Tài liệu: Thái Lan - Giao tế xã hội

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Việc bắt tay là phổ biến trong giao tiếp giữa người Thái với người nước ngoài trong những trường hợp trang trọng hay trong giao dịch kinh doanh
Thái Lan - Giao tế xã hội

Nội dung

GIAO TẾ XÃ HỘI

Việc bắt tay là phổ biến trong giao tiếp giữa người Thái với người nước ngoài trong những trường hợp trang trọng hay trong giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên cách chào hỏi truyền thống của người Thái là chắp tay vái; phụ nữ thì hơi nhún nhẹ đầu gối trong khi vái. Hình thức vái cũng đa dạng tùy theo mối quan hệ giữa hai bên. Người nhỏ tuổi hơn vái trước, người lớn tuổi hơn đáp lại bằng cách vái thấp tay hơn ngươi trẻ. Thái độ càng cung kính thì bàn tay càng đưa cao khi vái. Để biểu lộ rõ hơn sự kính trọng, người ta có thể kết hợp cúi mình hoặc nhún đầu gối. Mũi bàn tay đưa cao hơn lông mày chỉ trong trường hợp vái Phật hay chào hoàng gia. Đối với những người đáng trọng khác, người ta thường đưa mũi bàn tay đến dưới lông mày, khi đó đầu ngón tay cái sẽ ở vị trí ngang chỏm mũi. Thường thì người được chào sẽ vái đáp lễ, chỉ trừ trường hợp có khoảng cách rất lớn về địa vị hay tuổi tác giữa hai bên, chẳng hạn như người lớn không vái trả đối với trẻ em. Các nhà sư cũng không vái trả đối với tín đồ. Động tác vái chào này không hẳn chỉ có ý nghĩa chào hỏi khi gặp nhau mà còn được dùng để biểu lộ sự cám ơn, chào tạm biệt hoặc tỏ ý xin lỗi.

Giống như phong tục Tây phương, trong sinh hoạt bình thường người Thái gọi nhau bằng tên, trong những trường hợp trịnh trọng hay mang tính xã giao, người ta gọi nhau bằng họ. Tên cũng đặt trước họ như kiểu Tây phương.

Người khác phái thường không có cử chỉ thân mật hay biểu lộ tình cảm trước đám đông. Những người cùng phái có thể bắt tay khi gặp nhau. Sau này trong giới trẻ việc nắm tay giữa hai người khác phái ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Khi gặp nhau, người có địa vị xã hội cao nhất sẽ được kính trọng nhất. Thường thì cách đi đứng, ăn nói hay giao tiếp của một người sẽ tùy theo đối tượng trước mặt. Thói quen của người Thái là cởi giày dép trước khi vào chùa chiền hay nhà riêng. Khách đến viếng chùa thường cữ không đạp chân lên ngưỡng cửa vì người ta tin rằng đó là nơi trú ngụ của các linh hồn. Khi đến thăm nhà ai khách không cần thiết phải mang theo quà, nhưng nếu trường hợp khách lưu lại tại nhà chủ thì việc mang theo món quà là phép xã giao bình thường.

Trong nhà người ta thường ngồi trên nền nhà, nhưng không nên xoãi rộng chân trước mặt người khác. Phụ nữ thường ngời gấp chân sang một bên hoặc ra phía sau, nam giới thì vắt chéo chân. Đàn ông cũng có khi ngồi gấp chân sang một bên để tỏ ý tôn trọng chủ nhà. Khách có thể ngỏ lời khen ngợi về gia đình hay trẻ em trong nhà, nhưng không nên tỏ thái độ quá ngưỡng mộ đối với một đối tượng cụ thể nào đó để tránh sự lúng túng cho gia chủ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2158-02-633493177241718750/Van-hoa---Xa-hoi/Giao-te-xa-hoi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận