Tài liệu: Trung Quốc - Tỉnh Quảng Đông và Vườn Bảo Mặc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tỉnh Quảng Đông tên gọi tắt là Việt, nằm ở phía nam dãy núi Nam Lĩnh, giáp với biển Nam Hải.
Trung Quốc - Tỉnh Quảng Đông và Vườn Bảo Mặc

Nội dung

Tỉnh Quảng Đông và Vườn Bảo Mặc

Tỉnh Quảng Đông tên gọi tắt là Việt, nằm ở phía nam dãy núi Nam Lĩnh, giáp với biển Nam Hải. Thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc nơi đây là vùng đất của Bách Việt, nhà Tần lại gọi là quận Nam Hải, thời kỳ nhà Đường đặt tên là Lĩnh Nam Đạo, nhà Tống đặt là Quảng Nam Đông Lộ, nhà Nguyên đặt tên là Ly Giang Tây Hành tỉnh. Mãi đến thời nhà Thanh, nơi đây mới có tên là tỉnh Quảng Đông.

Tỉnh Quảng Đông rộng 18.000 km2, dân số 65.250.000 người với các dân tộc Hán, Dao, Choang, Hồi, Mãn... Đồi núi chiếm 2l3 diện tích cả tỉnh, có một đồng bằng ven sông Châu Giang. Quảng Đông là tỉnh phát triển ngành công nghiệp mạnh nhất ở vùng Hoa Nam và cũng thuộc hàng đầu của Trung Quốc.

Vườn Bảo Mặc (Vườn Bao Công) là một trong những danh thắng nổi tiếng nhất ở Phiên Ngung, cách Quảng Châu không xa. Vườn được xây dựng từ cuối đời nhà Thanh và những năm đầu tiên của chế độ Cộng hòa Trung Hoa (1912 - 1949) trên một diện tích rộng hơn 3.300 m2, tái hiện cảnh sắc mang âm hưởng sông nước hữu tình của đồng bằng sông Châu Giang, con sông huyết mạch ở phía Nam Trung Quốc.

Cổng vào vườn Bảo Mặc

Vườn bị phá hủy vào những năm 1950 và đến năm 1995 được mở rộng và xây dựng lại, đến năm 2001 mới hoàn chỉnh. Hiện nay vườn có diện tích lên đến 66.750 m2, là một trong bốn vườn cảnh nổi tiếng nhất và cũng là vườn lớn nhất ở Quảng Đông.

Khi xây dựng lại vườn Bảo Mặc, những người có trách nhiệm đã kêu gọi sự tham gia của các nhà thiết kế và những nghệ nhân giỏi nghề. Nhờ vậy, ngày nay, vườn Bảo Mặc là một tổng thể kiến trúc và cảnh quan đa dạng và phong phú mà bất kỳ du khách khó tính nào khi đặt chân vào đây, sau vài giờ tham quan, cũng ra về thật hài lòng sau khi thưởng ngoạn những vườn cảnh đặc trưng của nghệ thuật hoa viên Trung Quốc và các kiến trúc cổ theo phong cách Lĩnh Nam.

Cảnh sắc hữu tình trong Vường Bảo Mặc

Có tới trên 6 triệu viên gạch đã được sử đụng để xây dựng lại công trình kỳ vĩ, cùng vô vàn những cây cảnh, hầu hết là quý hiếm, lâu đời đã được đem từ nhiều nơi đến trồng ở đây.

Một trong hơn 30 chiếc cầu Đá trong vườn

Rảo bước trong vườn, phải mất nhiều giờ nếu bạn muốn đi qua hơn 30 cây cầu đá dáng vẻ cổ kính soi bóng trên những dòng kênh, những hồ nước nối tiếp nhau - nơi cư trú của hàng vạn con cá chép nhiều màu sắc.

Du khách còn có thể dùng thuyền để ngoạn cảnh trên hồ dài hơn 1.000 m. Trên chiếc thuyền con tự tay chèo, bạn sẽ có cảm giác mình đang du ngoạn vào một thế giới thần tiên khi ngắm nhìn những kiến trúc nhiều màu sắc, những chiếc cầu đá cao và cong vút như những nét mày ngài, đó đây là những vườn hồng, vườn trúc, vườn lan... Có thể nói không đâu trên đất Trung Quốc có một khu du lịch sinh thái kết hợp được đầy đủ và hài hòa các yếu tố kiến trúc, vườn cảnh, đồi, hồ nước và cầu đá như ở đây.

Rải rác trong vườn Bảo Mặc là những tác phẩm điêu khắc đá khổ lớn, nhất là hai bức tranh rất độc đáo. Thứ nhất là bức tranh có tên ''Thanh minh thượng hà đồ” diễn tả lễ hội sống bên dòng Châu Giang, với chiều dài 63 m, cao 2,48 m, gồm 1.352 tác phẩm điêu khắc gốm sứ kết hợp lại, được các nghệ nhân trẻ thực hiện trong suốt ba năm rưỡi.

Bức “Thanh minh thượng hà đồ” khảm gốm sứ

Bức tranh có tên ''Thổ diệm hòa minh bích” là một bức tường điêu khắc bằng đất sét dài 42 m, cao 3,55 m, thể hiện hơn 600 con chim đang đua nhau hót và muôn loài hoa đua nở tinh xảo. Hai bức tranh này đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là tác phẩm điêu khắc đất sét và khảm gốm sứ lớn nhất thế giới.

Bức “Thổ diệm hòa minh Bích” tạc từ đất sét.

Trong vườn còn có một bảo tàng lớn của nhà sưu tập người Anh gốc Hoa Triệu Thái Lai, một doanh nhân đồng thời là một nghệ sĩ sống tại Hồng Kông nhưng quê ở Quảng Đông. Ông Triệu đã đến thăm vườn Bảo Mặc năm 1998 và rất ưng ý các tác phẩm nghệ thuật hoành tráng tại đây. Ông đã hiến tặng nhiều hiện vật quý giá cho vườn và xây dựng một bảo tàng cổ vật tại đây, nay là bảo tàng mang tên ông.

Hoạt cảnh Bao công xử án

Trong bảo tàng có rất nhiều những đồ làm bằng ngọc, đồ đồng, đồ gốm sứ cổ và tranh thủy mặc của các danh họa Trung Hoa, trong đó có một bức thư pháp do chính vua Càn Long phóng bút.

Sẽ thật thiếu sót nếu như không vào ngôi nhà trưng bày những hình ảnh về Bao Thanh Thiên, viên phán quan nổi tiếng đời nhà Đường mà gần như bất kỳ người Việt nào cũng biết đến qua các bộ phim truyền hình nhiều tập về cuộc đời liêm khiết, chính trực của ông cùng các cộng sự Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán...

Khách tham quan sẽ không khỏi kinh ngạc khi bước vào nơi trưng bày những hoạt cảnh xử án Quách Hòe, Bàng quý phi... với những tượng sáp kích thước bằng người thật, sinh động đến từng chi tiết: ngón tay, râu tóc, khóe mắt... Nếu không có lớp kính trong suốt bảo vệ, có thể bạn sẽ giật mình ngỡ như đang bước vào phủ Khai Phong của nghìn năm trước khi nhìn thấy gương mặt lẫm liệt của Bao Hắc Tử ở chốn công đường hay vẻ thất sắc của những kẻ tội đồ gian ác đang nghe tuyên án tử, sắp bị hành hình dưới cẩu đầu đao, hổ đầu đao...

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556163048145987/Du-lich/Tinh-Quang-Dong-va-Vuon-Bao-Mac.h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận