Tài liệu: Thái Lan - Vùng phía bắc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vùng phía Bắc là khu vực đồi núi. Vào những tháng lạnh, nhiệt độ ở đây phù hợp cho những loại trái cây như vải và dâu. Những rặng núi cao của vùng này kết thúc ở những thung lũng dốc đứng và những vùng cao nguyên bao quanh khu vực đồng bằng
Thái Lan - Vùng phía bắc

Nội dung

VÙNG PHÍA BẮC

Vùng phía Bắc là khu vực đồi núi. Vào những tháng lạnh, nhiệt độ ở đây phù hợp cho những loại trái cây như vải và dâu. Những rặng núi cao của vùng này kết thúc ở những thung lũng dốc đứng và những vùng cao nguyên bao quanh khu vực đồng bằng. Nhiều con sông như sông Nan, sông Ping, sông Wang và sông Yom nối các vùng hạ du để hình thành lưu vực sông Chao Phraya. Đặc điểm về địa hình này vốn tạo ra những hình thái canh tác nông nghiệp khác nhau, như việc trồng lúa nước ở vùng thung lũng và chế độ luân canh ở vùng cao nguyên. Rừng cũng tạo ra sự phân biệt về đặc điểm địa phương. Rừng ở Thái Lan có nhiều gỗ tếch và những loại gỗ quý khác. Vào năm 1961 diện tích rừng chiếm đến 56% tập trung chủ yếu ở vùng phía Bắc, nhưng chỉ vài thập kỷ sau, đến những năm 1980, diện tích này đã bị thu hẹp lại còn dưới 30%.

Một số địa danh ở vùng phía Bắc:

CHIANG MAI

Chiang Mai là thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 700 km về phía Bắc. Nhiều người cho rằng sống ở Chiang Mai còn dễ chịu hơn là Bangkok, với đầy đủ những tiện lợi theo kiểu đô thị mà lại không phải chịu đựng những mặt trái của cuộc sống đô thị hiện nay.

Vườn thú Chiang Mai ở trên đường Huay Keaw, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Thành lập từ hơn 20 năm, với diện tích khoảng 80 hecta dưới chân núi Doi Sutep, đây là vườn thú lớn nhất của Thái Lan. Ở đây có khoảng 7.000 con thú sống trong môi trường cây rừng và đồng cỏ. Cảnh quan ở đây còn có hai thác nước, hai hồ và nhiều bãi cắm trại.

Cũng ở dưới chân núi Doi Sutep có thác Huay Keaw, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, là một nơi yên tĩnh, phong cảnh hữu tình. Đây là một thác nhỏ, với nước chảy đổ đều vào mùa mưa và thu lại thành một dòng nước nhỏ vào mùa khô.

Lớn hơn thác Huay Keaw là thác Montatarn, cách thành phố khoảng 15 km. Đến đây vào mùa mưa hơi khó khăn vì có khoảng 3 km đường đất. Tuy nhiên mùa này mới là lúc thác thể hiện hết dáng vẻ hùng vĩ với dòng nước lớn đổ mạnh từ trên cao và chảy vào một hồ nhỏ. Nước hồ ở đây luôn trong xanh. Đứng ở trên thác này người ta có thể quan sát toàn cảnh thành phố Chiang Mai xa xa bên dưới.

Núi Doi Sutep thuộc dãy núi bao quanh thành phố Chiang Mai, có độ cao hơn 1.000 mét. Trên đỉnh núi có đền Prathat Doi Sutep, là ngôi đền thiêng nhất ở Chiang Mai. Ngôi đền lấp lánh này có thể nhìn thấy được từ hầu hết các vị trí ở thành phố. Để đến đây người ta phải đi qua 17 km đường rừng, xuyên qua khu vực công viên quốc gia. Ngay cổng đền có hình tượng song xà với dáng vẻ đáng sợ làm nhiệm vụ gác cổng. Một dãy tam cấp gồm 300 bậc dẫn đến đền. Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, nhưng đền nay đã có nhiều phần được tu sửa, tôn tạo.

Ở khu vực núi Doi Sutep còn có Dinh Phuping, được xây dựng năm 1962 làm nơi nghỉ mát của hoàng gia. Vào những tháng cuối năm đến đầu năm, dinh thự này đẹp rực rỡ khi vườn cảnh xung quanh được chăm sóc tỉ mỉ đang nở rộ đủ sắc hoa.

CHIANG RAI

Thành phố của tỉnh Chiang Rai có hơn 37.000 dân, nổi tiếng với trái vải thơm ngon được trồng tại đây. Thành phố này cũng nổi tiếng với “cửa ngõ” dẫn đến vùng Tam Giác Vàng ở huyện Chiang Sen, nơi giáp ranh của 3 nước Thái Lan, Lào và Miến Điện. Đây là tỉnh cực Bắc của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 785 km với độ cao trung bình 580 mét. Với diện tích khoảng hơn 11.000 km2, Chiang Rai bao gồm hầu hết là rừng núi. Tỉnh được chia thành 12 huyện và một huyện phụ. Yếu tố quan trọng nhất của tỉnh này là con sông Mae Kok có chiều dài 130 km chảy qua thành phố Chiang Rai. Vua Mengrai đã lập ra thành phố này vào năm 1262. Theo sử sách, đây từng là kinh đô của vương quốc Lannatai cho đến cuối thế kỷ thứ 13. Sau đó thành phố này nằm dưới quyền cai trị của người Miến Điện trong mấy trăm năm. Chiang Rai được đưa vào lãnh thổ của Thái Lan vào năm 1786 và được xếp vào đơn vị tỉnh vào thời vua Rams VI, năm 1910.

Vùng Đông Bắc, gọi là Isan, đất đai khô cằn, không thích hợp cho nông nghiệp. Vùng này bao gồm cao nguyên Khorat và một số vùng đồi thấp. Trong thời gian ngắn của gió mùa, lũ lớn tràn xuống những vùng thung lũng ở đây. Không giống như những vùng màu mỡ hơn ở Thái Lan, vùng Đông Bắc có mùa khô kéo dài và phần lớn đất đai bao phủ bởi những đồng cỏ thưa thớt. Những rặng núi viền quanh vùng cao nguyên, chạy dài từ phía Tây xuống phía Nam, trong khi hệ thống sông Mekong tỏa ra ở phần lớn vùng vành đai phía Đông.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2156-02-633493117531875000/Dia-ly/Vung-phia-bac.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận