Tài liệu: Quan hệ vợ chồng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Có ai trong chúng ta lại không mỉm cười khi gặp trên báo chí bức tranh hài hước mô tả ông bố trẻ vụng về đón vợ ở cửa nhà hộ sinh rồi sau đó giúp vợ ở nhà?
Quan hệ vợ chồng

Nội dung

Quan hệ vợ chồng

Có ai trong chúng ta lại không mỉm cười khi gặp trên báo chí bức tranh hài hước mô tả ông bố trẻ vụng về đón vợ ở cửa nhà hộ sinh rồi sau đó giúp vợ ở nhà? Điều đáng buồn nhất trong bức tranh vui ấy là đa số đàn ông lần đầu tiên làm bố đúng là vụng về thật.

Đương nhiên, ở những gia đình hồi hộp sung sướng chờ đón đứa con ra đời, các ông bố tương lai cảm thấy tâm lý mình ít nhiều thay đổi. Sở dĩ như vậy vì người bố tương lai phải làm công việc nhà nhiều hơn (nhiều đàn ông không thích làm chút nào), và sau đó, thì vợ ở nhà hộ sinh, anh phải làm tất cả mọi việc nội trợ, kể cả việc ăn uống cho bản thân. Khi vợ bế con ở nhà hộ sinh về, tình cảnh của anh cũng chẳng khá hơn. Sự giúp đỡ của nhiều ông bố chỉ là phơi những cái tã đã giặt và một vài công việc đơn giản trong nhà (về những người bố chỉ “sản xuất” ra con, chúng tôi sẽ không nói tới, mặc dù vẫn có những người như vậy, nhưng đó là hiện tượng trái quy luật có đáng nói tới cũng chỉ đáng nói trong tạp chí chuyên ngành, phân tích những rối loạn thần kinh nghiêm trọng). Nhưng ngay chuyện phơi tã và làm vài công việc đơn giản, nhiều ông bố trẻ cũng đã thấy mỏi mệt lắm. Nếu ta nhớ lại rằng thời kỳ này người mẹ trẻ cũng cực kỳ mỏi mệt, thì ta có thể hiểu tại sao thời kỳ này lại dễ xảy ra chuyện này chuyện nọ trong gia đình.

Trong tình huống ấy, người mẹ trẻ phải xử sự thế nào?

Trước hết, bạn phải biết rõ cả mặt mạnh, cả mặt yếu của chồng mình, biết các đặc điểm thời thơ ấu và nền giáo dục của anh, biết các thói quen, thị hiếu... Những lời trách móc, nhất là những vụ om sòm sẽ chẳng giải quyết được gì. Bạn hãy cố nói những lời tốt đẹp, nếu trìu mến vỗ về chồng thì càng tốt.

Nhiều điều phụ thuộc vào những đặc điểm riêng của các ông bố trẻ và những quan hệ giữa hai vợ chồng trước khi có con. Đàn ông có người kém ý chí, có người giàu ý chí, có người không chịu động chân động tay làm một việc gì (không phải anh ta lười, anh ta chờ bạn sai bảo đó thôi), lại có người chủ động làm nhưng thường xuyên không làm những việc cần làm. Có thể hiểu được anh ta: anh ta muốn làm thật tốt công việc, nhưng lại không biết làm cách nào cho thật tốt.

Để thiết lập bầu không khí tâm lý đúng đắn trong gia đình người bố trẻ phải lập tức tham gia chăm sóc con. Bạn đừng ngại “sai bảo” chồng, đừng đòi hỏi anh ta phải “tự đoán ra những việc cần làm”, anh ta chưa có kinh nghiệm làm bố đến mức tự đoán ra được đâu. Về mặt này, người mẹ trẻ có một số ưu thế tâm lý - bạn có bản năng của người mẹ. Không ai chứng minh rằng không có bản năng của người bố, những bản năng này nghèo nàn hơn nhiều sơ với bản năng của người mẹ.

Nếu bạn không cho chồng chăm sóc đứa trẻ, nếu bạn nghĩ rằng chồng bạn vô tích sự, rất có thể anh ta sẽ mau chóng thấy đứa con chỉ làm vướng chân. Anh sẽ bực tức khi nó khóc ban đêm khiến anh mất ngủ. Anh sẽ cáu bẳn thấy nhà cửa bừa bãi, thấy bạn lôi thôi lếch thếch, thấy không thể ngồi yên xem ti vi và đọc sách, thấy không được ăn uống bình thường. Nói cách khác, anh thấy bị mất tất cả những gì anh vẫn có và đã quen thuộc trước khi có con.

Rất đáng nói đôi lời về nhu cầu tình dục của ông bố trẻ. Sau khi có con, anh chẳng giảm chút nào, trong khi bạn thì suốt mấy tháng đầu, nhu cầu không lớn lắm.

Có thể góp ý gì được với bạn trong chuyện này? Trước hết bạn cần nhớ rằng việc làm mẹ và làm bố đều góp phần hình thành nhân cách của hai người. Cả hai cùng chăm sóc đứa con và đứa con lại củng cố thêm sự gắn bó giữa họ. Về mặt này thật ra quyền lợi của bạn và chồng bạn là trùng hợp. Tuỳ hoàn cảnh bạn có thể giao cho chồng vài việc mà biết chắc là anh ấy làm tốt và có hứng thú. Còn nếu bạn tách chồng ra khỏi công việc chăm sóc con, rất có thể chồng bạn sẽ kiếm cớ “nán lại cơ quan” đôi chút, hoặc “lỉnh” khỏi nhà những ngày chủ nhật. Bạn sẽ càng bực mình, sinh cãi cọ rồi ly hôn lúc nào không biết.

Nói cách khác, sau khi trở thành mẹ của đứa con, bạn còn trở thành “mẹ” của bố nó nữa. Và “đứa con lớn” này bạn cũng phải xử sự với tư cách “mẹ”. Việc này không khó, bởi bạn đã thành mẹ. Còn đòi chồng bạn trở thành ông chồng hoàn hảo thì khó hơn rất nhiều. Và ngay với “đứa con lớn” này bạn cũng phải lưu ý, đừng nuông chiều quá, mà phải tế nhị và cương quyết những khi cần thiết. Khi đó chồng bạn sẽ không cảm thấy đứa con đẩy anh ta ra khỏi trái tim bạn, sẽ quan tâm đến bạn, giúp đỡ bạn ngày càng nhiều hơn và kết quả hơn, tạo ra xung quanh bạn một bầu không khí thoải mái. Tự anh sẽ hạn chế một phần các nhu cầu của anh, sẽ chăm sóc con hơn, sẽ là chỗ dựa vững chắc cả cho con, cả cho bạn trong cuộc đời, bên cạnh anh, bạn sẽ cảm thấy vững tin hơn và sung sướng hơn.

Đó là những lời khuyên chung nhất của chúng tôi về thái độ của người mẹ trẻ với con và với chồng. Nếu trước khi sinh con, các bạn chỉ là người vợ và người chồng yêu nhau và quan tâm đến nhau, thì bây giờ các bạn là một gia đình thống nhất, gắn bó bởi những lợi ích chung và mục đích chung. Người mẹ trẻ nào hiểu được rằng mình là người trước hết có thể tạo nên một gia đình như thế, đã hiểu đúng bản chất những ý kiến ngắn gọn của chúng tôi ở trên.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4312-02-633737424799137852/Viec-lam-me-qua-con-mat-nha-tam-ly-hoc/Qu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận