Tài liệu: Ngắm nhìn hay quan sát

Tài liệu
Ngắm nhìn hay quan sát

Nội dung

NGẮM NHÌN HAY QUAN SÁT?

 

Cảnh tượng bầu trời sao vẫn luôn hùng vĩ nhất trong tất cả các loại cảnh tượng, còn cuốn sách bầu trời vẫn lý thú nhất trong tất cả các loại sách. Chúng ta sẽ ngắm nhìn cảnh tượng này và nhìn càng ngày càng kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ đọc cuốn sách bầu trời để trở nên khôn ngoan hơn cao thượng hơn, đạo đức hơn và hoàn thiện hơn.

K. Phlammariông

 

Ngắm nhìn bầu trời sao hay là quan sát nó? Mà tại sao lại phải chọn nhỉ? Vừa ngắm nhìn vừa quan sát không được hay sao? Hóa ra là có thể được. Nhưng không đồng thời.

Thế giới tuyệt vời và huyền diệu của các tinh tú đã tác động nhiều mặt đến tâm hồn con người. Khi ngắm nhìn vòm trời sao trên đầu, trong lòng chúng ta nảy ra những ý nghĩ và tình cảm cao đẹp ta rũ bỏ những lo toan nhỏ nhặt hàng ngày và những ý nghĩ về sự vĩnh cửu gợi lên trong ta. Trong số các nghệ thuật mang tính chất hướng ý nghĩ đến cái cao đẹp có thi ca, và bạn sẽ tìm thấy ở mỗi nhà thơ thực sự những hình ảnh gắn với cảnh tượng bầu trời (trăng, sao, mây,. . .). Nhà bác học Nga Lômônôxôp cũng đã gắn kết những xúc cảm thi ca khi ngắm bầu trời với các quan sát khoa học những vì tinh tú.

 

Kinh viễn vọng (hay kính thiên văn) lại làm cho cảnh tượng bầu trời càng thêm ấn tượng. Nhờ nó, ta có thể nhìn thấy những thiên thể mà mắt thường không thấy được: các tinh vân, sao đôi, quần sao, các thiên hà xa xôi. Nhiếp ảnh lại mở ra thêm nhiều khả năng nữa. Phim ảnh có tính chất tích lũy tác động của ánh sáng và trên phim ảnh chụp mở lâu có thể in lại những chi tiết mà mắt thường dù có nhìn qua bất cứ kính thiên văn nào cũng không phát hiện ra. Tất nhiên, tự mình chụp được những ảnh thiên văn tốt không phải dễ - cần có cả phương tiện, cả kỹ năng. Các sách báo về thiên văn thường đăng những bức ảnh đẹp vô cùng về các tinh tú. Một số bức ảnh như vậy bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách này.

Tuy nhiên, nhiều người không thỏa mãn với việc nhìn ngắm thuần tuý. Trong con người ta luôn tồn tại lòng khát khao nhận thức, hiểu biết xem thế giới xung quanh cấu tạo như thế nào và mối liên hệ giữa các thành phần của nó ra sao. Khoa học cố gắng giải đáp các câu hỏi đó bằng cách thu nhận thông tin từ các quan sát và thí nghiệm sử dụng trí tuệ con người, biết phân tích và khái quát, làm công cụ các quan sát thiên văn là một phần rất quan trọng của quá trình này.

Quan sát khác với thí nghiệm ở vai trò thụ động hơn của người tham gia. Nhà thí nghiệm tự tạo ra một số điều kiện và phân tích phản ứng của tự nhiên đối với các ảnh hưởng tác động vào nó. Nhưng ý định tạo điều kiện cho các sao và thiên hà thật là không khả thi. Do đó hàng bao thế kỷ, thiên văn học vẫn chỉ là khoa học quan sát. Chỉ trong những thập kỷ gần  đây, các nhà khoa học mới có khả năng thực hiện thí nghiệm tích cực với một vài thiên thể nhờ sự giúp đỡ của các con tàu thăm dò Vũ Trụ.

Tính thụ động của người quan sát hoàn toàn không có nghĩa là người quan sát không biết đặt ra vấn đề. Ngược lại, chính định hướng nhất quán trong việc giải quyết một vấn đề nào đó là đặc trưng của quan sát khác với sự ngắm nhìn bầu trời thuần tuý. Các nhà thiên văn chuyên nghiệp đặt ra và tìm cách giải đáp các câu hỏi lớn và quan trọng về cấu tạo Vũ Trụ. Tuy nhiên, nhiều chi tiết thú vị có thể vừa tầm nghiên cứu của những người nghiệp dư, trong số đó có cả những người chỉ mới bắt đầu đọc cuốn sách bầu trời. Ví dụ, sự thay đổi độ sáng của một số sao biến quang, số các phần tử tạo nên dòng thiên thạch, đặc điểm của các đám mây bạc cho đến giờ phần lớn do những người nghiệp dư nghiên cứu.

Bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào, dù là nghiệp dư, cũng cần có một số yếu tố không thể thiếu. Trước hết là việc đặt ra vấn đề. Ta định nghiên cứu hiện tượng nào? Những khía cạnh nào của nó là căn bản đối với ta? Chúng ta muốn giải đáp cho những câu hỏi nào?

Sau đó ta sẽ chọn phương pháp nghiên cứu. Chúng ta phải thực hiện những quan sát nào? Để làm việc này cần có những dụng cụ gì? Phải xác định những đặc điểm nào? Với độ chính xác đến đâu?

 

Giai đoạn tiếp theo là xử lý dữ liệu quan sát. Từ lâu Galilê đã nói rằng cuốn sách của tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học, cho nên ai muốn đọc nó thì phải nắm vững ngôn ngữ này. Xử lý toán học các dữ liệu quan sát - đó là việc chuyển từ chỗ xác định các thông số quan sát được sang việc mô tả bản chất vật lý của các hiện tượng đã quan sát. Kết quả quan sát phải được thể hiện dưới dạng các công thức, biểu bảng, đồ thị. Sau đó nên phân tích kết quả. Các số liệu ta thu được đáng tin cậy đến mức nào? Chúng có phù hợp với những số liệu do các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực này thu được hay là mâu thuẫn với chúng? Điều gì mới có thể được làm sáng tỏ?

Trong thiên văn các dãy dài quan sát cùng loại và lâu dài một đối tượng hoặc hiện tượng nào đó, chẳng hạn các dòng sao băng hoặc các dải tối trên sao Mộc, có ý nghĩa rất quan trọng. Chính những quan sát như vậy giúp làm sáng tỏ sự thay đổi các tính chất của các thiên thể theo thời gian.

Mỗi quan sát thiên văn cần phải ghi chép lại. Ghi chép phải rõ ràng, sáng sủa để bất cứ người nào trông thấy cũng có thể xác định được là ai, khi nào với những dụng cụ gì và trong những điều kiện nào đã tiến hành quan sát và đã xác định được những thông số nào.

Việc này đòi hỏi người quan sát phải tập trung tối đa cho việc giải quyết các nhiệm vụ đặt ra. Ở đây không có chỗ cho xúc cảm cho dù các hiện tượng quan sát được có gây ấn tượng đến đâu chăng nữa. Chính vì thế mà chúng ta cần phải lựa chọn, điều mà chúng ta đã nên ngay từ đầu là: ngắm nhìn hay quan sát.

Cái chính là xác định trước cho mình rằng mình sẽ làm gì. Tiếp theo, cần hành động theo đúng quyết tâm trên.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/409-02-633328752580087500/Ngam-nhin-hay-quan-sat/Ngam-nhin-hay-quan-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận