Tài liệu: Nhật Bản - Maiko, Geiko ở Kyoto

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thi thoảng lắm trên đường phố ở Kyoto có những cô gái Nhật mặc những bộ kimono lộng lẫy trang điểm đậm nét theo lối trang điểm truyền thống.
Nhật Bản - Maiko, Geiko ở Kyoto

Nội dung

Maiko, Geiko ở Kyoto

Thi thoảng lắm trên đường phố ở Kyoto có những cô gái Nhật mặc những bộ kimono lộng lẫy trang điểm đậm nét theo lối trang điểm truyền thống. Đó chính là hình ảnh của các cô Maiko, Geiko. Ochaya là những quán chuyên cho thuê chỗ, phục vụ tiệc, hội nhưng có đặc trưng là có màn đàn hát truyền thống của các cô Maiko, Geiko.

Tuy có thể nói là hát múa, đánh đàn mua vui cho thực khách nhưng để trở thành một Maiko hay Geiko, các cô gái phải thực sự quyết tâm và khổ luyện cùng với việc tuân theo nhiều qui tắc nghiêm ngặt trong nghề. Maiko là cách gọi các thiếu nữ mới vào nghề, đang ở giai đoạn học tập, rèn luyện, sau đó khi đến 20 tuổi các cô sẽ phải quyết định theo nghề để trở thành Geiko hay chuyển sang làm nghề khác hay là kết hôn.

Giới Maiko, Geiko ở Kyoto có qui tắc nghiêm ngặt là theo nghề thì không được phép kết hôn. Xưa kia, khoảng 12 - 13 tuổi là một bé gái có thể bắt đầu bước chân vào học nghề, nhưng hiện nay do những qui định trong giáo dục, lao động... mà tuổi bắt đầu vào nghề của Maiko thường là sau khi tốt nghiệp cấp 2, khoảng 15 - 16 tuổi.

Trong năm đầu tiên vào nghề, Maiko phải vào sống ở trong Ochaya hoặc là Okiya và trải qua khoảng thời gian nửa năm đến 1 năm là Minarai-san để học tập, làm quen. Trong thời gian này, người ta sẽ dạy cho cô gái những phép tắc, qui định cơ bản của nghề, đánh đàn Shamisen, tiếng đặc trưng của Kyoto... Các cô cũng sẽ có một Maiko đi trước kèm cặp, chỉ bảo. Qua khoảng thời gian đó, cô gái mới chính thức thành một Maiko, có thể xuất hiện trong Ochaya, có thể tham gia vào hát, múa tiếp đãi khách hàng. Việc đánh đàn, hát đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và rèn luyện nên thường được giao cho các Geiko đã có nhiều năm trong nghề còn việc múa thì thường được các Maiko đảm nhận.

Có sự khác nhau trong trang phục, kiểu tóc của Geiko và Maiko, nhưng rõ thấy nhất là các cô Maiko thường mặc kimono sặc sỡ mầu sắc, tay dài, và các kiểu tóc tùy thuộc vào mỗi giai đoạn trong nghề của Maiko, được quấn bằng tóc thật của các cô và được trang trí bằng trâm hoa, rực rỡ hơn nhiều so với Geiko. Tùy theo mùa trong năm mà hoa trang điểm trên mái tóc Maiko có sự thay đổi. Ví như tháng 2 thanh thoát với hoa mai, tháng 3 nở bừng sakura, tháng 10 rực rỡ hoa cúc, và tháng 11 thì chiếc trâm cài lại thắm sắc momiji. Rực rỡ, trang trọng nhất là chiếc trâm hình bông lúa, chỉ được cài vào dịp chúc mừng năm mới.

Sau thời gian khổ luyện đòi hỏi quyết tâm, đến 20 tuổi Maiko sẽ phải quyết định con đường phía trước của mình. Tiếp tục trở thành Geiko thì các cô sẽ chưa được phép kết hôn và lại tiếp tục công việc đánh đàn, hát múa lâu nay của mình và dìu dắt lớp mới vào nghề. Trước khi chính thức thành Geiko vài ngày, Maiko sẽ có lễ thay đổi kiểu tóc. Trở thành Geiko, các cô sẽ không búi tóc bằng tóc thật của mình mà phải đội mái tóc giả đã được búi sẵn gọi là katsura. Phải cắt mái tóc đã để dài và gắn bó nhiều năm cũng là nỗi nuối tiếc cho không ít cô Maiko trong buổi đầu trưởng thành thành một Geiko. Về trang phục và cách trang điểm thì Geiko có phần trầm hơn, không rực rỡ như các Maiko.

Hàng năm thì dịp Lễ hội Gion (giữa tháng 7) thường có nhiều buổi biểu diễn ngoài trời hiếm hoi của Maiko, Geiko, tập trung ở các khu Hanamachi, đặc biệt là ở Gion. Hiện nay ở Kyoto có khoảng 300 cô gái đang làm Maiko, Geiko nhưng có vẻ như số lượng đó đang giảm đi vì nhiều lí do như: những qui tắc nghiêm ngặt khi đã chấp nhận vào nghề, sự tách khỏi đời thường để hòa nhập vào một thế giới có nhiều đặc thù riêng, những vất vả, tâm sự mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu rõ. ..

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2923-02-633556018175177237/Nghe-thuat-va-nhung-san-pham-truyen-thong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận