Tài liệu: Quần sao và vị trí của chúng ta trong Thiên Hà

Tài liệu
Quần sao và vị trí của chúng ta trong Thiên Hà

Nội dung

 

QUẦN SAO CẦU VÀ VỊ TRÍ CỦA CHÚNG TA TRONG THIÊN HÀ

 

Sự kinh ngạc sẽ đến vôi bất cứ ai khi lần đầu nhìn bằng kính thiên văn thấy quần sao lớn M13 ở chòm sao Lực Sĩ. Và lắm khi ta bắt gặp sự hoài nghi hoặc sự kính nể trên mặt người đối thoại khi người đó biết rằng mỗi điểm sáng trên đó là một ngôi sao sáng hơn Mặt Trời rất nhiều, và cái quả cầu kỳ lạ đó cách chúng ta xa đến nỗi ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được đã phải dành ra hơn ba trăm thế kỷ để vượt qua chặng đường ấy.

Quần sao dạng cầu cho phép xác lập hai sự kiện cơ bản trong hiểu biết của chúng ta về các thiên hà. Thứ nhất, chúng chỉ rõ rằng Mặt Trời cùng các hành tinh của nó nằm trong Thiên Hà cách xa trung tâm (ở chòm sao Cung Thủ). Thứ hai, nhờ các sao xêphêit của mình, chúng cho phép xác lập sự phụ thuộc phổ quát giữa chu kỳ và độ trưng của các sao này (Sự phụ thuộc này được khám phá trước tiên qua nghiên cứu đám Mây Magienlăng Nhỏ).

Đến năm 1920 tôi mới rõ rằng, việc thống kê các quần sao cầu cơ bản đã kết thúc và vì thế đã đến lúc nghiên cứu chúng như là một hệ các quần sao thống nhất. Khác với các quần sao mở, các quần sao cầu không nằm trên tất cả các kinh độ của Thiên Hà mà phần lớn tập trung tại các chòm sao Bọ Cạp, Cung Thủ và Xà Phu. Phân tích vị trí của hàng trăm quần sao cầu, tôi phát hiện ra rằng, tâm hệ thống của chúng nằm ở vòng tròn giữa của Ngân Hà, gần nơi là ranh giới của ba chòm sao nói trên. Xích kinh của tâm ấy là 17 giờ 30 phút, xích vĩ là -30o. Các tần số toạ độ chính xác hơn của nó (17 giờ 42 phút và - 29o) cũng không sai khác nhiều lắm. Khi đó tôi đã có vài dự đoán táo bạo mà sau này các cuộc nghiên cứu sao và thiên hà đã đưa chúng từ hàng ngũ các giả thuyết lên hàng các chân lý được khẳng định bằng quan sát.

Bản chất của giả thuyết này là như sau. Hệ các quần sao cầu tựa như khung xương của thân thể toàn Thiên Hà, do đó sự phân bố trong không gian của hàng trăm quần sao cầu chỉ ra sự phân bố của hàng tỷ các sao còn lại của Thiên Hà. Từ đó suy ra kết luận là trung tâm của hệ sao chúng ta nằm ở hướng chòm sao Cung Thủ. Hệ quả của các quan sát và kết luận trên là phải xem lại các quan niệm về vị trí của chúng ta trong Thiên Hà. Hiện nay không thể coi Mặt Trời là nằm ở trung tâm hệ sao của chúng ta nữa, nó đã bị đẩy ra khỏi tâm Thiên Hà vài chục nghìn năm ánh sáng.

                       (Theo sách “Các thiên hà” của Halâu Saply, năm 1942)

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/467-02-633330511398525000/Quan-sao-va-tap-sao/Quan-sao-va-vi-tri-cua...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận