Tài liệu: Phát hiện sinh vật lưỡng cư cổ đại mới ở châu Phi

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hóa thạch của 2 sinh vật cổ giống cá sấu mới được phát hiện ở sa mạc hoang sơ Niger, châu Phi. Điều này đã khiến các nhà cổ sinh vật học xem xét lại sự tiến hóa của các loài thú 4 chân trên trái đất
Phát hiện sinh vật lưỡng cư cổ đại mới ở châu Phi

Nội dung

Phát hiện sinh vật lưỡng cư cổ đại mới ở châu Phi

Hóa thạch của 2 sinh vật cổ giống cá sấu mới được phát hiện ở sa mạc hoang sơ Niger, châu Phi. Điều này đã khiến các nhà cổ sinh vật học xem xét lại sự tiến hóa của các loài thú 4 chân trên trái đất.

Tiến sĩ Christlan Sidor và nhóm nghiên cứu tại Đại học Osteopathic New York, Mỹ, đã công bố kết quả tìm kiếm của mình trên tạp chí Nature.

Hai con vật lưỡng cư mới tên là Nigerpeton ricqlesi và Saharastega moradiensis đều thuộc kỷ Pecmi, khoảng 250 triệu năm trước. Hộp sọ của chúng cho thấy chúng không giống với bất cứ loài vật nào khác từng tồn tại vào giai đoạn đó.

Sọ của N. ricqlesi giống của loài cá sấu mõm dài, và nó có thể dài tới 3 mét. “Con vật có thể hoạt động giống như cá sấu ngày nay với đôi mắt nhô lên trên mặt nước để săn mồi”, nhà khoa học Jean-Sebastien Steyer tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris Pháp, cho biết.

S. moradiensis có chiếc mõm tròn hơn và kích cỡ của nó cho thấy con vật có thể dài 2 mét. Chiếc sọ của nó là sự kết hợp của cả đặc điểm nguyên thủy lẫn tiến hoá. Điều này khiến các nhà khoa học khó có thể xác định chính xác loài vật này đã sống thế nào, mặc dù vị trí chồi lên của đôi mắt chứng tỏ nó sống trên cạn nhiều hơn so với N. ricqlesi.

Trong kỷ Pecmi, hầu hết đất đai dính liền vào nhau, tạo nên siêu lục địa độc nhất là Pangaea, về sau dần dần bị phân tách và hình thành nên những lục địa như ngày nay.

Đến nay, các nhà khoa học cho rằng các loài động vật 4 chân Pecmi đều tương tự nhau. Nhưng phát hiện mới nhất cùng với những phát hiện khác ở Niger trong vài năm qua, cho thấy sự đa dạng sinh học đã có từ 250 triệu năm trước.

Vào kỷ Pecmi, châu Phi không bị phân chia bởi những đại dương và dãy núi, nên Sidor và nhóm đã đề xuất một lý giải khác cho việc phát hiện loài lưỡng cư mới ở nơi này. Họ cho rằng 2 loài sinh vật mới đã bị cô lập ở Niger, trung tâm của Pangaea, do sự khác biệt khí hậu.

Vào thời kỳ đầu và muộn của kỷ Pecmi, trái đất trải qua một giai đoạn ấm áp kéo dài. Nhưng vào cuối kỷ Pecmi, vùng trung tâm của Pangaea đã dần biến thành khu vực hoang mạc rộng lớn, nơi mà hoá thạch của các sinh vật được tìm thấy.

“Chúng tôi cho rằng các con vật đã bị cô lập khỏi thế giới còn lại ở Pangaea do điều kiện sa mạc. Vì vậy khí hậu chính là nguyên nhân gây nên sự khác biệt giữa sinh vật ở Niger và phần còn lại của thế giới”, Sidor nhận định.

Các nhà khoa học từng cho rằng nhóm sinh vật này đã tuyệt chủng 40 triệu năm trước vì vậy việc tìm thấy 2 mẫu vật này hoàn toàn là một điều bất ngờ. Chúng là sinh vật lưỡng cư nên có thể đã có nước ở khu vực. Nhóm dự định quay lại Niger để kiểm chứng giả thuyết về khí hậu.

(Theo AFP)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945883781130000/The-gioi-dieu-ky/Phat-hien-sinh-vat-luong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận