Tài liệu: Tê giác Java bắt đầu phục sinh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Dân số của tê giác Java, một trong những loài thú đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất, đang có dấu hiệu khôi phục trở lại
Tê giác Java bắt đầu phục sinh

Nội dung

Tê giác Java bắt đầu phục sinh

Dân số của tê giác Java, một trong những loài thú đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất, đang có dấu hiệu khôi phục trở lại. Tại Indonesia, thành trì chính của chúng, người ta đã phát hiện thấy dấu vết của 4 con tê giác non, được sinh ra trong vòng 2 năm qua.

Tê giác Java là loài thú hiếm nhất trong số 5 loài tê giác còn lại trên thế giới, với quần thể hiện chỉ còn khoảng 60 con. Trong đó, có độc một nhóm lớn tồn tại và phát triển trong Công viên Quốc gia Ujung Kulon ở Indonesia, với gần 50 cá thể. Số còn lại, 5 (mà cũng có thể là 8 con), đang sống trong Công viên Quốc gia Cát Tiên, Việt Nam. Đôi khi còn được gọi là tê giác Việt Nam, nhưng chúng vẫn là thành viên của dòng họ tê giác Java.

Từ tháng 4/1999, Quỹ Thú hoang Thế giới đã tiến hành một cuộc điều tra chi tiết tại công viên Ujung Kulon, bằng cách gài một hệ thống các camera giấu dưới đất. Khi con thú dẫm vào hoặc đi qua, camera sẽ ghi lại hình ảnh của chúng. Kết hợp với việc phân tích ADN của phân tê giác, cho đến nay, người ta đã phát hiện ra sự có mặt của 4 con tê giác mới sinh. Đây là những con non đầu tiên được ghi nhận trong vòng 4 năm qua.

Nếu so sánh với những năm 1930, khi quần thể tê giác trong công viên Ujung Kulon tụt dốc thê thảm, xuống còn 25-30 con, thì nay, sĩ số 50 đã là một thành tích đáng kể. Không dừng lại ở đó, WWF và các quan chức của công viên dự định sẽ nâng số lượng tê giác lên khoảng 80 con.

Theo đánh giá của một số nhà khoa học, với 60 con ít ỏi còn lại, nguồn gene của quần thể này sẽ suy giảm nhanh chóng đến mức chúng khó có thể tồn tại được lâu dài. Nhưng Stuart Chapman, Giám đốc Chương trình Bảo tồn Loài của WWF ở Anh, lại lạc quan hơn. Ông nói: “Thử nhìn lại loài tê giác trắng ở phía Nam Phi châu. Vào đầu những năm 1920, khi chiến dịch bảo tồn bắt đầu, đại gia đình của chúng chỉ còn vẻn vẹn 18 con. Nay, riêng Nam Phi đã có hơn 7.000 cá thể, tất cả đều xuất phát từ một nhóm duy nhất. Nếu so sánh như thế, quả đúng là tê giác Java có nguy cơ thiếu hụt nguồn gene. Nhưng các loài trong thiên nhiên, ơn Chúa, lại có khả năng thích nghi và sống sót. Vì thế chúng ta phải lạc quan hơn”.

(Theo BBC)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633942449874197197/The-gioi-dieu-ky/Te-giac-Java-bat-dau-phu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận