Pulsar (pun-xa) là gì?
Sau sự bùng nổ của một siêu sao mới chỉ còn lại ở tâm của nó một ngôi sao rất nóng nhỏ xíu, đường kính chỉ khoảng vài kilômét. Nó tự quay quanh chính mình với một tốc độ khủng khiếp. Sự bức xạ của nó bấy giờ diễn ra theo nhịp độ (đập mạch) như thể của một chùm đèn pha quay.
Thiên thể trong tình trạng này, hay còn gọi là pulsar, là nhân của một ngôi sao gốc đạt tới nhiệt độ khoảng nhiều triệu độ.
Một trong những pulsar mạnh nhất nằm ở giữa tinh vân Cua: nó quay quanh mình với tốc độ 30 vòng trong một giây, trong khi đó Mặt trời của chúng ta quay phải mất 25 ngày. Nhưng đó vẫn chưa phải là con số kỷ lục: một pulsar được khám phá vào năm 1982 trong chòm sao Cáo Nhỏ đã đạt được tốc độ là 642 vòng trong một giây.
Những pulsar đều có xu hướng quay chậm dần do mất năng lượng cho tới khi chúng quay quá chậm khiến chúng ta không thể phát hiện ra được nữa.
Phần lớn các pulsar đều có ánh sáng quá yếu ớt không đủ để có thể chụp ảnh được, nhưng đó lại là những máy phát sóng vô tuyến khổng lồ. Chính nhờ nắm bắt được những nhịp đập của chúng mà người ta đã phát hiện ra chúng vào năm 1967.