Tài liệu: Nicôla Cami Phlammariông

Tài liệu
Nicôla Cami Phlammariông

Nội dung

NICÔLA CAMI PHLAMMARIÔNG

 

Trong lễ kỷ niệm 70 tuổi của mình Cami Phlammariông đã phát biểu ý tưởng đã dẫn dắt cuộc đời mình: “Tôi coi thiên văn là khoa học về Vũ Trụ sống. Vũ Trụ không phải là các tảng đá hành tinh trời, lăn vô bổ trong không gian đó không phải là các chấm sao sáng mà giá trị của nó chỉ là toạ độ hình học, mà đó là những thế giới, nơi tập trung sự sống: sự sống hiện tại, quá khứ hoặc tương lai (bởi lẽ thời gian không có ý nghĩa đối với sự vĩnh cửu); đó là các lò của năng lượng và ánh sáng, của những bức xạ tuyệt vời tạo ra sự sống của Trái Đất bầu trời và Mặt Trời của vĩnh cửu; đó là bản tụng ca của cuộc sống toàn thế giới mà tự nhiên đã cất lên. . .”.

Nicôla Cami Phlammariông sinh ngày 26-2-1842 ở một thị trấn nhỏ nước Pháp là Môngtinhi - lơ - Roa (Montigny - le - Roi), tỉnh Macnơ Thượng (Haute - Marne), trong gia đình nhà nông không giàu. Ông là con cả trong số 4 anh em. Năm lên 4 tuổi ông đã đọc thạo và thuộc lòng nhiều trang Kinh Phúc âm. Hiện tượng nhật thực một phần đã khiến cậu bé 8 tuổi kinh ngạc. Cậu hỏi thầy và được tặng cuốn sách mỏng về thiên văn học. Cậu đọc nhưng không hiểu lắm, tuy nhiên lòng tràn đầy kính trọng các vị thông thái về bầu trời ngay từ thời xưa đã biết dự đoán các hiện tượng của trời đấtCuộc sống đã bắt Cami phải sớm kiếm tiền. Cậu tự học và ăn uống tiết kiệm để dành tiền mua sách mới. Sự lao lực và suy kiệt suýt nữa đã đưa cậu xuống mồ năm 16 tuổi. Góp phần cứu Cami là một bác sĩ trẻ tên là Phuôcniê khi ông nhìn thấy bản thảo 500 trang có nội dung thiên văn học của chàng bệnh nhân trẻ tuổi và tin ở kiến thức đáng nể của cậu. Nhờ những lo toan của ông bác sĩ mà Cami được nhận làm nhà thiên văn tính toán ở Đài thiên văn Pari, lúc đó do Uôcbanh Lơvêriê nổi tiếng đứng đầu. Trong thời gian ngắn ngủi tại đó Phlammariông đã thi đậu bằng tú tài, cũng như viết và in được một tác phẩm lớn cuốn “Tính đa Vũ Trụ có người ở” có tiếng vang lớn trên khắp thế giới.

Tuy nhiên thái độ đối với ông ở đài thiên văn lại khác,  Phlammariông bị Lơvêriê sa thải vì những hoạt động “không xứng đáng với danh hiệu nhà bác học”, dù chỉ là hoạt động vào thời gian rỗi. Không phải ngẫu nhiên mà từ phổ biến kiến thức” trong tiếng Pháp lại có nghĩa là sự tầm thường hoá, “sự dung tục hoá” (vulgarisation)! Lơvêriê nổi tiếng khắp Pari vì tính khí nóng nảy, đã gọi tác giả trẻ đến. Bực tức vì Phlammariông đã vi phạm tôn ti thứ bậc và đi chệch ra ngoài nhiệm vụ nhà thiên văn tính toán, Lơvêriê lạnh lùng nói: “Tôi thấy rằng ông không có ý muốn ở đây… Chẳng có gì đơn giản hơn. Ông có thể ra đi. . .”. Mười bốn năm sau Lơvêriê lại mời Phlammariông, lúc này đã là nhà văn và nhà nghiên cứu nổi tiếng và Phlammariông lại trở thành cộng tác viên của Đài thiên văn Pari.

Bước ngoặt bất ngờ trong đời đã cho Phlammariông tự do hoạt động sáng tạo: Những tri thức khoa học rộng và tài văn chương đã biến ông trở thành tác giả được các nhà xuất bản chèo kéo. Ông hăng hái cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí.

Nhưng ông vẫn tập trung vào các sách khoa học viễn thông mới: “Các thế giới tưởng tượng và các thế giới thực” (Năm 1805), “Những kỳ quan trên trời” (1865), cuốn sách giáo khoa phổ biến thiên văn đầu tiên “Lịch sử bầu trời” (1867). Còn xuất bản cả một loại bài giảng phổ biến khoa học của ông “Những phác hoạ về thiên văn” (đến năm 1880 đã ra đời 9 tập).

Đồng thời Phlammariông còn trực tiếp quan sát bằng một kính thiên văn nhỏ với vật kính có đường kính 108 mm và chế ra một quang kế. Các mối quan tâm khoa học của ông còn vượt xa ra ngoài thiên văn học. Ông quan tâm đến cả khí tượng học và vấn đề mối liên hệ Mặt Trời - Trái Đất. Vào các năm 1867 - 1880 khi nghiên cứu lớp vỏ không khí của Trái Đất Phlammariông đã thực hiện 12 chuyến bay trên khinh khí cầu. Năm 1871 ông cho ra đời cuốn sách hết sức lý thú: “Khí quyển (Khí tượng học thường thức)”.

Trước Phlammariông đã có những nhà thiên văn nổi tiếng dành thời gian và công sức phổ biến kiến thức: Galilêô Galilê, Iôhan Keple, Becna Phôngtonen, Giôdep Lalăngđơ, Pie Laplaxơ, Phrăngxoa Aragô. Chưa một ngành khoa học nào lại được chính những người tạo dựng dạy bảo, truyền đạt kiến thức một cách hào hiệp và tài hoa như thiên văn học. Tuy nhiên Phlammariông là người đầu tiên đưa việc phổ biến khoa học lên hàng sứ mệnh giáo dục cao cả. Chỉ cho con người biết vẻ đẹp và tính quy luật của Vũ Trụ, mối liên hệ của nó với thế giới sao và thiên hà - đó là mục đích chính mà Phlammariông đã đặt ra. Ông tin rằng sự cảm thụ Vũ Trụ sẽ nâng tâm hồn con người lên trên những lo toan vụn vặt, làm họ bớt đi những xích mích chính trị dẫn tới những bi kịch đẫm máu.

Phlammariông cho rằng sự hiểu biết có hiệu quả hơn khi đó là sự hiểu biết chủ động nên ngay từ Năm 1884 ông đã bắt tay vào việc soạn sách học dành cho các nhà thiên văn nghiệp dư tự quan sát. Trong gần 60 năm ông đã lập ra và thường xuyên đăng các bản đồ bầu trời hàng tháng có chỉ rõ sự phân bố của các hành tinh. Từ Năm 1806, ông đã tổ chức các hội nghị thiên văn công cộng hàng tháng có giảng bài ở phố Capuxin nổi tiếng và sau này ở trong Đài thiên văn Pari.

Phlammariông đã đi giảng ở nhiều thành phố nước Pháp và các nước châu Âu. Lần cuối cùng ông đăng đàn với bài giảng “thiên văn vô tuyến”, theo chính lời ông ngày 26- 11- 1924, trước micrô lắp tại phòng làm việc của ông ở Giuyvidi (Juvisy) và được nối với đài phát thanh ở Pari.

Thậm chí sau khi đã quay trở lại Đài thiên văn Pari vào Năm 1876, Phlammariông vẫn coi mục đích chính của mình là phổ biến khoa học và hoạt động văn học. Cuốn “thiên văn học phổ thông” (lần xuất bản đầu tiên vào năm 1879) đã mang lại cho ông tiếng tăm toàn thế giới. Đó là tác phẩm vĩ đại nhất của Phlammariông. Nhờ cuốn sách thông thái và hàm súc này, lại được minh hoạ phong phú lần đầu tiên, nên đã có thêm hàng triệu người hâm mộ thiên văn học hàng nghìn nhà quan sát hăng hái. Tác phầm này được tái bản tới hàng trăm lần và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nó đã được Viện hàn lâm khoa học Pari tặng giải đặc biệt.

Tiếp theo cuốn “Thiên văn học phổ thông” lại đến cuốn “bầu trời sao và những kỳ diệu của nó”. Cuốn sách này thuật lại tổng quát cả bầu trời: lần lượt từng sao, từng chòm sao và là cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời về bầu trời.

Phlammariông chưa bao giờ bỏ công việc quan sát thiên văn. Ông rời Đài thiên văn Pari năm 1882 khi bất ngờ có khả năng tạo ra một đài thiên văn của mình tại một lâu đài gần Pari. Một quý ông Mêrê nào đó, chủ nhà và chủ vườn đã khâm phục nhà bác học về chiều sâu thiên văn học và triết học trong các tác phẩm của ông liền tặng Phlammariông cả một lâu đài ở Giuyvidi. Công cụ thiên văn chính tại “biệt thự trời sao” này của Phlammariông là kính thiên văn phản xạ 24 cm đặt trên tháp có mái vòm quay.

Xét về điều kiện khí hậu thì đài thiên văn này vượt xa đài thiên văn trong thành phố Pari. Thư viện khoa học của Phlammariông chiếm toàn bộ tầng hai, thật là độc đáo. Nó có hơn 5000 cuốn sách, kể  cả những cuốn hiếm nhất, kể từ Arixtôt cho đến những cuốn xuất bản mới nhất.

Để tìm kiếm các dấu hiệu “động” nào đó trên bề mặt các thiên thể Phlammariông đã quan sát Mặt Trăng sao Hoả sao Kim các vệ tinh của sao Mộc. Ông có may mắn quan sát được sao Mới của chòm sao Bắc Miện Năm 1866 và sao Mới của chòm sao Dũng Sĩ năm 1901. Ông nghiên cứu có hệ thống các sao đôi. Phlammariông đã tính lại chính xác hơn các tham số của hàng loạt sao đôi đã phát hiện ra hệ sao ba  Cancri (chòm Con Cua) với thành viên thứ ba xa khác thường. Năm 1877 ông đã xác lập được sự tồn tại của một số cặp sao hoàn toàn mới, được gọi là các cặp sao rộng mà tính đôi ở chúng được phát hiện theo chuyển động riêng tương tự nhau trong không gian của các sao thành phần. Năm 1878, công trình khoa học chủ yếu của Phlammariông ra đời: “Các sao đôi. Danh mục các sao chùm có chuyển động quỹ đạo”. Nó có tất cả các thông tin kể cả những thông tin lịch sử, về 819 hệ với chuyển động quỹ đạo chắc chắn gần 600 cặp còn nghi vấn và hơn 300 cặp sao đôi quang học. Cuốn danh mục đã bán hết ngay lập tức.

 

Năm 1876, Phlammariông là người đầu tiên chú ý đến hiện tượng hình dạng bề ngoài của các vùng tối trên sao Hoả thay đổi. Dưới ảnh hưởng của các quan sát này, năm 1877 Xkiaparali đã phát hiện ra “các kênh sao Hoả” nổi tiếng, khiến cho suốt ba phần tư thế kỷ bao nhiêu hy vọng về người sao Hoả của các nhà viễn tưởng và thậm chí của cả các nhà khoa học đặt vào đấy! Đài thiên văn của Phlammariông đã trở thành trung tâm thu nhận tin tức từ vô số các nhà nghiệp dư trên toàn thế giới. Đến Năm 1895, ông đã xác định rằng các chòm cực sao Hoả “tan” nhanh hơn so với trên Trát Đất. Đặc biệt quý đối với lịch sử khoa học là Phlammariông đã thu thập được tất cả các quan sát đã biết về sao Hoả từ năm 1636. Chúng được tập hợp trong tác phẩm bách khoa thư hành tinh sao Hoả và các điều kiện sinh sống trên đó (các năm 1892, 1909).

Mặt Trời cũng được Phlammariông chú ý xét trên khía cạnh ảnh hưởng của nó đến Trái Đất. Ông nghiên cứu sự tăng trưởng của thực vật và một số sinh vật khi chiếu vào chúng các dải phổ Mặt Trời khác nhau. Ông cũng thu thập được tư liệu đồ sộ về những quan sát các hiện tượng từ dị thường ở Pari (từ Năm 1841), tiến hành nghiên cứu thống kê các hiện tượng khí tượng (mức độ mưa vào các thời đại khác nhau, sự xuất hiện chớp) và đã sưu tầm được khoảng 1500 bức ảnh cầu vồng, quầng, mây và các hiện tượng khí quyển khác. Các tác phẩm của Phlammariông đã kích thích các nghiên cứu mới. Ông trung thành với ý tưởng về “Vũ Trụ sống” cho đến cùng. Những lời bác bỏ nghiêm túc đầu tiên về tính hiện thực của “các kênh sao Hoả” của Ơgien Antôniađi (1870 - 1944) cũng không lay chuyển được Phlammariông. Quan sát sao Hoả vào thời kỳ xung đối lớn năm 1893 (tại “Biệt thự trời sao” của Phlammariông) và năm 1909 (tại Đài thiên văn Mơđông (Meudon)), Antôniađi đã đi đến kết luận rằng “các kênh” sao Hoả chỉ là sự đánh lừa thị giác do một chuỗi các vết đen nhỏ kích thước khác nhau gây ra.

Trong lời nói đầu một số thường kỳ của tạp chí “Thiên văn học” năm 1924, Phlammariông đã viết về sự cần thiết của vốn học vấn rộng về thiên văn. Ông khẳng định rằng cuộc chiến tranh thế giới 1914 - 1918, một đại hoạ với các nạn nhân vô nghĩa, ngoài những nguyên nhân khác, còn có nguyên nhân là đa số nhân loại không nhận thức được mình đang sống ở đâu và chiếm vị trí nào trong Vũ Trụ. Các dân tộc đương đại - Phlammariông viết trong cuốn “Thiên văn học phổ thông” - đáng lẽ đua tranh nhau trong việc chế tạo ra đại bác. . . thì điều tốt hơn là . . . chỉ cần dành một phần trăm kinh phí ấy cho các thí nghiệm có mục đích phát hiện cho chúng ta những bí ẩn kỳ lạ của tự nhiên. . .”.

Ngay từ năm 1879, Phlammariông đã bày tỏ ba mong muốn thiết tha của mình: xây một đài thiên văn nhân dân mở cửa cho mọi người yêu thích thiên văn; lập ra một cơ quan ngôn luận đủ nghiêm túc nhưng vẫn phù hợp với những người nghiệp dư, và thống nhất tất cả những ai giàu nhiệt huyết, đồng tư tưởng vào một “gia đình thiên văn” lớn, tức là lập Hội thiên văn. Ông đã hoàn thành được cả ba nhiệm vụ. Năm 1882, ông đã thành lập ra tạp chí “Thiên văn học” (L’Astronomie) mà ngày nay khá phổ biến; năm 1887 ông đã lập Hội thiên văn Pháp. Cuối cùng vào năm 1892 bằng tiền của mình Phlammariông đã mở một đài thiên văn nhân dân ở Pari (thuộc Hội thiên văn). Đến năm l968, theo di chúc của người vợ goá của ông, “Biệt thự trời sao”, đài thiên văn ở Giuyvidi đã được chuyển cho Hội thiên văn.

Những hành động nghĩa cử của Phlammariông đã có tiếng vang lớn. Từ năm 1881 đến năm 1911 trên toàn thế giới đã xuất hiện 29 hội thiên văn nghiệp dư và 7 hội trong số đó mang tên Phlammariông.

Cami Phlammariông đã sống một cuộc đời lớn lao và sáng lạn. Ông đột ngột mất vì một cơn đau tim vào ngày 3-6- 1925. Nhiều bản thảo ông còn đang viết dở. . . Nhưng ông đã đạt được mục đích đặt ra hồi trẻ: đặt cơ sở ban đầu cho các mối quan hệ qua lại mới giữa khoa

 

 

học và xã hội: ông đã đưa ngành khoa học vào loại cổ xưa nhất từ đỉnh cao Ôlimpich của các đài thiên văn đến với mọi người. Như ngọn đuốc, các cuốn sách của ông soi sáng con đường tới mục tiêu cao cả là nhận thức thế giới và tới các nguyện vọng tỉnh thần xứng đáng với con người. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả bài tụng ca viết nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của nhà bác học, đã tìm ra trong tên họ ông một ý nghĩa ẩn dụ: Flamme d’Orion (Ngọn lửa của Ôriông).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/382-02-633326431128837500/Nicolai-Cami-Phlammariong/Nicola-Cami-Phla...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận