Tài liệu: Trung Quốc - Thủ Đô Bắc Kinh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thành phố Bắc Kinh là thủ đô của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, là một trong 7 cố đô lớn, có diện tích 16.800 km2 với 9 triệu dân số, có trên 3000 năm lịch sử. Đã có 4 triều đại dựng đô tại đây,
Trung Quốc - Thủ Đô Bắc Kinh

Nội dung

Thủ Đô Bắc Kinh

Thành phố Bắc Kinh là thủ đô của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, là một trong 7 cố đô lớn, có diện tích 16.800 km2 với 9 triệu dân số, có trên 3000 năm lịch sử. Đã có 4 triều đại dựng đô tại đây, bắt đầu từ triều đại nhà Kim và sau đó lần lượt đến các triều đại nhà Nguyên, Minh, Thanh.

Ngành công nghệ phẩm và trạm điêu khắc ngọc ở đây đã có từ lâu đời. Ẩm thực nơi đây chủ yếu là các món ăn Sơn Đông và món ăn cung đình. Ngoài ra, cũng có những món ăn ở các địa phương khác.

Từ máy bay, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ hoành tráng hiện đại của Bắc Kinh với những tòa nhà chọc trời và những giao lộ ngay hàng thẳng lối. Hệ thống giao thông đan chéo nhiều tầng vừa đảm bảo thông thoáng, an toàn vừa tạo cảnh quan đẹp mắt.

Lòng đường rộng với nhiều làn xe. Các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, nhưng nguy cơ tai nạn giao thông rất ít. Hầu hết các giao lộ đã được nâng tầng, tạo thành không gian lưu thông riêng biệt với khách bộ hành. Là thành phố có số người sử dụng xe đạp nhiều nhất trên thế giới, Bắc Kinh có sự tương phản rõ nét giữa phương tiện hiện đại và thô sơ: khoảng 80% số người dùng xe hơi, xe điện và các phương tiện giao thông công cộng... còn lại chủ yếu là dùng xe đạp và rất ít xe gắn máy.

Hạn chế lưu thông xe máy là nỗ lực của nhà chức trách nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Hệ thống quy hoạch nhà ở rất hoàn hảo góp phần làm cho đường phố Bắc Kinh trở nên sạch đẹp hơn. Ngoài những tuyến đường được phép kinh doanh, không hề có hiện tượng ''kinh doanh trên từng cây số”. Đường phố sạch đẹp, con người văn minh lịch sự, thân thiện nên đã thu hút nhiều du khách đến Bắc Kinh.

Tuy nhiên, số người biết tiếng Anh ở đây rất ít nên đôi khi có chuyện dở khóc dở cười vì bất đồng ngôn ngữ. Một điểm khác khiến du khách phàn nàn là ở đây có hiện tượng giá cả không đồng nhất. Ở cùng một điểm mua bán giá có thể khác nhau một trời một vực. Vì thế khi đi siêu thị ở Bắc Kinh, người dân vẫn thường phải mặc cả.

Bắc Kinh có rất nhiều danh lam thắng cảnh và kỳ quan nổi tiếng thu hút khách khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới như Tử Cấm Thành, Di Hoà Viên và Vạn Lý Trường Thành

Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là cung điện của 2 triều đại vua Trung Quốc nhà Minh (năm 1368 - 1644), nhà Thanh (năm 1644 - 1911). Triều đại nhà Minh bắt đầu xây dựng thủ đô ở Nam Kinh, đến đời vua Thành Tổ Chu Khang mới rời đô về Bắc Kinh và xây dựng Tử Cấm Thành vào năm 1403, hoàn thành năm 1424. Nằm ngay giữa thành phố Bắc Kinh, đây là nơi cư ngụ của các vị hoàng đế Trung Hoa trong suốt gần 500 năm, từ thế kỷ thứ XV đến đầu thế kỷ XX và cho đến nay vẫn còn là biểu tượng sức mạnh của một đế quốc. Năm 1925, khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là vua Phổ Nghi bị đuổi khỏi hoàng cung, Tử Cấm Thành được đổi tên thành Viện Bảo tàng cố cung, hay gọi tắt là Cố cung. Sau đó Cố cung mở cửa cho phép du khách vào thăm quan và nơi này được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1987.

Cố cung được xây dựng đồng thời với thành Bắc Kinh, bắt đầu từ năm thứ tư đời vua Vĩnh Lạc nhà Minh (1406) đến năm 1420 thì hoàn thành. Đây là vòng tường thành trong cùng của thành Bắc Kinh và cũng là hoàng cung của 24 đời vua trong hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh (1368 - 1911).

Tử Cấm Thành có điện tích 720.000 m2, gồm 9995 gian, 4 góc thành có tháp canh cao. Thành xây theo hình chữ nhật, nằm theo hướng Bắc Nam, dài 961 m, rộng 753 m, xung quanh được bao bọc bởi tường thành sơn đỏ, có dạng hình thang, đáy rộng 8,6 m, đỉnh rộng 6,6 m, cao 10 m. Quanh thành có một con sông đào rộng 52 m gọi là sông Hộ Thành.

Bức tường bao quanh thành được xây bởi trên 20 triệu viên gạch chế tạo đặc biệt từ đất sét đặc biệt ở Sơn Đông trộn với vôi trắng và lúa nếp, mỗi viên nặng 24 kg. Chúng được kết dính với nhau bằng cháo nếp và lòng trắng trứng. Các cột gỗ thì được lấy từ các tỉnh miền tây nam như Tứ Xuyên, Hồ Nam và Quý Châu, còn nền đá thì lấy đá từ Phong Sơn, ngoại ô Bắc Kinh chở đến.

mỗi góc tường thành đều có tháp canh ba tầng. Mỗi tháp canh có 9 cây kèo, 18 cột và 72 đòn tay. Tất cả đều là số 9 hoặc bội số của 9. Tổng số các kèo, cột và tay đòn là 99. Vì số 9 là số “chí dương” nên chỉ có Tử Cấm Thành mới xứng đáng có được kiến trúc theo kiểu này. Các bậc thềm lan can ở đây đều là đá bạch ngọc trắng, trạm trổ các con rồng phượng. Các cung điện được xây dựng bằng các loại gỗ quý hiếm, các hoành phi và cột phương Đông rất độc đáo.

Cố cung có bốn cửa là Ngọ Môn (hướng nam), Thần Vũ Môn (hướng bắc), Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn (hướng đông và tây). Bên trong Cố cung được chia làm ba phần: Phần từ Ngọ Môn đến Bảo Hoà Diện gọi là Ngoại triều, là nơi hoạt động triều chính! Phần từ Càn Thanh Môn cho đến hết Khôn Ninh Cung là Nội Đình, là nơi cư ngụ và sinh hoạt hàng ngày của hoàng gia. Sau cùng là Ngự Hoa Viên. Để chuẩn bị cho Olympic 2008 sắp tới, chính quyền Bắc Kinh đã cho sửa sang, tu bổ lại Cố cung và nhiều di tích khác.

Thời nhà Thanh, vì nhà vua là người Mãn nên toàn bộ biểu hiện bên trong cung đều được viết bằng hai thứ tiếng chữ Hán (ở bên trái) và chữ Mãn (ở bên phải). Từ năm 1912, phần Ngoại triều trở thành phủ Tổng thống của chính quyền Bắc Dương nên Viên Thế Khải cho thay toàn bộ biểu hiện ở đây bằng chữ Hán. Riêng khu vực Nội Đình vẫn thuộc về hoàng gia nên các tấm biểu đề trong khu vực này được giữ nguyên bằng hai thứ chữ.

Ngoại triều

Từ Thiên An Môn đi vào, trước tiên du khách sẽ gặp cổng thành Đoan Môn cao lớn, bên trên có lầu. ''Đoan Môn'' có nghĩa là khi vào chầu vua phải ăn mặc chỉnh tề, cử chỉ đoan trang. Từ Đoan Môn đi tiếp du khách sẽ đến Ngọ Môn, đây là cổng chính dẫn vào Tử Cấm Thành. Tại Thiên An Môn và Ngọ Môn đều có quầy vé, nhưng vé mua ở Thiên An Môn chỉ dùng để đi lên trên thành lầu Thiên An Môn mà thôi chứ không vào được Tử Cấm Thành. Du khách mới đến lần đầu hay dễ nhầm lẫn khi mua vé cổng ở đây.

Mọi nghi thức đại lễ đều diễn ra tại ngoại triều của Tử Cấm Thành. Nơi đây hoàng đế ngự trên ngai vàng, nghe các triều thần trình tấu và phán quyết vận mệnh của thần dân. Ngoại triều cũng là nơi cử hành lễ đăng quang của hoàng đế, sinh nhật và hôn lễ. Các điện lớn xếp thành một hàng thẳng, nhìn từ ngoài vào là Thái Hoà Điện - một trục chính nằm giữa Hoàng Cung. Hai bên xây dựng các điện đối xứng giống nhau. Điện phía Đông gọi là Văn Hoa Điện, điện phía Tây gọi là Võ Hoa Điện.

Nội triều

Nội triều là nơi ở của hoàng đế, cùng với hoàng gia và là nơi làm việc hàng ngày. Tại nội triều có điện Hiệp Hòa với 25 chiếc ghế bằng ngọc bích dành cho các đại thần và ngai vàng dành cho hoàng đế ngồi bàn việc nước. Điện Đại Hòa là nơi dành cho hoàng hậu với những bức rèm vải đỏ thêu chữ vàng ''song hỉ'' treo ở cửa ông. Điện Tinh Thiên là thư phòng của hoàng đế, nơi vua phê chiếu chỉ và cũng là nơi mà Từ Hi Thái Hậu đã từng khống chế hai đời vua nhà Thanh.

Vườn Thượng Uyển

Vườn Thượng Uyển được xây dựng vào năm 1417, trong đó có điện Thọ Hòa. Vào đời Từ Hi Thái Hậu, nơi đây được xây dựng thêm 6 tòa nhà theo kiểu Tây phương ở phía đông để đối xứng với 6 tòa nhà theo kiểu Trung Quốc ở phía tây. Cổng chính vào thành là cổng Thái Hòa, kế đến là Trung Môn trước khi vào ngoại triều, ở giữa là một quảng trường để dàn quân trong những đại nghi lễ.

Ngọ môn

Ngọ Môn là cửa chính ở phía Nam dẫn vào Cố cung, có hình chữ U, được sơn màu đỏ, cao 35,6 m, có 5 cổng vòm. Cổng vòm lớn ở giữa dành cho vua đi. Hoàng hậu được phép ngồi trên kiệu đi vào cổng này một lần duy nhất trong đời, đó là vào ngày hôn lễ của mình. Ba người đỗ đầu trong cuộc thi “Điện Thi” là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa được vua ban áo mão, cưỡi ngựa từ trong cung đi ra qua cửa một lần. Đó là niềm vinh dự lớn nhất đối với các sĩ tử trong thời phong kiến. Cổng vòm bên phía Đông dành cho đại thần, cổng vòm bên phía Tây dành cho hoàng tộc. Còn lại hai cổng vòm ngoài bìa bình thường không mở. Khi các sĩ tử vào ''Điện thi'', nếu mang số lẻ thì vào cổng ngoài bìa hướng đông, mang số chẵn thì vào cổng ngoài bìa hướng tây. Người dân tuyệt đối không được vào trong thành.

Bên trên Ngọ Môn có xây 5 toà thành lầu. Thành lầu ở giữa có hình chữ nhật, bốn thành lầu còn lại có hình vuông. Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy Ngọ Môn có hình con chim phượng với 5 toà lầu, vì thế Ngọ Môn còn có tên là Ngũ Phụng Lầu. Toà lầu phía đông đặt trống còn toà lầu phía tây đặt chuông. Khi vua đi tế tổ tiên ở Thái Miếu thì đánh trống, vì Thái Miếu ở phía đông, thuộc mộc. Khi vua đi tế ở Xã Tắc Đàn thì đánh chuông, vì Xã Tắc Đàn ở phía tây, thuộc kim. Khi vua lâm triều thì cả chuông, trống cùng được đánh lên.

Phía trước Ngọ Môn có một sân trống rộng lớn, có thể chứa được 20.000 người. Nơi đây dùng để tổ chức ăn mừng chiến thắng, lễ áp giải cống nạp tù binh, lễ công bố lịch năm mới... Thời xưa, vào những ngày lễ lớn trong năm, người ta kết nhiều đèn hoa rực rỡ tại Ngọ Môn. Vào ngày rằm tháng riêng, nhà vua thường thết đãi yến tiệc bá quan. Vào ngày tiết Lập xuân, tiết Đoan Ngọ, tiết Trùng Dương, vua ban tặng từng loại bánh theo ngày lễ đó. Ngày mồng một tháng mười âm lịch thì vua ban lịch năm mới. Khi làm lễ hiến tù binh, người ta đặt một chiếc bảo toạ trên Ngũ Phụng Lầu, các hướng dẫn tù binh vào trước sân, vua ngồi trên bảo tọa tuyên bố hành đại lễ.

Thời nhà Minh, Ngọ Môn cũng là nơi vua xử phạt những người nào làm trái lệnh vua. Thời nhà Thanh, bá quan văn võ thường đứng trước Ngọ Môn để chờ vua lâm triều. Xưa kia, Ngọ Môn là nơi xử tử hình tội nhân. Về sau, vì sợ ô uế hoàng cung nên tội nhân bị đem ra xử tử ở Tuyên Vũ Môn. Hai bên Ngọ Môn ngày nay có hai phòng bán vé, trước kia nơi này dùng làm nơi Cẩm Y Vệ thay phiên trực gác, hai dãy nhà hai bên đông tây là nơi Cấm Vệ quân đóng dày đặc.

Bên tay phải (hướng đông) cửa vào có quầy cho thuê máy thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Hàn... giới thiệu lịch sử và đặc điểm kiến trúc các cung điện trong Tử Cấm Thành. Du khách sẽ hoàn trả máy tại cổng bắc Thần Vũ Môn.

Bên trong Ngọ Môn có 5 chiếc cầu đá bắc ngang con lạch nhỏ. Đó là Nội Kim Thuỷ Kiều, chức năng cũng giống như Ngoại Kim Thuỷ Kiều ở trước cổng thành Thiên An Môn. Ở ngoài xa, hai bên đông và tây còn có Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Đông Hoa Môn là nơi để quan tài của vua, còn Tây Hoa Môn là cửa để cho các thành viên trong hoàng tộc đi ra ngoài.

Gần Tây Hoa Môn có cầu Đoạn Hồng Kiều. Tương truyền rằng tội nhân trong cung được dẫn đi qua cầu này, ra cửa Tây Hoa Môn để đến Ngọ Môn chịu xử tử. Một khi đã đi qua cầu này, thì việc xin tha tội đã không còn kịp nữa, vì thế Đoạn Hồng Kiều còn có tên là Đoạn Hồn Kiều.

Nằm trên trục tuyến giữa có ba toà điện lớn, đó là diện Thái Hoà, Trung Hoà và Bảo Hoà. Các điện đều có mái ngói lưu ly vàng. Màu vàng là màu chủ đạo trong Tử Cấm Thành, ngoại trừ Văn Uyên Các là nơi lưu trữ sách vở dễ bị phát hoả nên phải dùng ngói màu đen thuộc thuỷ để khắc chế với hoả. Ngoài ra, còn những nơi có mái ngói màu xám là nơi ở của đầu bếp, nghệ nhân, hoạn quan. Màu sắc ngói biểu thị cho vị trí xã hội của chủ nhân.

Thái Hoà Điện

Thái Hoà Điện là điện lớn nhất trong Tử Cấm Thành. Đây là nơi vua và các đại thần nghị sự, cử hành các đại lễ như tiết Đông Chí, lễ Tân Niên, lễ đăng quang, lễ sinh nhật vua, lễ công bố danh sách các sĩ tử đỗ dạt, lễ xuất quân ra trận... Trong những ngày đại lễ, Ngự Lâm quân đứng xếp hàng dài từ Thái Hoà Điện đến Thái Hoà Môn.

Thái Hoà Điện cao 35,05 m, nếu tính cả phần trang trí trên nóc thì cao tới 37,44 m, chiều ngang 63,96 m, chiều sâu 37,2 m. Điện có mái 2 tầng, có 72 cột chia là 6 hàng tạo thành 55 gian. Giữa điện đặt chiếc ngai vàng trên bệ cao 2 m, xung quanh có 6 cây cột nhũ vàng. Sàn nhà dược lót bằng 7 lớp gạch theo chiều dọc và 8 lớp gạch theo chiều ngang để phòng chống kẻ gian đào hầm vào ám sát vua. Gạch lót sàn nhà là loại gạch nung trong 136 ngày, sau đó ngâm vào trong dầu cây trẩu trong 49 ngày, nhờ đó mà viên gạch bóng loáng, đi rất êm chân.

Trên trần điện có treo một tấm kính lớn gọi là Hiên Viên kính. Trên đó người ta dùng thuỷ ngân để hoạ hình tám cặp lưỡng long tranh châu và một con rồng lớn ở giữa. Tục truyền rằng, tổ tiên người Hoa là ông Hoàng đế mang họ Hiên Viên, là người đầu tiên chế tạo ra chiếc kính bằng đồng và chiếc la bàn. Do đó, Hiên Viên kính là biểu tượng cho vị hoàng đế chính thống, những kẻ soán đoạt ngôi vị ngồi vào chiếc ngai vàng bên dưới lập tức Hiên Viên Kính sẽ rơi xuống giết chết người đó. Năm 1915, khi Viên Thế Khải tự xưng hoàng đế vị sợ Hiên Viên kính rơi trúng, ông đã cho dịch chiếc ngai vàng về phía sau.

Điện nằm trên nền đá cao 3 tầng, xung quanh có lan can bằng đá trắng chạm rồng phượng tượng trưng cho vua và hoàng hậu. Bên mép và các góc nền đá có hình đầu con Bá Hạ có tác dụng vừa trang trí vừa để làm đường thoát nước. Khi trời mưa, từ miệng thú phun  nước ra trông rất đẹp. Có tổng cộng 1142 đầu thú trong Tử Cấm Thành. Góc phía đông nền đá có đặt một cái đồng hồ bằng đá, góc phía tây có đặt cái đấu đong hạt bằng đồng. Hai vật này biểu tượng cho vua là người công bằng chính trực. Quanh điện có đặt 18 lư hương bằng đồng tượng trưng cho 18 tỉnh thời nhà Thanh.

Trên mỗi góc mái điện đều có hình tiên ông cưỡi chim phượng, tiếp theo là 10 thần thú, đó là Long, Phụng, Sư tử, Thiên Mã, Hải Mã, Toan Nghệ, áp Ngư, Hải Trãi, Đấu Ngư và Hàng Thập. Người ta tin rằng những con thú này có khả năng xua đuổi tà ma và đem lại hạnh phúc, bình an.

Số lượng thần thú trên mái ngói biểu thị cho mức độ quan trọng của ngôi nhà đó. Thái Hoà Điện là toà điện quan trọng bậc nhất cho nên có đầy đủ cả mười thần thú. Những cung điện kém quan trọng hơn thì trên nóc cũng có ít thần thú hơn như Càn Thanh cung có 9 con, Khôn Ninh cung có 7 con. Người ta bỏ bớt đi những con thần thú ở phía sau dần lên phía trước, chẳng hạn như bỏ Hàng Thập trước, rồi tới Đấu Ngư, Hải Trải...

Tử Cấm Thành chứa đựng hơn một triệu bảo vật quý hiếm là quà tặng hay vật triều cống của các chư hầu của thiên triều trong đó có cả chiếc xe đạp và một chiếc máy hát đĩa mà các sứ thần Tây phương tặng cho vua nhà Thanh vào đầu thế kỷ XX. Có rất nhiều tượng rùa bằng đá quý hay bằng đồng ở Tử Cấm Thành bởi vì rùa là tượng trưng của tuổi thọ, trong lúc đó trên nóc điện luôn được trang trí bằng những con rồng, vốn là biểu tượng của hoàng đế.

Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Quang Tự đã từ nhiệm năm 1912, nhưng cả hoàng gia và triều đình vẫn còn được phép cư ngụ ở đây. Đến năm 1924, ông cũng bị trục xuất và kể từ năm 1950, Tử Cấm Thành đã trở thành Bảo tàng viện Quốc gia. Đây là Bảo tàng viện lớn nhất và cũng được canh chừng cẩn mật nhất thế giới.

Di Hoà Viên

Đây là công viên Hoàng gia được xây dựng từ năm 1750 (năm Càn Long thứ 15). Khi Hoàng Thái hậu tròn 60 tuổi, vua Càn Long đã cho xây dựng Di Hoà Viên để làm quà mừng thọ mẹ.

Vườn có hai phần chính là núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh. Núi Vạn Thọ trước kia gọi là Ung Sơn, Ung có nghĩa là cái chum đá. Sau khi vua Càn Long đào đất ở hồ đắp cho núi to lên và đưa đá từ các nơi về ghép thành núi nhân tạo, núi được đổi tên thành núi Vạn Thọ. Phần mé núi về phía Nam là các lâu đài kim điện xây theo một trục đối xứng từ dưới lên, gồm có Bài Vân Môn, Kim Thuỷ Kiều, Nhị Cung Môn, Bài Vận Môn, Đức Huy Điện, Phật Hương Các, Chung Hương Giới. Phật Hương Các là lầu to cao nhất, nổi bật nhất trên núi Vạn Thọ. Trên núi có rất nhiều loại hoa thơm cỏ lạ toả mùi hương ngào ngạt khiến người ta tưởng như đi trong chốn bồng lai tiên cảnh và tận hưởng cảm giác phú quý vĩnh hằng. Phía Bắc núi là vườn đào Vạn Thọ.

Hồ Côn Minh trước đây gọi là Ung Sơn Bạc. Vua Càn Long đã cho xây dựng hồ này theo khuôn mẫu của Tây Hồ. Hồ có diện tích 220 ha, chiếm 3l4 diện tích công viên. Nước hồ luôn luôn trong xanh, ôm lấy núi Vạn Thọ, mặt nước lung linh ánh bạc soi bóng các cung điện trên núi. Giữa núi và hồ là hành lang có mái che dài 728 m với 273 gian nối liền nhau. Trên hành lang là hơn 8.000 bức tranh của các hoạ sĩ Trung Quốc phác hoạ cảnh và vật trong truyện ''Tam Quốc diễn nghĩa'', ''Tây du ký'', ''Hồng lâu mộng''... Ngày nay, Di Hoà Viên là nơi vui chơi nghỉ ngơi của nhân dân trong nước và du khách thế giới.

Di Hoà Viên nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kinh độ 10 km về phía tây bắc, thuộc quận Hải Điện. Xưa kia, Hải Điện là vùng đất ngoại thành rộng lớn với nhiều đồi núi, ao hồ, các vua chúa thường hay tổ chức đi ra đây để săn bắn. Tại đây có một ngọn đồi nhỏ vô danh, vốn là một dư mạch của dãy núi Tây Sơn. Thời Liêu - Kim, trên ngọn đồi này người ta xây dựng một toà nhà gọi là Kim Sơn, từ đó mà ngọn đồi này dần dần được nhiều người biết đến. Dưới chân hồ có một cái hồ nhỏ gọi là Kim Hải do nước từ suối Ngọc Tuyền, Long Tuyền... đổ vào. Năm 1153, vua Kim là Hoàn Nhan Lượng đã biến một phần của vùng đất này thành khu nghỉ dưỡng trong mùa hè và đặt tên hồ này là Kim Thuỷ Trì (hồ nước vàng).

Vào thời nhà Nguyên, nhằm cải tạo nguồn cung cấp nước ngọt cho kinh thành, vua Nguyên sai Quách Thọ Kính lãnh đạo công trình đào kinh dẫn nước từ Ngọc Tuyền Sơn đưa về Tích Thuỷ Đàm và Kim Hải. Lúc bấy giờ, Kim Sơn được đổi tên thành Ung Sơn, còn Kim Hải đổi thành Ung Sơn Bạc.

Đến thời nhà Minh, vùng đất này trở thành hoa viên của hoàng gia. Nơi đây bắt đầu xuất hiện một số công trình xây dựng như Vọng Hồ Đình (đình ngắm mặt hồ), Viên Tịnh Tự (chùa Viên Tịnh), Điếu Đài (nơi câu cá)... Công trình kiến trúc ở đây ngày càng nhiều, từ đó nơi đây mới có "Tây Hồ thập cảnh”.

Năm 1745, vua Càn Long nhà Thanh bắt đầu chia khu vực này thành Tam Sơn Ngũ Viên (ba ngọn núi, năm hoa viên) để làm nơi săn bắn. Năm khu vườn này được dặt tên là Sướng Xuân Viên, Viên Minh Viên, Tịnh Minh Viên (cả ba nằm tại Ngọc Tuyền Sơn ngày nay), Tịnh Nghi Viên (tại Hương Sơn ngày nay) và Thanh Y Viên (tại Vạn Thọ Sơn, ngày nay là Di Hoà Viên).

Kiến trúc tổng thể của Thanh Y Viên lúc bấy giờ được xây dựng mô phỏng theo cảnh sắc của vùng Giang Nam. Hồ Côn Minh là hình ảnh phản chiếu của Tây Hồ còn Tây Đê thì mô phỏng theo Tô Đê ở Hàng Châu, hay Giai Thú Viên (còn gọi là Viên Trung Viên, nghĩa là vườn bên trong vườn) nằm ở góc đông bắc được thiết kế theo kiểu Ký Sướng Viên của nhà họ Tần ở Vô Tích, hoặc Tô Châu Nhai ở phía sau núi tái hiện lại cảnh khu phố mua bán bên ven sông ở Tô Châu. Nhờ thế mà ngay tại Bắc Kinh, du khách vẫn có thể tận hưởng cảm giác như đang sống trong một khu vườn ở miền nam Trung Quốc.

Đặc biệt nhất là một số công trình xây dựng nổi tiếng trong nước cũng đã được vua Càn Long cho tái hiện tại đây như Cảnh Minh Lầu ở phía bắc Liễu Kiều của Tây Đê được xây mô phỏng theo Nhạc Dương Lầu ở Động ĐÌnh Hồ, hoặc Vọng Thiềm Các trên Nam Hồ Đảo phỏng theo Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Xương, còn Thập Thất Khổng Kiều (cầu 17 vòm) thì phỏng theo Lư Cầu Kiều, quận Phong Đài, tây nam Bắc Kinh. Công cuộc cải tạo và xây dựng Thanh Y Viên kéo dài đến 15 năm mới xong.

Năm 1860, khi liên quân Anh - Pháp đánh vào Bắc Kinh đã thiêu huỷ toàn bộ các cung điện trong hoa viên này. Sau đó, Từ Hy thái hậu muốn xây dựng lại hoa viên để hưởng lạc nhưng vì tài chính hạn hẹp và bị quần thần phản đối nên đành phải gác lại. Năm 1888, để lấy lòng Từ Hy thái hậu, Thuần Thần Vương Dịch Huyên (cha của vua Quang Tự) quyết định lấy phần ngân sách cấp cho hải quân đem đi xây dựng lại Thanh Y Viên và đổi tên thành Di Hoà Viên.

Từ đó, mỗi năm, bắt đầu từ tháng hai, Từ Hy thái hậu lại đến đây nghỉ mát, đến giữa tháng mười thì hồi cung. Vua Quang Tự sau khi thất bại trong cuộc cải cách năm 1898 cũng bị giam lỏng nơi đây một thời gian. Năm 1900, Di Hoà Viên lại bị liên quân tám nước phương Tây vào đột phá nhưng ngay sau đó, Từ Hy thái hậu lại cho xây dựng lại. Vào những năm cuối đời bà thường xuyên đến sống tại đây. Khi Từ Hy thái hậu mất, thái hậu Long Dụ đã cho đóng cửa Di Hoà Viên.

Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã lật đổ chế độ phong kiến nhà Thanh nhưng Di Hoà Viên vẫn còn thuộc quyền sở hữu của hoàng gia. Năm 1914, thái hậu Long Dụ cho phép mở cửa Di Hoà Viên cho mọi người vào thăm quan và thu phí. Năm 1925, khi vua Phổ Nghi cùng hoàng tộc bị ép buộc rời khỏi hoàng cung, Di Hoà Viên bấy giờ mới trở thành công viên.

Kể từ năm 1949, nhiều đợt sửa sang, bảo dưỡng được tiến hành định kỳ và thường xuyên. Ngay cả trong thời kì “Đại cách mạng văn hoá vô sản'', nhiều công trình văn hoá, di tích lịch sử... bị tàn phá nghiêm trọng nhưng riêng Di Hoà Viên vẫn được bảo vệ cẩn thận. Hàng ngày hoa viên này vẫn tiếp tục mở cửa cho công chúng vào xem.

Di Hoà Viên rộng 290 ha, trong đó mặt hồ chiếm diện tích gần 210 ha, bao gồm hồ Côn Minh, hồ Tây và Hậu Hồ. Phần còn lại là Vạn Thọ Sơn và các công trình kiến trúc xung quanh. Vườn có bốn cửa đông, tây, nam, bắc. Đông Cung Môn được xem là cửa chính bởi vì trên cổng có treo bảng khắc ba chữ "Di Hoà Viên''. Chữ "Di Hoà” lấy từ ý chỉ của vua Quang Tự muốn cho thái hậu ''Di dương xung hoà'' (nuôi dưỡng sự ôn hoà) mà cho xây dựng hoa viên này. Bậc thềm ở chính giữa là một phiến đá chạm hình lưỡng long tranh châu được chế tác từ thời vua Càn Long. Trước kia phiến đá này đặt ở Viên Minh Viên, về sau nó được dời về đây.

Ở hai bên cửa vườn có đặt hai con sư tử bằng đồng cũng được đúc từ thời vua Càn Long để trừ tà đồng thời cũng là để biểu thị uy lực. Con đực đặt chân lên quả cầu, biểu thị uy quyền, sức mạnh. Con cái đặt chân lên con sư tử con, biểu thị sự an vui, hạnh phúc. Chúng được xếp đặt theo quy tắc “nam tả, nữ hữu'', lấy từ hướng bên trong nhìn ra ngoài. Do đó, khi vua ngồi nhìn về hướng nam thì bên tay trái của vua là hướng đông, theo Bát quái đồ thị phương vị này thuộc quẻ Chấn tượng trưng cho nam giới, còn bên tay phải của vua là hướng tây, thuộc quẻ Đoài tượng trưng cho thiếu nữ. Vì thế mà con đực luôn được đặt bên tay trái còn con cái thì được đặt bên tay phải. Khi Từ Hy thái hậu đến Di Hoà Viên bằng đường bộ thì kiệu của bà được khiêng qua cổng này.

Trong cấu trúc và bố cục của Di Hòa Viên, hai yếu tố thiên nhiên quan trọng là mặt nước và núi non. Mặt nước của hồ Côn Minh cùng với Nam Hồ và Tây Hồ chiếm đến ba phần tư diện tích của cả quần thể. Và đi liền với nó là hàng loạt các cây cầu với những kiến trúc và hình dáng không hề trùng lập ngày đêm soi bóng dưới mặt hồ.

Ngăn cách giữa hồ Côn Minh và Tây Hồ, Nam Hồ về phía Tây là một khúc đê dài. Giữa Tây Hồ còn có thêm một khúc dê nhỏ ngăn hồ ra làm hai mảnh Nam, Bắc. Việc ngăn chia này chẳng những khiến cho mặt hồ thêm sắc mà còn tăng thêm cảm giác về chiều sâu của hồ, nối liền với đồng cỏ, núi đồi phía xa, khiến cho không gian như được kéo ra rộng mãi.

Nằm rải rác trên con đê phía Tây là 6 cây cầu lớn nhỏ với những hình dáng khác nhau hòa hợp cùng màu cùng sắc với phong cảnh thiên nhiên.

Trong số 6 cây cầu này thì cầu Ngọc Bích là cây cầu nổi tiếng nhất trên khúc đê phía Tây với đường nét mảnh mai uốn cong vút vươn cao rất ấn tượng. Dáng vẻ của cầu khi soi bóng xuống mặt nước tạo nên một hình tròn viên mãn với sắc trắng nhạt như một chiếc vòng ngọc bích khổng lồ trang trí trên mặt hồ.

Có thể nói con đê phía Tây là nơi tụ họp của những cây cầu đẹp bởi ngoài những cây cầu trên là cầu Cầu Vồng với Tứ Diện Lầu được trang trí vô cùng tinh xảo, cầu Gương với lầu bát giác, cầu Bình Phong với bộ mái hai tầng phủ trên một mặt bằng hình chữ nhật như một bình phong che chắn cho cụm kiến trúc. Lầu Phật Hương phía xa ở phần giữa phía Nam hồ nổi lên một đảo nhỏ, nơi đặt miếu Long Vương với những kiến trúc thấp nhỏ, dàn trải khắp bề mặt đảo tạo nên một đối cảnh với lầu Phật Hương đồ sộ trên triền núi Vạn Thọ.

Nối hòn đảo này với bờ phía Đông là chiếc cầu Mười Bảy Vòm rộng lớn dài 50 mét và là cây cầu dài nhất ở Di Hòa Viên. Hình dáng và độ dài của cây cầu như một dải lụa vắt ngang giữa mặt hồ trong xanh với lầu bát giác ven bờ như hình ảnh của một con rồng đang đùa giỡn với sóng nước, mây trời. Dáng vẻ của nó, nằm giữa một không gian bao la, làm cho hồ Côn Minh càng thêm vẻ tráng lệ huy hoàng.

Cùng với những đình tạ, cầu trong Di Hòa Viên là những kiến trúc nhỏ tô điểm thêm cho vẻ đẹp của công viên hoàng gia này. Sự điểm xuyết của nó giữa một vùng hồ nước bát ngát mênh mông gợi lên một khung cảnh đầy chất thơ của nghệ thuật vườn Trung Quốc, dù nó mang những ảnh hưởng của cảnh sác Tây Hồ vùng Giang Nam.

Năm 1998, Di Hoà Viên được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Ngày nay, Di Hoà Viên là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh, thu hút đến hơn 6 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm.

Vạn Lý Trường Thành

Dài hơn 5000 km, Vạn Lý Trường Thành đi qua các dãy núi cao của phương Bắc, nối liền 6 tỉnh của Trung Quốc từ Sơn Hải 10.000 dặm mỗi, mỗi dặm Trung Quốc bằng 1l2 km). Trước Tần Thuỷ Hoàng, các nước cũng đã xây thành để chung giặc phương Bắc. Sau khi đánh bại các nước và thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng cho xây nối liền các tường thành của các nước lại với nhau cũng để chống giặc phương Bắc. Thành cao 6 m, trên mặt thành rộng 4 m để quân sĩ có thể đi lại dễ dàng. Trên mỗi đoạn thành qua các đỉnh núi cao đều có xây các tháp canh cao, mặt bằng đỉnh tháp có xếp củi để khi giặc đến thì đốt lửa làm hiệu thông báo cho nhau.

Trước đây, Vạn Lý Trường Thành là biên giới nhà Tần với phương Bắc, ngày nay thành nằm giữa trung tâm vùng Đông Bắc vì sau khi đánh bại nhà Tống, nhà Nguyên (Mông Cổ) đã cho mở rộng đất đai ra khắp châu Á và thế giới, trong đó có cả đất Trung Quốc. Sau này khi nhà Nguyên đổ thì đất phương Bắc gộp lại thành đất Trung Quốc.

Để xây Vạn Lý Trường Thành, người dân Trung Hoa phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt. Đã có rất nhiều câu chuyện vợ chồng chia lìa, gia đình tan nát vì đi phu xây dựng Trường Thành. Khách du lịch đến thăm Vạn Lý Trường Thành rất đông. Trung Quốc có câu: ''Bất đáo Trường Thành phi hảo hán'' có nghĩa là chưa đến được Trường Thành thì không phải là người hảo hán, do đó khách du lịch đến Trung Quốc ai cũng cố gắng đến thăm Vạn Lý Trường Thành.

Thập tam lăng và cung điện ngầm

Khu lăng tẩm của 13 Hoàng đế triều Minh nằm cách Bắc Kinh hơn 59 km về phía tây bắc. Nơi đây nổi tiếng nhất là Định Lăng và Trường Lăng. ''Cung điện ngầm'' là chỉ Định Lăng trong khu lăng mộ các Hoàng đế nhà Minh. Triều Minh (1368 - 1644) kéo dài 296 năm, có tất cả 16 Hoàng đế. Hai Hoàng đế đầu tiên, trong đó có Chu Nguyên Chương, người lập nghiệp nhà Minh được mai táng ở Nam Kinh. Đến năm 1421, Minh Vĩnh Lạc bắt đầu dời đô lên Bắc Kinh. Từ đó đến đời Sùng Trinh cuối cùng là 14 Hoàng đế. Trừ Hoàng đế Cảnh Thái sau khi chết chôn ở núi Kim Sơn, 13 Hoàng đế còn lại đều được chôn cất ở núi Thiên Thọ huyện Xương Bình, đó là khu Thập Tam Lăng.

Thập Tam Lăng có chu vi khoảng 40 km, ba mặt bắc, đông, tây đều là núi. Trên đường vào Thập Tam Lăng phải qua một cổng trào bằng đá 5 cửa, cao 29 m. Cổng trào này có 6 cột đá chạm trổ rồng mây rất tinh xảo. Qua cổng trào là đường Thần đạo dài 7 km thông với các lăng. Trên đường Thần đạo cách Đại Hồng Môn khoảng 500 m là đỉnh bia trong đó có tấm bia lớn ghi "Đại Minh Trường Lăng thần công thánh Đức''. Bia còn khắc 3500 chữ ghi chép quá trình dựng lăng xung quanh đình bia có 4 cột Hoa Biểu. Hai bên đường Thần đạo có 12 cặp thú đá (gồm sư tử, trĩ, lạc đà, voi, kì lân, ngựa) và 12 tượng người đá gồm 4 quan văn, 4 quan võ, 4 công thần, tất cả đều đứng thành từng cặp đối diện nhau.

Bố cục kiến trúc 13 lăng tương đối giống nhau. Lăng lớn nhất và được xây dựng đầu tiên là Trường Lăng, là nơi chôn cất Minh Thành Tổ Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ và Hoàng hậu Từ Thị. Mỗi lăng đều có điện thờ đặt bia gọi là Minh Lầu. Sau điện thờ là núi, trên núi trồng tùng bách, dưới núi là địa cung. Xung quanh một số núi được bao bọc bởi bức tường thành xây dựng bằng gạch gọi là Bảo thành. Ở đây có điện Lăng Ân trong khu Trường Lăng, quy mô bề thế như điện Thái Hoà. Trong điện có 32 cột, mỗi cột là một cây gỗ Nam mộc, đây là điều đặc sắc nhất của khu Trường Lăng. Diềm mái, cột, cửa, cánh cửa, khung cửa, mái đều làm bằng loại gỗ Nam mộc cứng như sắt.

Định Lăng nằm ở phía tây Trường Lăng, dưới chân núi Đại Cốc. Nhìn bề ngoài Định Lăng cũng giống như các lăng khác, nhưng điều kì diệu đã xảy ra vào năm 1956, từ mặt tường phía Đông Nam, người ta phát hiện thấy hình chiếc cửa vòm lộ ra sau lớp gạch tương lâu ngày bị vỡ. Khi mở một con đường hầm vào chính giữa cửa vòm ấy thì phát hiện thấy một đường ngầm xây bằng gạch. Họ tiếp tục đào một đường hầm thứ 2 từ sau điện thờ vào sâu trong núi. Đào sâu xuống 7,5 m thì phát hiện thấy một tấm bia đá nhỏ ghi: “Từ bia đến lớp tường kim cương 16 trượng sâu 3 trượng 5 thước''. Từ đó Định Lăng còn có tên là Cung điện ngầm.

Cung điện ngầm được xây dựng ở độ sâu cách mặt đất 27 m, với điện tích 1195 m2, có kiến trúc theo hình chữ T. Tường điện xây bằng đá trắng, trên đình cũng cuốn bằng đá, hoàn toàn không có cột. Cung gồm 5 toà đại điện, kiến trúc cuốn vòm. Điện trước và điện giữa từ nền lên nóc cao 7,2 m, rộng 6 m, dài 58 m. Nền điện được lát bằng loại gạch đặc biệt do một xưởng gạch ở Giang Nam chuyên sản xuất để cung cấp cho nhà vua.

Điện giữa có 3 bàn thờ tạc bằng đá trắng, trước mỗi bàn thờ có đặt một thống lớn bằng sứ, trong thống đựng dầu để đốt đèn gọi là đèn Trường Minh, ngoài ra còn có lư hương, lọ hoa... Thống sứ lớn được tráng men trắng, vẽ rồng mây màu xanh tuyệt đẹp.

Hai gian điện hai bên cũng xây theo kiểu tường đá mái cuốn hẹp hơn điện giữa một chút. Điện trong cùng lớn nhất là bộ phận chủ yếu của cung điện dưới đất, cao 9,5 m, rộng 9,1 m, dài 30,1 m, nền lát đá hoa ban. Trên bệ đặt ba quan tài Hoàng đế Vạn Lịch, tức Hoàng đế thứ 13 đời Minh, hai bên là hai quan tài của hai Hoàng hậu, xung quanh có 26 hòm đồ đạc chôn theo.

Các điện thờ bên trong đều được thông với nhau. Lối cửa chính điện và hai điện bên đều có hai cánh cửa bằng đá. Cánh cửa chính rộng 1,7 m, cao 3,3 m, đều làm từ đá nguyên khối, nặng 4 tấn, có đóng 9 hàng khuy đồng. Bên trong cửa có chốt bằng đá. Sau khi đưa quan tài vào và đóng cửa thì chốt đá tự động chốt lại, bên ngoài không mở được. Hơn 2000 đồ vật quý giá được chôn theo, như đồ dùng hàng ngày của vua, mâm thau, bình đựng rượu, chén bát bằng vàng bạc được chạm trổ tinh xảo

Đồ trang sức chôn theo đều bằng ngọc quý, trân châu mã não. Nhiều đồ vật bằng vàng có khắc trọng lượng, tên người và ngày tháng cống vua. Quý nhất là chiếc mũ của Hoàng đế được dệt bằng sợi vàng có hình hai con rồng châu đầu vào nhau và chiếc mũ của một trong hai Hoàng hậu có 6 con rồng và 3 con phượng đều bằng vàng, có hơn 100 viên ngọc bích và 5000 viên ngọc trai.

Thiên An Môn

Thiên An Môn từ trước đến nay vẫn được xem là trung tâm của thành phố Bắc Kinh cả về mặt địa lí lẫn về mặt chính trị. Thiên An Môn thực chất là tên của cổng chính của vòng tường thành thứ hai có tên gọi là Hoàng Thành. Vòng tường thành này cũng như vòng tường thành bên ngoài đã bị phá dỡ từ sau năm 1949. Bức tường Hoàng Thành này bao bọc vòng tường thành thứ ba ở trong cùng, đó là Tử Cấm Thành, nơi tập trung quyền lực tối cao của Trung Quốc trong thời phong kiến.

Cổng thành và thành lầu Thiên An Môn

Cổng thành Thiên An Môn được xây dựng đầu tiên vào năm 1417, lúc Bắc Kinh được chọn làm kinh đô trong thời nhà Minh. Lúc đó Thiên An Môn có tên là Thừa Thiên Môn, nghĩa là “theo ý trời'' để giải thích việc vua Vĩnh Lạc soán đoạt ngôi của cháu mình và dời đô về Bắc Kinh là "theo ý của trời”.

Ở hai bên Thừa Thiên Môn lúc bấy giờ có hai cổng thành nằm cắt ngang đường Trường An ngày nay. Vị trí của chúng tương đương với trước cổng nhà Văn hoá Nhân dân Lao động và cổng công viên Trung Sơn. Đó là Trường An Tả Môn (hay Long Môn) và Trường An Hữu Môn (hay Hổ Môn). Long Môn là cổng cho các sĩ tử thi đỗ Điện Thí đi qua, còn Hổ Môn là nơi xe tù chở các tội nhân đi qua. Thời nhà Thanh, do sợ ô uế hoàng cung nên nhà vua cho đem các tội nhân ra hành hình ở khu vực Thành Ngoại trước cổng Tuyên Vũ Môn, nơi có đặt một tấm bia đá khắc ba chữ ''Hậu hối trì'' (hối hận thì đã muộn).

Trong cuộc chiến vào cuối thời nhà Minh, Thừa Thiên Môn bị hư hại nặng và được khôi phục lại vào đầu thời nhà Thanh vào năm 1651. Khi đó cổng thành được đổi tên là Thiên An Môn để biểu thị ước muốn bình an mãi mãi cho triều đại nhà Thanh.

Thiên An Môn là một trong số ít cổng thành có xây lầu ở bên trên mà người Hoa gọi là “thành lầu”. Thành lầu bằng gỗ, có mái cong 2 tầng, lợp ngói phủ men vàng, cột sơn màu đỏ. Tổng chiều cao của thành lầu là 34,7 m, chiều ngang từ đông sang tây có 9 gian, chiều sâu từ nam sang bắc có 5 gian. Số 9 và số 5 là hai con số đặc biệt quan trọng trong thuyết Âm Dương. Số 9 là số lớn nhất trong dãy chuỗi số, còn số 5 nằm ở giữa dãy chuỗi số. Hai số này biểu tượng cho ngôi "Cữu ngũ chi tôn'', vì vua là nhân vật trung tâm và cao quý nhất.

Từ trên thành lầu ta có thể nhìn thấy cảnh sắc tuyệt vời của thành phố. Nhìn về phía nam là quảng trường Thiên An Môn, đài liệt sĩ, lăng chủ tịch Mao Trạch Đông và xa hơn là Tiền Môn và con đường Tiền Môn. Nhìn về phía bắc là Tử Cấm Thành, xa hơn là 5 ngôi đình trên đồi than của công viên Cảnh Sơn. Bắc Kinh được xây dựng theo thế đối xứng nên ta có thể thấy những kiến trúc xây dựng giống nhau nằm ở hai bên đông tây của trục giữa theo hướng nam bắc.

Hình ảnh Thiên An Môn đã được dùng làm biểu tượng quốc gia. Người ta có thể nhìn thấy biểu tượng này ở khắp mọi nơi, từ trên mũ của cảnh sát đến sách giáo khoa của trẻ em và trên những chiếc vé vào cổng.

Cột Hoa Biểu

Đứng trước thành lầu Thiên An Môn hùng vĩ, đối diện là quảng trường với những công trình xây dựng đồ sộ có hai cột đá dựng bên ngoài ở hai bên cổng thành, đó là cột Hoa Biểu. Từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn, người ta đã biết xây dựng cột Hoa Biểu bằng gỗ để làm cột mốc đánh dấu ranh giới đất đai, dấu tích lăng mộ, làm cột định hướng xây cất nhà. Về sau, cột Hoa Biểu được làm bằng đá. Chúng dần mất đi ý nghĩa ban đầu mà chỉ còn tác dụng như vật trang trí.

Những cột Hoa Biểu ở Thiên An Môn làm bằng đá nặng 10 tấn, quanh cột có khắc chạm hình rồng mây. Trên đỉnh cột có khắc hình một con vật bằng đá gọi là "Hống'' ngồi hướng mặt ra ngoài với ý nghĩa ''Vọng quân quy'' (mong vua đừng quá ham vui chơi mà hãy mau quay trở về hoàng cung để chăm lo việc triều chính). Phía bên trong cổng thành cũng có hai cột Hoa Biểu nhưng hai con thú lại nhìn vào trong cung với ý nghĩa “Vọng quân xuất''  (mong vua đừng quá mải mê ở trong cung hưởng lạc mà hãy đi ra ngoài để biết thực tế đời sống khổ cực của nhân dân). Dưới chân của mỗi cột Hoa Biểu là lan can bằng đá trắng, xung quanh là bốn con sư tử đứng thành đôi, con đực bên trái và con cái bên phải.

Quảng trường Thiên An Môn

Phía trước cổng thành là quảng trường Thiên An Môn. Các quảng trường trên thế giới như quảng trường Đỏ ở Moscow, quảng trường Time ở New York hay quảng trường Trafagar ở London. .. đều không thể so sánh tầm vóc quy mô với quảng trường Thiên An Môn. Quảng trường có chiều ngang 500 m từ đông sang tây, chiều dài 880 m từ bắc xuống nam. Đây là quảng trường rộng nhất thế giới, đủ chỗ cho một triệu người cùng đứng.

Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, phần phía đông của quảng trường là nơi đặt các phủ, bộ như bộ lễ, bộ hộ, bộ công, bộ binh, bô sử, Tông Nhân phủ, thái y viện. Phần phía tây là nơi ở của Cẩm Y Vệ, phủ đô đốc ngũ quân là tiền, trung, hậu, tả, hữu quân.

Thời bấy giờ, quảng trường được bao quanh bằng những bức tường đỏ, có hai cửa ở hai bên đông và tây. Nền được lát bằng những phiến đá và có hai con đường chạy dài từ hai bên thành lầu Thiên An Môn đến Tiền Môn, gọi là Thiên Bộ Lang. Kể từ năm 1949 trở về sau, quảng trường được sửa sang lại nhiều lần, nhất là vào những năm 1958, 1976 và 1981.

Từ quảng trường này, người ta có thể đi đến những khu phố buôn bán lớn ở Bắc Kinh, chỉ cách Thiên An Môn khoảng 1,5 - 2 km. Đó là khu phố Vương Phủ Tỉnh ở hướng đông, Tây Đơn ở hướng tây, Tiền Môn và Đại Sách Lan ở hướng nam.

Cắt ngang giữa thành và quảng trường là  đại lộ Trường An chạy dài từ đông sang tây. Xưa kia nó chỉ là con đường nhỏ, kéo dài từ Đông Đơn đến Tây Đơn, dài 3,7 km, rộng 15 m. Thời kì chống Nhật, để thuận tiện đi lại, bức tường Nội Thành ở hai đầu đường Trường An bị đục phá tạo thành 2 cổng thành mới là Kiến Quốc Môn (phía đông) và Phục Hưng Môn (phía tây). Chính vì thế mà trên đường Trường An, đoạn từ Đông Đơn đến Kiến Quốc Môn và đoạn từ Tây Đơn đến Phục Hưng Môn còn có tên là đường Kiến Quốc Môn Nội và đường Phục Hưng Môn Nội, vì chúng nằm bên trong Nội Thành.

Giờ đây, tuy cổng thành Kiến Quốc Môn và Phục Hưng Môn không còn nữa nhưng tại đây nhà nước cho xây một biểu tượng hình cầu vồng ngũ sắc, ban đêm ánh đèn nhấp nháy trông rất đẹp. Từ năm 1958, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục cho mở rộng con đường này, khởi đầu từ Bát Lý Trang ở quận Thông Châu phía đông và kết thúc ở quận Thạch Cảnh Sơn phía tây. Đường rộng trung bình 50 m, nơi rộng nhất là 120 m với tổng chiều dài 38,4 km.

Vào những ngày đẹp trời, người dân Bắc Kinh đến quảng trường hóng mát, trò chuyện và thả diều. Diều được làm với nhiều hình dáng khác nhau như hình con chim, bướm, rồng,.. với kích cỡ từ nhỏ hơn lòng bàn tay đến lớn bằng cả hai cánh tay giang ngang và chiều dài có khi đến hơn một cây số.

Đài liệt sĩ

Đứng sừng sững giữa quảng trường là đài liệt sĩ được xây dựng để tôn vinh những người đã hi sinh cho cuộc chiến chống giặc ngoại xâm và cho độc lập quốc gia. Tấm bia liệt sĩ bằng đá hoa cương, nếu tính cả nền móng 2 tầng thỉ cả bia và đài cao đến 37,4 m. Đài liệt sĩ được khởi công xây dựng vào năm 1952 và hoàn tất vào năm 1958. Để phù hợp với kiến trúc hoàng cung đối diện, đài liệt sĩ cũng được xây dựng theo kiểu truyền thống, có lan can bằng đá trắng và những bức phù điêu ở dưới chân đài. Mặt trước là mặt phía bắc của đài khắc chữ vàng của cố chủ tịch Mao Trạch Đông “Nhân dân anh hùng vĩnh thuỳ bất hủ'', mặt phía nam là một bài văn của cố thủ tướng Chu Ân Lai.

Dưới chân đài là 10 bức phù điêu mô tả những sự kiện lớn trong thời kì cách mạng từ 1840 đến 1949. Trình tự các sự kiện được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ mặt phía đông. Mặt đông có bức Hổ Môn toả (cuộc thiêu huỷ nha phiến ở Hồ Môn, tỉnh Quảng Đông từ 1830 - 1842) và bức Kim Điền khởi nghĩa (cuộc khởi nghĩa của Thái Bình Thiên Quốc ở Kim Điền, tỉnh Quảng Tây từ 1851 - 1864). Mặt phía nam có Tân Hợi cách mệnh (cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Hồ Bắc), Ngũ Tứ vận động (phong trào Ngũ Tứ xảy ra ngày 5l4l1919 tại Bắc Kinh) và Ngũ Tạp vận động (phong trào công nhân ngày 30l5l1925 ở Thượng Hải). Mặt phía tây có Nam Xương khởi nghĩa (cuộc khởi nghĩa ở Nam Xương 1927) và Kháng Nhật chiến tranh (kháng chiến chống Nhật 1937 - 1945). Mặt bắc có chi viện tiền tuyến (chuyển lúa gạo ra tiền phương), bách vạn hùng sự độ trường giang (trăm vạn sư đoàn oai hùng vượt sông Trường Giang năm 1949) và bức Giải phóng quân vạn tuế.

Thiên đàn

Thiên Đàn là di tích kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật vào bậc nhất của thành Bắc Kinh Trung Quốc, là thánh địa tế trời của hai triều Minh - Thanh, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 dưới triều Minh (1420) ở cửa Vĩnh Định của kinh thành Bắc Kinh. Thiên Đàn có quần thể kiến trúc quy mô, đồ sộ với diện tích hơn 4000 ha.

Là nơi các ''thiên tử” tiến hành lễ tế trời nên nơi đây trở nên hết sức thiêng liêng. Điện Kỳ Niên và Viện Khâu là các kiến trúc chủ thể trong quần thể kiến trúc Thiên Đàn. Đài Viện Khâu có hình tròn gồm 3 tầng được xây dựng bằng đá Hán Bạch Ngọc, xung quanh gò là hai lớp tường bao, tường trong hình tròn, tường ngoài hình vuông biểu hiện cho trời tròn đất vuông. Giữa bốn mặt của hai bức tường bao đều có các ô cửa hình ngôi sao bằng đá trắng. Kề sát với Viện Khâu là Hoàng Huyền Vũ, một tòa điện nhỏ hình tròn lợp ngói lưu ly màu lam, nơi đây có đặt bài vị của Hạo Thiên Thượng Đế.

Cùng với Viện Khâu, điện Kỳ Nam là một công trình kiến trúc nghệ thuật tinh diệu nhất trong quần thể kiến trúc Thiên Đàn. Mái điện có ba tầng, nóc điện được làm theo kiểu hình chóp truyền thống. Đây là công trình kiến trúc kết cấu bằng gỗ điển hình của Trung Hoa. Nếu đá Hán Bạch Ngọc của Viên Khâu rộng rãi, khoáng đạt cùng với cả tòa tạo nên một chỉnh thể kiến trúc uy nghi, hùng vĩ thì Điện Kỳ Niên và Hoàng Huyền Vũ tuy hình dáng, màu sắc tương tự như nhau nhưng quy mô lớn nhỏ khác nhau, xen giữa đám tùng xanh tốt xum xuê tạo nên một không khí tĩnh mịch thâm nghiêm cho Thiên Đàn.

Quần thể kiến trúc Thiên Đàn còn là một nét tinh hoa trong nghệ thuật trang trí. Đây là một di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử không kém Di Hòa Viên, công viên Bắc Hải, là địa chỉ rất hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Đền Fayuan

Đền Fayuan được xây dựng vào năm 696, là ngôi đền cổ nhất tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đền được vua Thái Tông đời nhà Đường (618 - 907) cho xây dựng để tưởng nhớ đến những người lính tử trận trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc.

Trải qua hàng ngàn năm, chiến tranh, hoả hoạn và cả động đất đã phá hủy nhiều kiến trúc của ngôi đền. Đền đã được trùng tu nhiều lần và được bảo tồn cho đến ngày nay.

Đại sảnh dành cho Vua là kiến trúc chính của ngôi đền. Bên ngoài đền trồng rất nhiều hoa cỏ, đặc biệt có rừng đinh hương với khung cảnh cực kỳ đẹp đẽ, thoáng đãng.

Ngày nay, Fayuan là điểm di tích văn hóa chính và là trụ sở của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.

Trụ cổng đá - Nét cổ Bắc Kinh

Các trụ cổng ở Bắc Kinh (Trung, Quốc) có tạo hình rất đa dạng: hình trụ tròn, hình vuông, hai tầng, ba tầng, chạm trổ thành hình súc vật hoặc không. Những nét chạm trổ đó rất cầu kỳ và có liên quan trực tiếp đến chủ nhà, ví dụ như trụ cổng có hình con sư tử là những gia đình trong Hoàng tộc và quan phủ; trụ cổng hình trống là của quan thần; trụ cổng hình chữ nhật có hoa văn là những gia đình giàu có; trụ cổng hình chữ nhật không có hoa văn là những hộ trung lưu; trụ cổng bằng đá thô và bằng gỗ là những gia đình bình thường.

Trong con mắt của những người hiện đại thì những trụ cổng kia không chỉ là một vật trang sức trước cổng của những gia đình thời xưa mà còn là hơi thở dân gian, là những ước muốn được sống lâu, được giàu có, được hưng thịnh mà con người gửi gắm vào đó. Những hình vẽ trên trụ cổng đá có thể phân nhỏ ra thành mấy trăm loại ''Cửu đại đồng đường'', ''Sư tử tú cầu'' ''Tam dương khai thái” và ''Lục hợp đồng xuân''. Người Bắc Kinh xưa gọi những trụ cổng đá là đá hồn, đá sống. Những phiến đá bình thường vô tri vô giác, nhưng những trụ cổng đá kia thì luôn được con người trau chuốt, đẽo gọt để trở nên trơn tru, tràn đầy sức sống, mang lại sự may mắn cho gia chủ.

Công viên Bắc Hải

Chạy suốt mặt phía Tây của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh là một dải công viên rộng lớn mang tên Bắc Hải, Trung Hải và Nam Hải. Ngày nay, Trung và Nam Hải trở thành nơi ở và làm  việc của các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc. Riêng Bắc Hải vẫn là một công viên công cộng của trung tâm thành phố Bắc Kinh với khá nhiều di sản kiến trúc nằm bên trong.

Hệ thống công viên Bắc, Trung, Nam Hải đã được hình thành từ hơn 1.000 năm trước, khi đó là những vườn Thượng Uyển của nhà vua và hoàng gia của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Dưới thời Minh và Thanh, chúng được coi là ba trong số những khu vườn Thượng Uyển đẹp nhất ở Bắc Kinh. Trong 3 công viên này thì Bắc Hải nổi tiếng nhất với một mặt nước trải rộng khoảng 68 ha bao ôm lấy một hòn đảo lớn, là nơi hội tụ của hàng loạt các kiến trúc như đền đài, dinh thự, lầu gác, chùa tháp... Nổi bật giữa một màu xanh bạt ngàn của cây xanh và mặt nước là tháp chùa Bạch Tự nhô cao đột khởi với một màu trắng thanh cao trên điểm cao nhất của hòn đảo. Ngọn tháp cao 35,9 m nên có thể nhìn thấy được từ mọi hướng và là điểm nhấn quan trọng cho tổng thể của công viên. Hòn đảo này nối với phần phía trước của công viên nhô ra như một cù lao với những kiến trúc được xây bao theo hình vòng cung bằng một cây cầu đá trắng chạm trổ tinh vi và khá cầu kỳ.

Quần thể kiến trúc phía trước có một pho tượng bằng ngọc bích toàn khối vô cùng quý giá tạc dáng Phật ngồi trong tư thế tọa thiền cực kỳ sinh động. Trải khắp công viên là vô số các đình tạ mà đặc biệt nhất là Ngũ Long Đình bao gồm 5 tòa nhà lợp ngói lưu ly, sơn son thếp vàng nằm duyên dáng trên mặt hồ và được nối với nhau bằng những cầu đá uốn khúc nhịp nhàng. Không chỉ là nơi du sơn ngoạn thủy của vua chúa, trong công viên này, người ta còn cho xây dựng một khu vườn mang tên Tĩnh Tâm Trai với những kiến trúc lầu gác nhẹ nhàng, tĩnh lặng đan xen với những giả sơn và hang động, mặt nước và cây xanh... vô cùng phong phú. Biểu tượng của nhà vua được thể hiện rất hùng tráng bằng một bức phù điêu lớn ở phía bắc của công viên đắp nổi hình ảnh 9 con rồng với những tư thế và màu sắc hoàn toàn khác nhau đang uốn khúc cực kỳ sinh động.

Công viên Bắc Hải là một mẫu mực của nghệ thuật vườn cảnh truyền thống của Trung Quốc với đầy đủ các thành phần mặt nước, núi đồi, cây cỏ, đình tạ... vô cùng phong phú và hấp dẫn. Nơi đây còn được coi là vườn Thượng Uyển sớm nhất các triều đại phong kiến Trung Hoa còn hiện tồn.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556161294395987/Du-lich/Thu-Do-Bac-Kinh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận