nhật vẫn tự hào có một không hai trên thế giới với cái tên ''Washi'').

Từ những bức tranh cổ còn được lưu truyền thì vào những năm 1700, Hạc (Oritsuru) và các loại thuyền là những vật phổ biến được gấp và trang trí. Từ đó cho đến khoảng 100 năm sau, các cuốn sách chuyên môn về Origami đã được in ấn và xuất bản, chứng tỏ một văn minh xếp giấy đã đạt được đến trình độ cao, đa dạng. Vào thời điềm đó, Origami đã không chỉ là trò chơi của trẻ con mà còn là thú vui của người lớn, và có rất nhiều tạp chí ra đời với những mẫu xếp giấy vô cùng phức tạp.

Vào thời Minh Trị (MeiJi), Origami được đưa vào các trường mẫu giáo thành một môn học dưới ảnh hưởng về phương pháp giáo dục của nhà giáo dục học người Đức Frebel (1782 - 1852). Các phương pháp xếp giấy của châu Âu cùng sự phát triền theo nhiều hướng khác nhau đã khiến cho nghệ thuật xếp giấy ngày càng phong phú. Chỉ ở thời Meiji đã có rất nhiều những tác giả vô danh tạo ra nhiều mẫu hình mới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chỉ gấp theo những mẫu có sẵn không không mang tính sáng tạo nên vào thời Đại chính (Taisho), khi giáo dục được phát triển theo hướng sáng tạo thì Origami bị bỏ rơi.

Ngày nay Origami đang mở rộng tầm ảnh hưởng ra tầm thế giới, không chỉ giới hạn là một thú vui mà còn được nghiên cứu phục vụ cho các mục đích khoa học khác bởi nhiều tổ chức và cá nhân.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2923-02-633556017815333487/Nghe-thuat-va-nhung-san-pham-truyen-thong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận