TINH VÂN TIÊN NỮ
Những cư dân ở các vĩ độ trung bình của Bắc bán cầu không được ngắm những đám Mây Magienlăng, những láng giềng gần gũi nhất của chúng ta trong thế giới thiên hà. Tuy vậy, họ có thể chiêm ngưỡng một đối tượng không kém phần thú vị và lại vĩ đại hơn: tinh vân Tiên Nữ. Trong những đêm đẹp trời cách không xa ngôi sao Andromedae là bao, tinh vân ấy được nhìn rõ như một đám mây nhỏ và sáng.
Những lời đầu tiên nhắc đến tinh vân này từ xa xưa đến được chúng ta là ở trong tác phẩm của nhà thiên văn Arập, thế kỉ thứ X,At - Xuphi. Trong tác phẩm của mình, trong đó có sự miêu tả tỉ mỉ bầu trời sao, ông đã mấy lần nhắc tới "đám mây nhỏ" làm mốc định hướng tốt trên trời và thậm chí còn vẽ nó. Chưa chắc At - Xuphi đã là người đầu tiên phát hiện ra tinh vân Tiên Nữ. Trong sách của mình, ông nói về nó như nói về một thiên thể đã biết.
Cùng với sự xuất hiện kính thiên văn, lại diễn ra "phát hiện" lại về tinh vân Tiên Nữ. Năm 1618, nhà bác học người Đức Xi môn Mariut, một trong những nhà thiên văn đầu tiên bắt đầu quan sát từ ống nhìn viễn vọng, đã phát hiện ra nó. Từ cuối thế kỉ XVII, tinh vân này trở thành đối tượng quan sát thường xuyên.
Thế kỷ XVIII, nhà thiên văn người Anh Uyliam Hecsen tiến hành nghiên cứu tinh vân một cách nghiêm túc. Rất nhiều trong số những tinh tú và những đốm sương mù quan sát được lại là những quần sao hình cầu hoặc tản mạn (mở). Hecsen đưa cả tinh vân Tiên Nữ vào số những quần sao này, mặc dù trong kính thiên văn của mình ông không thể tách bạch được cả những ngôi sao sáng nhất. Sau đó, Hecsen coi bản chất của tinh vân này là "đáng ngờ và bí ẩn". Và những dự đoán của nhà bác học hoá ra lại đúng cuối thế kỷ XIX, trong ngành thiên văn người ta bắt đầu sử dụng ảnh chụp và đã sáng chế được những ảnh thiên văn lớn, thì trong tinh vân Tiên Nữ đúng là đã nhìn thấy những ngôi sao sáng nhất.
Từ đầu thế kỉ XX, đã nhiều lần người ta đã thử xác định khoảng cách đến tinh vân Tiên Nữ. Các phương pháp khác nhau cho những kết quả khác nhau. Một số nhà thiên văn cho rằng họ đã đo được thị sai các sao của tinh vân, điều đó nghĩa là khoảng cách tới nó không lớn lắm và nó thuộc Thiên Hà của chúng ta. Những nhà bác học khác lại phản bác ý kiến này. Nhà thiên văn người Mỹ Etuyn Hơpbơn đã nói lời quyết định ông phát hiện trong tinh vân Tiên Nữ có những sao biến quang xêphêit. Sau khi so sánh chúng với các sao xêphêit đã được nghiên cứu của Thiên Hà của chúng ta, ông đã đi đến kết luận rằng tinh vân Tiên Nữ là đối tượng ngoài Thiên Hà. Phương pháp xác định khoảng cách bằng các sao xêphêit do Hơpbơn sử dụng cho đến nay vẫn được coi là một trong những phương pháp chính xác và đáng tin cậy nhất (xem phần "Sao biến quang"). Từ những năm 20 của thế kí XX, đã bắt đầu công cuộc nghiên cứu nghiêm túc tinh vân Tiên Nữ như một thiên hà độc lập.
Đốm sương mù nhỏ trong chòm sao Tiên Nữ ngày nay xuất hiện trước người quan sát với diện mạo 2 triệu năm về trước: đó chính là thời gian để ánh sáng đi từ tinh vân Tiên Nữ đến chúng ta.
Vậy thiên hà trong chòm sao Tiên Nữ đặc sắc ở chỗ nào? Đây là một tinh hệ xoắn lớn, có kích thước và khối lượng gần gấp rưỡi Thiên Hà của chúng ta.
Tinh vân Tiên Nữ và Ngân Hà là những đối tượng lớn nhất của một nhóm được gọi là Nhóm thiên hà Địa phương. Các thành viên còn lại của nhóm này (có khoảng 40 thành viên) đều thua kém khá nhiều về khối lượng hà kích thước. Như việc đo quang phổ đã chỉ rõ, khoảng cách giữa tinh vân Tiên Nữ đến Thiên Hà của chúng ta hiện nay đang dần ngắn lại. Có lẽ là trong thời gian tồn tại của Nhóm Địa phương (đã được 12 - 18 tỷ năm) hai thiên hà xoắn cờ lớn này đã một hoặc vài lần tiến lại gần nhau.
Tinh vân Tiên Nữ không phải là thiên hà gần chúng ta nhất. Tuy vậy, đây là hệ sao gần gũi nhất giống hệ sao của chúng ta về cấu trúc và chủng loại. Sự hấp thụ ánh sáng khá mạnh của bụi giữa các sao ở mặt phẳng đã thiên hà đã ngăn cản việc nghiên cứu Ngân Hà từ bên trong. Do vậy, việc quan sát tinh vân Tiên Nữ từ phía ngoài cho phép hiểu rõ hơn về hệ sao của chúng ta.
Tinh vân Tiên Nữ, thiên hà xoắn gần gũi với chúng ta nhất