Những loài khủng long có giáp nào được coi như những chiếc xe bọc thép?
Được bảo vệ tốt nhất trong số những loài khủng long ăn cỏ có vỏ giáp là ankylosaure (thằn lằn giáp). Một số có cơ thể rất nặng và thực sự được bọc những tấm xương giúp chúng không thể bị tấn công hoặc bị giết.
Nhóm ankylosaure xuất hiện vào thời kỳ đầu của kỷ Crêta, cách đây 135 triệu năm. Có thế chúng là hậu duệ của khủng long (thằn lằn) nóc ở kỷ Giura, vì chúng cũng mang những cục bướu xương trên người. Khủng long polacanthus là một trong những loài đầu tiên của nhóm này. Tấm áo giáp tương đối mỏng của nó gồm hai hàng ngạnh hình nón to nhọn dọc theo cổ và một phần lưng.
Những loài ankylosaures xuất hiện về sau này lại to đậm và ngắn chân, trên cơ thể mọc tua tủa những gai ngạnh và u bướu. Loài euoplocéphalus dài tới 4 mét - bằng một nửa chiều dài của loài khủng long nóc, song lại nặng gấp đôi. Lưng của nó được phủ một mảnh ghép bằng những tấm xương, được gia cố những cục bướu. Nếu kẻ thù còn nấn ná, có thể nó dùng chiếc đuôi to nặng giống như quả chuỳ để phản ứng. Song những cú ra đòn của nó thường thiếu chính xác.
Thằn lằn giáp dường như rất nhiều ở vào kỷ Crêta, với tấm áo giáp hữu ích của chúng. Loài scolosaure (thằn lằn gai) chắc chắn là một trong những loài được “trang bị vũ khí” tốt nhất. Cơ thể của chúng được phủ những gai nhọn. Hai giống khủng long to nhất còn có cái đuôi dùng làm “cây trượng”.