Hội nhập là một trong những xu thế chủ yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Cuộc cách mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyên môn hoá và hợp tác giữa các quốc gia, làm cho lực lượng sản xuất được quốc tế hoá cao độ. Điều này đã đưa các quốc gia gắn kết lại gần nhau, dẫn tới sự hình thành mạng lưới toàn cầu hay hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình điều chỉnh chính sách kinh tế, xây dựng một nền kinh tế thị trường mạnh để thực hiện tự do hoá trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác tài chính, tiền tệ.
Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế làm tăng khả năng phối hợp chính sách, giúp các quốc gia có thể vượt qua được thử thách to lớn và giải quyết các vấn đề kinh tế mang tính toàn cầu. Mặt khác nó còn tạo khả năng phân bổ một cách hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên, trình độ khoa học, công nghệ của nhân loại và nguồn tài chính trên phạm vi toàn cầu góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Quá trình hội nhập giúp các nước sẵn sàng tận dụng ưu đãi của các thành viên khác đem lại cho mình để phát triển sản xuất mở rộng thị trường hàng hoá và đầu tư nước ngoài. Chính vì thế mà tham gia hội nhập kinh tế là một tất yếu, khách quan, là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.