Tài liệu: Thuỵ Sĩ - Tổng quan

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Người ta không thể hiểu được lịch sử của Thụy Sĩ nếu không xem xét về mặt địa lý của đất nước này, vốn có một tác động đáng kể trong việc quyết định sự phát triển của lối
Thuỵ Sĩ - Tổng quan

Nội dung

Tổng quan

Người ta không thể hiểu được lịch sử của Thụy Sĩ nếu không xem xét về mặt địa lý của đất nước này, vốn có một tác động đáng kể trong việc quyết định sự phát triển của lối sống ở đây. Đất nước mà chúng ta biết đến ngày nay đã được định hình từ năm 1848. Trước thời gian đó, người ta không thể nói về “lịch sử Thụy Sĩ”, mà chỉ nói về lịch sử của những phần đất rời rạc chỉ được sát nhập dần dần với nhau sau đó. Hầu hết đất nước này đều là núi. Từ đó những con đường dẫn đến các ngọn đèo từ thời tiền sử đã mang đến đây con người, hàng hóa và các tư tưởng. Ở một mức độ nào đó, lịch sử Thụy Sĩ đã được định hình bởi các nguồn quyền lực giúp kiểm soát những con đường giao thương huyết mạch, trong đó những đường  đèo là thành phần trọng tâm.

Cùng lúc đó, việc không thể đến được các vùng núi non đã gây khó khăn cho các lực lượng ngoại lai thiết lập sự cai trị tại đây. Người dân Thụy Sĩ có thể phát triển được những truyền thống và những hình thức chính quyền của riêng họ. Mặc dù là một đất nước nhỏ, Thụy Sĩ rất khác nhau theo từng địa phương. Ở một số vùng các thị trấn đã mọc lên và lớn mạnh cũng như thịnh vượng nhờ vào mậu dịch. Trong khi đó ở những vùng khác con người chỉ định cư trong những ngôi làng và sống chủ yếu bằng đất đai.

Đến thời Trung cổ đã có một sự phân biệt rõ ràng giữa các vùng thành thị và các vùng nông thôn. Sự phân chia này phản ánh không những chỉ cách sống của người dân mà cả đường lối họ được cai trị. Các thành phố được cai trị bởi những nhóm người hạn các, trong khi việc cai quản ở vùng thôn quê thì lại dân chủ hơn nhiều. Sự hợp tác với nhau đã trở thành một động lực mạnh mẽ, nếu không thì chưa chắc Thụy Sĩ đã tồn tại đến ngày nay. Nhưng điều này cũng không nhất thiết phải như vậy. Nhiều khi trong lịch sử mối ràng buộc giữa các vùng với nhau đã bị tan rã. Thậm chí cho tới ngày nay nhiều người vẫn băn khoăn không hiểu cái gì đã giữ các phần đất của Thụy Sĩ lại với nhau.

Cho đến cuối thế kỷ 18 vùng đất ngày nay là Thụy Sĩ vẫn còn là một dải đất chắp vá với nhiều đơn vị khác nhau. Cốt lõi của đất nước này đã được hình thành từ những bang nguyên thủy, vốn mở rộng từ 3 bang lên 13 bang trong thời gian từ 1291 đến 1513. Những bang này đã hình thành Liên bang. Những khu vực khác vẫn độc lập nhưng được liên minh với liên bang trong khi có những khu vực chỉ kết nối một cách lỏng lẻo như là “những địa phương liên kết”. Có những khu vực khác đã được các thành viên của Liên bang chinh phục, và được các bang này cai trị như các lãnh thổ thần dân. Một số khu vực được cai trị bởi một bang duy nhất, những khu vực khác được cai trị bởi một nhóm bang hay bởi cả Liên bang.

Hầu hết những lãnh thổ nằm trong ba dạng trên đây đã hình thành Thụy Sĩ hiện đại ngày nay. Tuy nhiên một số khu vực khác đã trở thành một phần của những quốc gia khác. Trong nhiều thế kỷ, những nước láng giềng đã có một tác động quyết định đối với sự tiến triển của đất nước này. Chính sách trung lập của Thụy Sĩ, vốn bắt đầu từ năm 1515, đã không những phục vụ cho quyền lợi riêng của Thụy Sĩ bằng cách giữ đất nước này đứng ngoài các cuộc chiến tranh, mà còn co quyền lợi của các nước láng giềng bằng cách giữ cho họ tránh khỏi những kẻ thù có thể có.

Là một đất nước có chung 3 trong số 4 loại ngôn ngữ của họ tại nhiều nước láng giềng, Thụy Sĩ đã có một sự trau dồi văn hóa rất năng động với các nước láng giềng trong nhiều thế kỷ. Nhiều nhà văn và họa sĩ của Thụy Sĩ đã sống ở nước ngoài trong khi đó những đồng nghiệp nước ngoài của họ lại có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của đất nước. Sự giao lưu văn hóa này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2224-02-633494835063437500/Lich-su/Tong-quan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận