Tài liệu: Kính thiên văn khúc xạ ở thế kỷ XIX

Tài liệu
Kính thiên văn khúc xạ ở thế kỷ XIX

Nội dung

KÍNH THIÊN VĂN KHÚC XẠ Ở THẾ KỶ XIX

 

Phải mất gần một thế kỷ để có thể khẳng định rằng Niutơn đã lầm khi phát biểu là không thể tạo ra được những kính có vật kính tiêu sắc. Năm 1729 người ta đã chế tạo một vật kính bằng hai thấu kính từ hai loại thuỷ tinh khác nhau cho phép hạn chế được hiện tượng sắc sai. Năm 1747 nhà toán học vĩ đại Lêôna Ơle đã tính toán được vật kính gồm hai mặt khum (loại kính quang có một mặt lồi và mặt kia lõm), mà khoảng không giữa hai tấm kính khum chứa đầy nước. Nó hoàn toàn giống như trong thiên truyện khoa học viễn tưởng của Giuyn Vecnơ. Chiếc kính thiên văn này phải tạo ra được một hình ảnh không có viền màu.

Nhà quang học người Anh Giôn Đôlônđo (John Dollond) cùng với cậu con trai Pitơ đã tiến hành một loạt những thí nghiệm với các lăng kính dùng loại thuỷ tinh crao (crown glass) Vơnidơ mà người ta đã biết được từ thời Galilê và loại thuỷ tinh flin mới ở Anh (flint glass), - một loại thuỷ tinh có độ ánh cao, được dùng để làm đồ trang sức và cốc vại. Hoá ra từ hợp chất gồm hai loại thuỷ tinh kể trên có thể tạo ra được một vật kính không có viền màu khi quan sát: người đã dùng thuỷ tinh crao để chế tạo thấu kính hội tụ và từ loại thuỷ tinh flin tạo ra loại thấu kính phân kỳ hơi ít hơn. Như vậy bắt đầu thời kỳ chế tạo đồng loạt những ống kính theo kiểu Đôlônđơ.

Toàn bộ Châu Âu cùng sử dụng loại kính thiên văn tiêu sắc. Ơle, Đalămbe, Clerô và Gauxơ tiếp tục những tính toán của họ; thậm chí một vài thợ kính ở Luân Đôn đã đệ đơn kiện lên toà án đòi bằng sáng chế của hai bố con Đôlônđơ, song không thành. Pitơ Đôlônđơ lại còn chế tạo chiếc kính thiên văn tiêu sắc gồm ba vật kính được các nhà thiên văn học đánh giá là tốt.

Một vị giáo sư dòng Tên là Rôgiơ Bôscôvic ở Pađua đã chế tạo một dụng cụ đặc biệt có tên là vitrometer (từ tiếng Latinh vitrum - có nghĩa là thuỷ tinh) tức chiết xuất kế để xác định một cách chính xác chiết suất (chỉ số khúc xạ) của các loại thuỷ tinh quang học. Vào Năm 1780 hai cha con Đôlônđơ bắt tay vào chế tạo hàng loạt vài kiểu kính viễn vọng dùng trong quân đội có ống ngắm gấp được. Khi Giôn Đôlônđơ gả con gái cho một thợ kính nào đó, thì của hồi môn của cô con gái chính là một phần bản quyền sáng chế vật kính tiêu sắc. Nhà quang học người Đức lôdep Phraunhôphơ cũng áp dụng một phương pháp khoa học để chế tạo những vật kính có sử dụng thấu kính. Ông đã áp dụng việc kiểm tra bề mặt các thấu kính theo những vòng vân màu Niutơn. Ông chế tạo những dụng cụ cơ khí để kiểm tra thấu kính (dụng cụ đó được gọi là thước đo độ cầu - spherometer) và ông cũng phân tách các tính toán của Đôlônđơ. Ông đo những chỉ số khúc xạ nhờ ánh sáng của ngọn đèn natri và đồng thời nghiên cứu quang phổ của Mặt Trời, từ đó ông đã phát hiện ra ở trong quang phổ Mặt Trời có vô số những vạch tối mà bây giờ chúng ta gọi là những vạch Phraunhôphơ.

Vật kính 24 xăngtimet của kính thiên văn khúc xạ Đecptơ (tức Dorpat - một địa danh thuộc Extônia, - trước đây gọi là Yuriev, ngày nay là Tactu) do Phraunhôphơ chế tạo đã được hiệu chỉnh rất tuyệt vời sắc sai và cầu sao; đó chính là kính thiên văn đã có thời gian khá lâu là kính thiên văn lớn nhất thế giới. Việc lắp đặt kính thiên văn ở Đectơ đã được Vaxili Xtoruvê trực tiếp điều hành, (ông sau này là người sáng lập và giám đốc đài thiên văn Puncôvô).

Kính thiên văn khúc xạ ở Đecptơ là một chiếc kính hoàn hảo khó chê vào đâu được. Nhờ chiếc kính thiên văn này Xtơruvê đã đo được khoảng cách tới ngôi sao sáng nhất ở bán cầu bắc của bầu trời là sao Vêga. Khoảng cách đó quả là quá lớn: khoảng 26 năm ánh sáng. Trong suốt cả thế kỷ XIX mọi người đều lắp đặt kính thiên văn theo cấu trúc này; và cho đến hiện nay người ta vẫn chế tạo những kính thiên văn có kích thước không lớn theo mẫu nói trên.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/449-02-633329678853368750/Kinh-thien-van-tu-thoi-Galile-cho-toi-nay/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận