CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC
Chính quyền Singapore luôn luôn coi dân số trong nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất của họ và mô tả nền giáo dục như là sự phát triển nguồn lực của đất nước. Mục tiêu của hệ thống giáo dục là phát triển tài năng của từng cá nhân, sao cho mỗi người đều có thể đóng góp vào sự nghiệp kinh tế và vào cuộc đấu tranh liên tục nhằm biến Singapore thành một thị trường quốc tế giàu năng suất và mạnh tính cạnh tranh. Kết quả của họ là một hệ thống giáo dục trong đó người ta có thể đánh giá, phát hiện và phân loại học sinh theo từng chương trình tương ứng. Những người làm công tác giáo dục đã thẳng thắn xác định những học sinh mà họ cho là “sáng giá” hơn những bạn đồng môn khác. Trong những thập niên 1960 và 1970, với sự bùng nổ số lượng trẻ em do tỉ lệ sinh sản cao trong thập niên trước, và với ảnh hưởng của lối sống trong thời kỳ thuộc Anh trước đó, chỉ có một số ít tốt nghiệp đại học với chất lượng cao. Số đông còn lại trong lớp trẻ đã được tách ra từ số học sinh đang theo học trung học, theo sự loại trừ của những chuẩn mực khắt khe. Những công dân trẻ tuổi này đã tham gia vào lực lượng lao động của xã hội khi trong tay không có một kỹ năng chuyên môn cụ thể nào. Với cuộc cải cách lớn vào năm 1979, người ta đã theo dõi chặt chẽ quá trình học tập của học sinh để giảm thiểu tỉ lệ bỏ học và để đảm bảo số học sinh ít năng khiếu học chữ vẫn có được những kỹ năng nghề nghiệp hữu ích cho xã hội. Trong thập niên 1980, thêm nhiều biện pháp được áp dụng cho việc giáo dục hướng nghiệp cũng như cho nỗ lực làm cho những “sản phẩm” của hệ thống giáo dục đáp ứng đúng nhu cầu về lao động trong công nghiệp và thương mại. Sự kết hợp giữa một hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào việc kiểm tra và theo dõi với sự nhận thức rằng giáo dục là chìa khóa của động lực xã hội và là nguồn tạo ra những người có bằng cấp cần thiết cho những công việc sáng giá đã dẫn tới một sự tranh đua gay gắt cùng với sức ép của phụ huynh buộc con cái phải thành đạt, và đồng thời gây được sự chú ý và quan tâm của xã hội.
Năm 1987, khoảng 4% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) đã được dành cho giáo dục. Sau đó tỉ lệ này được tiếp tục nâng dần lên bằng với những quốc gia phát triển mạnh như Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ. Giáo dục ở đây không cưỡng chế, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đi học. Học sinh cấp tiểu học được miễn phí ở nhà trường, và riêng học sinh người gốc Malaya được miễn phí đến đại học. Có những quỹ đặc biệt để đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Học phí cấp đại học được thu ở mức sòng phẳng với mục đích để những gia đình khá giả phải chia sẻ chi phí đào tạo mà kết quả của nó sẽ giúp sinh viên ra trường sẽ có việc làm với đồng lương cao. Tuy nhiên, đối với những sinh viên có thành tích cao trong học tập sẽ được cho vay, được trợ cấp hoặc được hưởng học bổng, từ đó không có sinh viên giỏi nào phải bỏ dở việc học vì thiếu khả năng chi trả học phí.
Các trường học ở đây mô phỏng theo hệ thống của Anh, trong đó học lực được xác nhận bằng Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông (GCE) qua cuộc thi do trường Đại học Cambridge quản lý. Chứng chỉ này có hai cấp: Sơ cấp (O level) và Cao cấp (A level). Những học sinh trung học ở Singapore sẽ thi cùng một đề thi với các học sinh cùng cấp ở Anh hoặc ở các trường theo hệ thống giáo dục của Anh trên toàn thế giới. Trong kỳ thi, tất cả hướng dẫn đều dùng tiếng Anh, phụ thêm với tiếng mẹ đẻ tương ứng của học sinh - tiếng Malaya, tiếng Tamil hoặc tiếng Quan Thoại. Chương trình giáo dục bao gồm sáu năm ở cấp tiểu học, bốn năm ở cấp trung học, và hai năm ở cấp cao đẳng dành cho những học sinh chuẩn bị vào đại học. Do việc duy trì sĩ số, một số học sinh theo chương trình này trong thời gian lâu hơn so với những học sinh khác, nhưng cuối cùng mọi học sinh tốt nghiệp đều đạt tiêu chuẩn như nhau.
Ở Singapore có cả trường công lập lẫn trường do nhà nước tài trợ. Những trường này nguyên thủy là những trường tư thục, sau đó do sự trợ cấp của chính quyền nên đã dạy theo chương trình tiêu chuẩn và tuyển giáo viên do Bộ Giáo dục bổ nhiệm. Các trường dạy nghề ở đây cũng rất phát triển, ngay từ thời kỳ thập niên 1980 đã thu hút được 25% tổng số học sinh và được trang bị máy vi tính, phòng thí nghiệm và thư viện với số đầu sách rất phong phú. Một số những trường này vốn là trường tư thục ưu tú từ thời kỳ thực dân với tên gọi và truyền thống được duy trì từ thời đó, một số khác được thành lập từ thập niên 1980 trở đi. Trước đây chính quyền cũng đã cho phép một số trường cao đẳng trở lại cơ chế tư thục với mục đích phát huy chất lượng và sự đa dạng trong hệ thống giáo dục.
Ở Singapore có nhiều trường đại học, trong đó lớn nhất là Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) với số lượng sinh viên mỗi ngày một tăng. Bộ Giáo dục Singapore luôn điều phối số lượng sinh viên ghi danh với nhu cầu lao động của xã hội. Đa số sinh viên ở đây đăng ký vào các ngành khoa học kỹ thuật và các khóa hướng nghiệp. Bộ Giáo dục vẫn khích lệ các sinh viên và học sinh ghi danh vào các học viện kỹ thuật, xóa bỏ quan niệm cho rằng chứng chỉ tốt nghiệp về kỹ thuật không giá trị bằng tấm văn bằng đại học. Thực tế là những sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật được các công ty đa quốc gia tuyển dụng với mức lương cao. Những học sinh sau khi hoàn tất bậc trung học với chứng chỉ tốt nghiệp hạng O (O level - GCE) cũng được khuyến khích theo học các học viện kỹ thuật để trở thành những công nhân kỹ thuật như thợ điện hay nhân viên xử lý văn bản, một thuận lợi mà những học sinh đi thẳng vào trường học nghề sau cấp tiểu học không thể có được. Ngoài ra, những sinh viên học bốn năm ngành khoa học xã hội tốt nghiệp hạng danh dự sẽ được tuyển làm công chức cao cấp trong ngành dân chính. Còn những sinh viên học hệ ba năm ngành khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên có thể được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông cơ sở.
Từ năm học 2003-2004, chế độ cưỡng bức giáo dục đã được đưa vào chính sách giáo dục của Singapore.