Tài liệu: Tạo ra kính thiên văn thế hệ thứ hai

Tài liệu
Tạo ra kính thiên văn thế hệ thứ hai

Nội dung

TẠO RA KÍNH THIÊN VĂN THẾ HỆ THỨ HAI

 

Như vậy, chiếc kính thiên văn có đường kính 2,5 m đã hoạt động và mang lại những kết quả đáng khích lệ còn tập thể các nhà thiên văn làm việc quây quần bên chiếc kính này ở đài thiên văn Núi Uynxơn mạnh dạn hướng thẳng tới tương lai và say sưa thảo luận đề án thiết kế một dụng cụ to lớn hơn. Lúc này họ mơ tưởng tới những kính thiên văn với đường kính 5 hay thậm chí 7,5m. Gioócgiơ Hâylơ (George Hale), người lãnh đạo đài thiên văn này đã có công lao khá lớn khi ngăn được những cộng sự của mình khỏi tham vọng không cần thiết là mơ tới những kích thước ngày một lớn hơn và hạn chế đường kính của chiếc kính thiên văn mới là 5m. Ngoài ra, ông còn kiếm được một món tiền khá lớn (nên nhớ rằng dạo đó đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 - 1933 bắt đầu nổ ra) để bắt đầu công việc.

Không thể nào làm được chiếc gương liền với đường kính quá lớn như vậy vì trọng lượng của nó lên tới 40 tấn đè lên cấu trúc đỡ của kính thiên văn cũng như những bộ phận khác. Cũng không thể chế tạo tấm gương đó bằng thuỷ tinh làm gương được bởi vì với một tấm gương như thế các nhà quan sát thiên văn cũng phải chịu nhiều nỗi bực mình: mỗi khi thay đổi thời tiết và thậm chí cả khi chuyển từ ngày sang đêm thì gương cũng bị biến dạng và nó sẽ rất chậm chạp phục hồi "tư thế" ổn định để làm việc. Các nhà thiết kế định thay loại thủy tinh thường bằng thuỷ tinh thạch anh. Bởi vì hệ số giãn nở nhiệt của nguyên liệu này thấp hơn thuỷ tinh thường đến 15 lần, nhưng họ đã không thành công.

Họ buộc phải cầu cạnh đến loại thuỷ tinh pirec – một loại thuỷ tinh chịu nhiệt thường dùng để chế tạo những loại chảo và xoong trong suốt. Như vậy họ đã có lợi về hệ số chịu nhiệt được 2,5 lần. Vào năm 1936 sau hai lần thử nghiệm họ đã đổ được gương, đồng thời mặt sau của tấm gương này có cấu trúc khung sườn nên đã giảm được trọng lượng của gương còn 15 tấn và cải thiện được điều kiện trao đổi nhiệt. Việc gia công tấm gương này được thực hiện ngay tại đài thiên văn. Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ II công việc bị hoãn lại và chỉ được hoàn thành vào năm 1947. Cuối năm 1949 chiếc kính thiên văn với đường kính 5m bắt đầu bước vào hoạt động.

Cũng như trong những kính phản xạ thế hệ thứ nhất, tấm gương chính có hình parabôn và có thể quan sát bằng những tiêu điểm kiểu kính thiên văn Niutơn, Catxơgranh, bằng tiêu điểm thẳng hay gấp khúc. Tiêu điểm không bị chuyển dịch khi kính thiên văn chuyển dịch và có thể lắp thêm vào đó một thiết bị khá nặng, thí dụ như một máy chụp quang phổ.

Cấu trúc đỡ của ống ngắm của kính 5m cũng có những thay đổi cơ bản: nó không còn cứng nhắc như trước. Các kỹ sư đã cho phép hai đầu của ống ngắm cong lại so với tâm ống với điều kiện là những chi tiết quang học sẽ không xê xích so với nhau. Cấu trúc này đã tỏ ra khá thích hợp và cho đến nay vẫn được dùng trong tất cả các loại kính thiên văn quan sát ban đêm.

Tuy vậy, các nhà thiết kế cũng phải thay đổi cấu trúc của phần gối đỡ của kính thiên văn. Chiếc kính thiên văn đường kính 5m được thiết kế để "bơi" trên một lớp dầu mỏng được ép bằng máy nén khí trong khoảng không giữa trục và các gối đỡ. Hệ thống này không có ma sát tĩnh và nó cho phép dụng cụ này được quay một cách chính xác và rất êm.

Một trong những kết quả quan trọng nhất trong hoạt động của chiếc kính thiên văn phản xạ đường kính 5 m thuộc đài thiên văn Núi Uynxơn là chứng minh được một cách chắc chắn rằng nguồn năng lượng của các sao chính là những phản ứng nhiệt hạch xảy ra trong lòng của chúng. Sự bùng nổ thông tin thực sự trong lĩnh vực nghiên cứu các thiên hà có phần đáng kể nhờ những quan sát thực hiện trên kính thiên văn này.

Loài người đã chế tạo ra khá nhiều kính thiên văn thuộc thế hệ thứ hai mà đại diện tiêu biểu của chúng là chiếc kính thiên văn phản xạ đường kính 216 m đặt ở đài thiên văn Crưm ngày nay thuộc Ucraina.

Đến đây chúng ta hãy dành một vài dòng để kể đến việc chế tạo kính thiên văn ở Liên Xô trước đây. Đã từng có kế hoạch chế tạo một kính thiên văn khúc xạ với đường kính 81 xăngtimet và những kính thiên văn phản xạ với đường kính 100 và 150 cm cùng rất nhiều thiết bị trợ lực. Nhưng cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại ( 1941 - 1945) đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình này, và loại kính thiên văn với đường kính không lớn lắm (khoảng dưới 1m) chỉ xuất hiện ở Liên Xô vào những năm 1950. Sau đó Liên Xô đã thiết kế và hoàn thành hai chiếc kính thiên văn phản xạ với đường kính 2,6 m và 6 m. Tại hầu hết những nước cộng hoà ở phía nam Liên Xô đều có những đài thiên văn mới hay những đài thiên văn đã có cũng được nâng cấp đáng kể.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/449-02-633329683019618750/Kinh-thien-van-tu-thoi-Galile-cho-toi-nay/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận