Trưng bày kho báu thời La Mã
Một bộ sưu tầm các báu vật bằng vàng thời kỳ La Mã bị lãng quên trong hàng thế kỷ, hoặc do kẻ trộm cất trong các bình đất sét, bị chôn sâu dưới sa mạc, hoặc bị vứt bỏ trong những góc bụi bặm của Cairo, mới được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập.
Những hiện vật đầu tiên, bao gồm các vòng cổ lấp lánh, những vương miện lộng lẫy và các đồng tiền vàng có từ thế kỷ thứ 2, đã ra mắt công chúng tại bảo tàng 102 tuổi của Cairo. Những hiện vật này do một nhóm khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1989 tại sa mạc miền Tây Cairo.
“Số báu vật bằng vàng này là những thứ đầu tiên trong nhiều hiện vật khác của Bảo tàng Ai Cập sẽ được “khai quật” lại từ các hành lang và căn phòng, và được trưng bày cùng những công cụ nhằm giải thích ý nghĩa của chúng”, Zahi Hawass, người đứng đầu cơ quan khảo cổ Ai Cập, phát biểu: “Cũng giống như sa mạc rộng lớn của chúng ta, Bảo tàng Ai Cập có hàng nghìn cổ vật quý hiếm mà chúng ta chưa hề biết tới”.
Trong số những hiện vật có một chiếc vương miện lộng lẫy gồm nhiều mảnh vàng tạo nên hình những chiếc lá. Một chiếc vòng cổ nặng hơn 500g bao gồm 77 mặt vàng mang hình của vị thần Ai Cập - Hy Lạp Serapis. Thần Serapis được tạo nên từ sự kết hợp của 2 vị thần Osiris và Apis thuộc giai đoạn Ptolemaic, kéo dài 300 năm cho đến năm 30 trước Công nguyên.
Giám đốc Bảo tàng Wafaa El-Sediq cho biết bọn cướp đã ăn cắp các báu vật của thế kỷ thứ 2 này từ một ngôi đền do người La Mã xây tại Dush, cách Cairo 560 km về phía Tây Nam.
“Những tên cướp đã giấu báu vật trong các bình đất sét chôn trong bức tường của một tòa nhà”, El-Sediq nói. “Nhưng ơn Chúa, sa mạc đã bao phủ những báu vật này và lũ trộm không thể tìm thấy chúng được nữa”.
Các sa mạc ở miền Tây và Nam Ai Cập là những nơi bị bỏ qua nhiều nhất xét về giá trị khảo cổ. Người ta tin rằng tại đó còn ẩn giấu nhiều báu vật nữa.
(Theo AP)