Thành phố Tô Châu
Tô Châu là một thành phố cổ kính nằm ở phía tây bắc thành phố Thượng Hải. Từ sân bay Thượng Hải tới Tô Châu chỉ mất chưa đến 1 giờ xe chạy trên đường cao tốc. Đây là một mảnh đất địa linh nhân kiệt với trên 2500 tuổi. Từ thế kỷ XIII Tô Châu đã có trường đại học. Từ đời nhà Đường đến đời nhà Thanh, nơi đây đã sản sinh ra 50 trạng nguyên và trở thành vùng đất có nhiều trạng nguyên nhất ở Trung Quốc.
Tô Châu xinh đẹp và quyến rũ với những phố cổ mái nâu, tường trắng, những cây cầu duyên dáng, những tháp chuông chùa thấp thoáng sau rặng ngân hạnh lấp lánh như dát bạc.
Thành phố này giàu đẹp ngay từ cái tên: chữ Tô trong tên thành phố nghĩa là "cá'' và Châu là ''gạo". Nằm ở Đông Nam tỉnh Giang Tô, thuộc vùng đất màu mỡ nhất châu thổ sông Dương Tử (tây giáp Thái Hồ, đông sát Thượng Hải, nằm kề Chiết Giang), Tô Châu từ xưa đã lừng danh là “thiên đường nơi hạ giới''.
Thành phố có trên 5,5 triệu dân mà GDP năm 2000 là 154 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 16 tỷ đô-la; thu nhập bình quân 3200 đô-la/người/năm. Thành phố Tô Châu có rất nhiều sông ngòi, ao hồ nên được coi như Vơ- ni-dơ của Trung Quốc. Khu phố cổ của Tô Châu được giữ nguyên trong phạm vi 14,2 km2. Những khu phố mới, khu công nghệ cao được phát triển về hai phía Đông và Tây thành phố với tổng diện tích trên 120 km2.
Chỉ sau 20 năm cải cách mở cửa, diện mạo thành phố Tô Châu thay đổi khá nhiều. 360 cây cầu được khôi phục và tái hiện mang trong mình những truyền thuyết và huyền thoại rất nên thơ. Hai phía đông và tây của thành phố là những cao ốc vài chục tầng mọc lên san sát tạo thành niềm tự hào của người dân Tô Châu. Từ năm 1979 đến năm 2000, Tô Châu đã thu hút đầu tư công nghệ được 20 tỷ đô-la của Đài Loan, Singapore, Mỹ, Nhật... khiến cho bộ mặt phía tây và phía đông thành phố trở nên hiện đại. Năm 2001, Tô Châu được bầu chọn là 1 trong 9 thành phố đứng hàng đầu thế giới về sản xuất hàng điện tử viễn thông.
Ở Tô Châu, từ khu phố cổ đến khu phố hiện đại, từ phố lớn đến phố nhỏ và cả trên mặt nước sông, hồ đều hết sức sạch sẽ. Bước vào đầu thế kỷ XXI, nhân dân Tô Châu đã đuổi kịp được trào lưu của thời đại. Những ngày nghỉ cuối tuần người đến chơi đông nghịt tại hàng trăm vườn hoa tư nhân. Đặc biệt là ''Chuyên Chính viên'' và ''Dạ Hoa viên'' là 2 trong 4 vườn hoa cổ nhất của Trung Quốc, hàng ngày có hàng vạn khách đến tham quan, vui chơi, mặc dù giá vé vào cửa tới 20 nhân dân tệ/người, tương đương với 2,5 đô-la.
Mọi người dân thành phố Tô Châu đều nỗ lực dựng xây một cuộc sống thật văn minh, hiện đại, đồng thời vẫn cố giữ được những nét giản dị, tao nhã và mềm mại như tấm lụa Tô Châu đã nổi tiếng từ ngàn đời nay.
Ngoài cảnh sắc tươi đẹp với những khu vườn cảnh được công nhận là Di sản văn hoá thế giới và những di tích lịch sử từ thời Xuân Thu cách đây 2500 năm, Tô Châu còn đặc biệt lôi cuốn hấp dẫn khách phương xa nhờ ngôi chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn Tự) nổi tiếng đã đi vào lịch sử văn hoá phương Đông với bao giai thoại đẹp như mơ.
Đến với Tô Châu mà không thăm Hàn Sơn Tự thì chẳng khác nào tới Paris mà không vào bảo tàng Louvre hay leo tháp Eiffel.
Hàn Sơn Tự là một trong 10 ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Hoa. Được xây dựng từ thế kỷ thứ VI, thời Nam Triều (nhà Lương), nhưng đến đời Đường nó mới có tên là Hàn Sơn. Hàn Sơn không có nghĩa là "núi lạnh'' (như cách dịch sang tiếng Anh), mà đơn giản là theo tên một vị sư nổi tiếng trụ trì ở đó.
Có cả một câu chuyện cảm động liên quan tới cái tên này. Chuyện rằng, tại một miền quê nhỏ có 2 chàng trai Hàn Sơn và Thập Đắc thân thiết với nhau như hai anh em. Tới một ngày cha mẹ hỏi vợ cho Hàn Sơn, thì cô dâu lại chính là người yêu của Thập Đắc. Không muốn làm đau lòng bạn, Hàn Sơn lẳng lặng từ hôn, bỏ quê ra đi.
Phiêu đạt đến Cô Tô, anh đã dừng chân tại ngôi chùa này. Trong khi đó, nghĩ rằng vì mình mà Hàn Sơn phải tha hương, Thập Đắc cũng bỏ quê đi tìm anh. Cuối cùng hai người gặp nhau và cùng tu tại chùa này.
Chùa này được nổi danh khắp Trung Hoa và ở cả nước ngoài chủ yếu là nhờ bài thơ “Phong Kiều dạ bạc" bất hủ của Trương Kế từ hơn một nghìn năm trước:
"Nguyệt lạc ô đề sung mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".
Bài thơ này cũng lan toả và trở nên rất quen thuộc ở Việt Nam nhờ bản dịch tuyệt vời của thi nhân Tản Đà:
“trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe trong chuông chùa Hàn sơn''.
Tiếng chuông chùa Hàn Sơn là một di sản văn hoá phi vật thể của thành phố sông nước miền Giang Nam này. Chuông có thể vang xa hàng chục dặm vì nó được đúc theo bí quyết 6 phần đồng, 1 phần thiếc. Ban đêm thanh vắng, khí ẩm từ sông hồ bốc lên càng làm cho tiếng chuông ngân nga lảnh lót để lại những dư âm khó quên.
Quả chuông rung lên, tiếng vọng trầm sâu của nó hoà quyện với giọng tụng kinh âm âm nên hiệu ứng rất lạ: một cảm giác thành kính thiêng liêng dâng tràn trong mỗi người đến lễ chùa.
Tô Châu có tới trên 60 hoa viên cực đẹp, mỗi hoa viên cũng đủ níu chân người cả buổi để không chỉ chiêm ngưỡng các tác phẩm bất tử của nghệ thuật xây dựng nhà vườn Trung Hoa mà còn lắng nghe, sống lại với người xưa, trong đó có rất nhiều danh nhân Trung Hoa từng in dấu giày qua những lối đi lát đá quanh co của các khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo, hay trong những mê cung bằng đá ảo diệu hoặc từng ngồi vịnh nguyệt đề thơ trong những mái thủy tạ cong cong ẩn hiện dưới dáng liễu ven hồ.
Tô Châu có lịch sử rất lâu đời, thành phố cổ kính và thơ mộng này được xây dựng từ thời Xuân Thu dưới triều đại nhà Ngô (năm 514 trước Công nguyên) nhưng chỉ mang cái tên như hiện nay dưới thời nhà Tùy (năm 589 sau Công nguyên), và đã trở thành một thủ đô của công nghiệp và thương mại ở vùng bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc sau khi con kênh đào nối liền Bắc Kinh với vùng Giang Nam được hoàn tất vào thế kỷ thứ IX. Chính Bạch Cư Dị khi trấn nhậm Tô Châu đã tiếp tục mở rộng hệ thống kênh đào để phát triển du lịch. Nhưng một Tô Châu đẹp đẽ và quyến rũ như du khách thấy hôm nay thật ra chỉ là bản sao của chính mình bởi Tô Châu đã từng bị tàn phá, hủy hoại nhiều phen khi quân Mông Cổ tràn sang (thế kỷ XIII, XIV).
Đến Tô Châu khi mùa thu đã về, khi lá phong đã có đôi sắc vàng trên cành và trong tiết thu dịu mát, thật lý tưởng để thưởng ngoạn phong cảnh của đô thị cổ này. Thành phố không quá chôn rộn xe và người, nhịp sống thật thanh thản, nhẹ nhàng dù dân Tô Châu được xếp hạng cao về thu nhập theo đầu người tại Trung Quốc (3.680 USD/Năm). Trên khắp các phố chính là những panô hình ảnh các nhà vườn đã được UNESCO xếp hạng di sản. Khu trung tâm không có nhà cao quá năm tầng. Những con đường nơi đây xanh rợp bóng cây. Và không chỉ có hoa trong các ngự viên, hoa còn ken dày trên hè phố.
Sau khi thưởng ngoạn hoa viên chắc chắn du khách đến Tô Châu không thể bỏ qua cái thú ngồi thuyền trên các con kênh đào. Chính hệ thống kênh đào này cùng hàng nghìn chiếc cầu đá cổ kính soi bóng trên các dòng kênh khiến người ta gọi Tô Châu là một ''Venice phương Đông'', bên cạnh một loạt cách xưng tụng khác như ''Thủ đô của tơ lụa'' (lụa Tô Châu đã nổi tiếng tự nghìn xưa và nay là một thương hiệu ở tầm thế giới), ''Cái nôi văn hóa thời Ngô'', ''Đô thị phong lưu'', ''Thế giới nhà vườn''.