SOCRATE, NHÀ HÙNG BIỆN
Socrate, nhà triết học Hy Lạp cổ (469-399 tr.CN) có một câu danh ngôn: “Hãy nhận thức bản thân mình!” Ông nhấn mạnh con người phải có đạo đức tốt, phải nhận thức được sự vô tri của bản thân. Tuy ra đời trong một gia đình thợ đá bình thường ở Athena, nhưng từ nhỏ ông đã say mê đọc sách, thích suy xét vấn đề, cuối cùng trở thành một học giả nổi tiếng.
Điều lý thú là hoạt động học thuật của ông không phải tiến hành trong lớp học mà lại được triển khai ở đầu đường cuối phố, tại thành Athena chỉ cần gặp người thích chuyện trò với mình là ông hăng say tranh luận với người đó về một vấn đề nào đấy. Ông chỉ nói chứ không hề dùng bút, do đó không để lại một dòng chữ nào do ông viết ra. Một khối lượng lớn về ngôn luận và tư tưởng sâu sắc của ông đều do học trò của ông ghi lại.
Những vấn đề Socrate bàn tới phần lớn có liên quan với con người. Trước đó các nhà triết học của Hy Lạp chỉ nghiên cứu tự nhiên, không chú ý đến xã hội nhân sinh. Socrate thay đổi cách làm đó, ông coi việc “nhận thức bản thân” là một loại học vấn rất sâu, ông quan tâm đến những vấn đề liên quan chặt chẽ với loài người như: chính trị, chiến tranh, luân lý đạo đức, nghệ thuật v.v...Ông thích thảo luận những vấn đề thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại khó giải đáp như: thế nào là hạnh phúc, tri thức, chân lý và đức tính tốt v.v... Câu danh ngôn của ông là ''đức tính tốt tức là tri thức, ngu muội là nguồn gốc của tội ác'', bởi vậy về mặt chính trị ông chủ trương nhà nước phải do những người có tri thức, có tài năng quản lý. Ông cổ xuý cho chủ trương người tài cai trị đất nước.
Năm 399 tr.CN, với các tội danh như: ''bất kính đối với thần mà đất nước thờ phụng” Socrate bị xử tử hình. Ngay buổi tối trước khi bị hành quyết, ông bảo vợ con và người thân thích rời phòng giam, rồi hùng hồn nói với bạn bè một hồi về chuyện linh hồn bất tử, sau đó ung dung lấy thuốc độc từ tay lính coi ngục uống một hơi hết sạch. Ông từ giã cõi đời vào đúng năm 70 tuổi.