TAM HIỆP TRƯỜNG GIANG
Sông Trường Giang là con sông lớn nhất của Trung Quốc dài 6300 km, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua các Tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Nam, An Huy, Giang Tô; đoạn sông đi qua Tứ Xuyên, Hồ Bắc tạo nên Tam Hiệp nổi tiếng. (Tam Hiệp là 3 hẻm núi có dòng sông chảy qua). Ba hẻm núi đó là Cù Đường Hiệp, vu Hiệp và Tây Lăng Hiệp. Độ dài tổng cộng 204 km.
Cách đây 200 triệu năm về trước, vùng Thượng nguồn Sông Trường Giang còn là biển hồ, sau này do sự biến thiên của vỏ Trái đất và hoạt động của tạo sơn, núi lửa đã tạc thành nhiều vách núi, theo thống kê thì hàng năm vách đá ở Tam Hiệp cao lên từ 2 đến 4 cm.
Cù Đường Hiệp bắt đầu từ Thành Bạch Đế Huyện Phân Tiết, Tỉnh Tứ Xuyên dài 8km. Tuy Cù Đường Hiệp là hẻm ngắn nhất trong Tam Hiệp nhưng lại hùng vĩ nhất, ở đây hiện còn di tích lịch sử Thành Bạch Đế. Tương truyền khi lâm chung, Lưu Bị đã gửi đứa con lại cho các cận thần trông nom nuôi nấng ở thành này. Sở dĩ gọi là Thành Bạch Đế vì trong thành có một cái giếng luôn phun ra khí trắng trông như một con rồng bạch. Các nhà thơ thời Đường, Tống như Lý Bạch, Đỗ Phủ , Lưu Vũ Tích, Lục Du v.v. . . đều đã đến đây và làm nhiều thơ về Tam Hiệp, nên người ta cũng gọi nó là Thành Bạch Đế thơ. Nơi này còn có di tích sa bàn (Bát trận đồ của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc).
Nếu đi tàu từ Thượng nguồn đến Thành Bạch Đế ta thấy mặt dòng sông đang rộng mênh mang bỗng thắt lại chỉ có 4 đến 5 chục mét, vách đá dựng đứng, nước chảy ào ào. Vách đá mọc lởm chởm trông như hàm răng con quái vật đang nhe ra doạ nạt bắt dòng sông chảy ngược lại. Mặc dù núi đá ra công chặn nước lại nhưng Trường Giang như con tuấn mã bất kham tung bờm trắng hý vang, nhảy vượt lên con đường trước mặt.
Đến Vu Hiệp, ta thấy vách đá cao vút, mây khói đông đặc, che khuất ánh Mặt trời. Vu Hiệp có 12 ngọn núi, bờ Bắc 6, bờ Nam 6. Trong 12 ngọn núi ấy gây ấn tượng nhất là Núi Nữ Thần. Từ xa xa, du khách đã phát hiện ra ngọn núi này, dáng núi như một thiếu nữ yểu điệu, khom lưng cúi xuống nhìn dòng sông. Tương truyền ngọn núi này là hoá thân người ải nữ của Tây Vương Mẫu. Nàng thông minh, xinh xắn, hiền thục. Một lần nàng cùng 12 chị em xuống trần gian, thì vừa may gặp Hạ Vũ đang khơi dòng nước ở Tam Hiệp. Ông vì dân lao động quên mình khiến nàng rất cảm động. Do đấy nàng tình nguyện rời tiên cung xuống ở lại trần gian, đứng trên đỉnh núi ở Tam Hiệp làm hoa tiêu hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại.
Tàu đi vào đây như đi vào động tiên. Khi Mặt trời toả sáng, mây mù từng đóa to nổi bồng bềnh, bay lên cao, do phản chiếu ánh Mặt trời mây lúc trắng đục, lúc bạc trắng, lúc màu vàng, lúc đỏ rực trông rất ngoạn mục. Hạt mưa nhỏ như màn the mỏng quấn quanh người càng làm cho cảnh vật thêm huyền bí.
Vu Hiệp còn có ba danh thắng nữa là Đền thờ Ba Đông nơi kỷ niệm một nhà ái quốc đời Tống tên là Khẩu Chuẩn. Miếu Khuất Nguyên và Hang Khuất Nguyên đọc sách, Suối thơm ở lưng Núi Kê Long, gắn liền với tên tuổi nàng Vương Chiêu Quân. Tương truyền xưa kia, Vương Chiêu Quân thường ra đây gánh nước, rửa tay, nên dòng suối vẫn còn phảng phất mùi thơm của người đẹp.
Tây Lăng Hiệp dài nhất trong Tam Hiệp, 75km. Đặc điểm nổi bật của hẻm núi này là có nhiều cồn bãi đá ngầm và nước chảy xiết. Những cồn bãi này hình thành là do núi lở đá rơi xuống, cát ở Thượng nguồn dồn về, chân núi mọc ra nhiều nhánh, tàu thuyền đi qua đây hoặc là dễ mắc cạn, hoặc là dễ va phải đá ngầm ở đây, nước réo như nước sôi trong nồi, có nhiều vũng nước xoáy, nhiều khúc quanh co, ai không thạo địa hình lái thuyền vào chỗ xoáy là toi mạng. Tây Lăng Hiệp gồm bốn hẻm núi: hẻm Binh Thư Bảo Kiếm, Hẻm Gan Trâu, Phổi Ngựa, Hẻm Không Lệnh và Hẻm Đăng ảnh. Hẻm Binh Thư Bảo Kiếm, tương truyền là nơi Gia Cát Lượng cất giấu binh thư và bảo kiếm. Thật ra sở dĩ gọi như vậy vì vách núi cuốn tròn tầng tầng lớp lớp như quyển binh thư nằm cạnh một vách núi khác cao vút như một thanh bảo kiếm. Hẻm Đăng ảnh gập cong 900, rất nguy hiểm. Trên đỉnh có 4 hòn đá kỳ lại giống như bốn thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Chiều tà, nhìn xa xa trông rất giống 4 nhân vật hoạt động trong phim đèn chiếu vậy.
Sông Trường Giang như một thanh kiếm sắc chém xả núi ra cho dòng nước chảy về Đông, ở đoạn Tứ Xuyên - Hồ Bắc do núi non dày đặc hiểm trở, nên lưỡi kiếm chưa lách được rộng, do đấy hình thành Tam Hiệp một trong những hẻm núi lớn nhất Thế giới.
Tam Hiệp là một kỳ quan từng hấp dẫn biết bao du khách đến đây thưởng ngoạn, nhưng đồng thời nó cũng là nơi gây ra bao tai họa cho con người. Theo sử sách, 2000 năm trở lại đây, Trường Giang đã gây ra hơn 200 vụ hồng thủy, bình quân cứ 10 năm một trận lụt. Chính vì vậy, Trung Quốc đang có kế hoạch trị thuỷ sông Trường Giang. Người ta sẽ nắn lại dòng sông, phá núi khơi dòng và xây nhiều hồ chứa nước. Nay mai ở Tam Hiệp sẽ mọc lên nhà máy thuỷ điện có khả năng lớn nhất Thế giới. Trong kế hoạch cải tạo, người ta cố gắng giữ lại một số cảnh quan hùng vĩ và di tích lịch sử, có một số phải dời đi nơi khác và được trùng tu cho tráng lệ hơn.
GS.LÊ HUY TIÊU