Tài liệu: Vườn Địa Đàng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vườn địa đàng là nơi duy nhất trên trái đất, nhưng không có sinh vật nào biết được địa điểm chính xác của nó nằm ở đâu. Trong thời gian sau này... Chúa sẽ tiết lộ đường đến Vườn địa đàng.
Vườn Địa Đàng

Nội dung

Vườn Địa Đàng

Thời điểm: huyền thoại

Địa điểm: Có thể ở miền Nam Iraq

Vườn địa đàng là nơi duy nhất trên trái đất, nhưng không có sinh vật nào biết được địa điểm chính xác của nó nằm ở đâu. Trong thời gian sau này... Chúa sẽ tiết lộ đường đến Vườn địa đàng.

MỘT CÂU NÓI BÍ ẨN CỦA GIÁO SĨ DO THÁI

Chưa ai biết được Vườn địa đàng trong Kinh Thánh có con sông tạo ra sự sống chảy ngang qua nằm ở đâu. Sách Sáng thế bảo rằng “Chúa đã trồng một khu vườn về phía đông Vườn địa đàng” (Genesis 2: 8), nhằm ám chỉ vùng đất cổ xưa ở miền Nam Iraq gọi là Xứ Sumer và Akkad. Qua nhiều thế kỷ, nhiều người đi tìm khu vườn nổi tiếng này, nhưng không hề tìm thấy. Cũng có nhiều truyền thuyết tương tự xuất phát từ Sumer, mặc dù không có ý nghĩa tội lỗi và trừng phạt theo cách giải thích trong Kinh Thánh Hebrew (nguyên bản Cựu ước bằng tiếng Hebrew). Những nhà thần học sau này, từ St Paul trở về sau, cho rằng Vườn địa đàng là một nơi nhận phần thưởng từ trên trời chứ không phải là thiên đàng hạ giới (2 Corinthians 12: 3).

Hình vẽ Vườn địa đàng trong Kinh Thánh như một Thiên đàng hạ giới hay Vườn vui thú, với Chúa, Chúa Cha và Chúa Ki-tô vua, ban phúc cho Adam và Eve từ thiên đàng. Hành tinh nằm trong hình cầu chia trời và đất.

Vườn ở Ai Cập và vùng Cận Đông

Ý tưởng về khu vườn ăn sâu trong tinh thần người Semite - có lẽ như một phản đề với phong cảnh khô nứt bao quanh các khu vực canh tác nơi họ sinh sống. Có được miếng ăn từ phần lớn vùng Cận Đông bất đắc dĩ quả thật là một công việc đầy gian khó. Khu vực mênh mông này luôn là vùng có sự tương phản rõ nét: ốc đảo đất đai màu mỡ, nước thừa thãi, được cư dân chăm chút cẩn thận, tồn tại ngay giữa sa mạc khô hạn. Thung lũng sông rất phì nhiêu như sông Tigris và Euphrates, chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, và sông Nile ở Ai Cập hoàn toàn tương phản với đám bụi mù của các đồng bằng khô cằn và hoang mạc đầy cát phía bên kia. Không có nước không có gì tồn tại - động, thực vật hay con người. Dọc theo vùng duyên hải, đất không thể trồng trọt được trừ phi có giếng hay các con suối chảy thành dòng để tưới cây. Mưa ở đâu là chuyện hoàn toàn không thể đoán trước được, ngay cả nông nghiệp dựa vào thủy lợi cũng do nguồn cung cấp nước định đoạt. Trong thung lũng sông Nile, giấc mơ của một pharaoh mơ bảy năm sống dư dả sau đó đói kém bảy năm nữa (Genesis 41: 1-4), phản ánh một tình thế rất thực ở Ai Cập vẫn tồn tại dai dẳng đến giữa thế kỷ 20 khi xây xong đập Aswan.

Một chuyến dã ngoại trong vườn, trích từ bản vẽ tay Ba Tư đầu thế kỷ 16 sau CN Người Ba Tư cung cấp cho thế giới ý tưởng Thiên đàng, từ một từ mang nghĩa “khu vườn”.

Vì thế ý tưởng về một khu vườn đều đáng trân trọng ở vùng Cận Đông trong hàng thiên niên kỷ. Chính cái tên “Địa đàng” liên tưởng đến một từ trong tiếng Akkadia edinu có nghĩa “một đồng bằng” hay có thể liên tưởng đến một từ tiếng Hebrew có gốc từ mang nghĩa “vui thú” hay “dễ chịu”, vốn từ các thời điểm lâu đời nhất đều liên kết với ý tưởng Thiên đàng. Từ ''Thiên đàng'' của chúng ta bắt nguồn từ tiếng Ba Tư cổ apiri-daeza có nghĩa một khu vườn, sau này trở thành pardes trong tiếng Hebrew, và paradeiseos trong tiếng Hy Lạp. Trong bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp, từ lần đầu tiên được sử dụng để ám chỉ Vườn địa đàng, sau đó dành để gọi tất cả các khu vườn và công viên giải trí chẳng hạn như khu cung điện phức hợp xây dựng trong các khu vườn có đủ hệ thống nước tưới cùng hồ bơi và công trình thủy mà vua Herod xây dựng ở Jeri-cho vào thế kỷ 1 tr. CN.

Một bể bơi trong khu vườn của Nebamun, trong phần mộ của ông thuộc vương triều thứ 18 của Ai Cập. Bao quanh bể bơi là cây cối để tạo bóng mát.

Các nhà vua và giới quý tộc Ai Cập thường xây các khu vườn có nước tưới để trồng cây ăn trái và rau quanh nhà, cá nuôi dưới hồ làm thức ăn, ngoài ra cảm thấy dễ chịu vào giữa trưa. Người ta đề cập đến một khu vườn như thế trong Kinh Thánh Hebrew trong khu vực nằm giữa hai bức tường đôi bảo vệ Jerusalem (2 Kings 25: 4). Khu vườn này có thể giống như khu vườn của vua Uzziah đề cập trong 2 Kings 21: 18. Nơi khác thuộc vùng Cận Đông cổ đại hoàng gia cũng xây dựng vườn địa đàng như các khu vườn trong cung điện của xứ Assyria và Babylon. Một số vua cũng lập ra các khu công viên rộng mênh mông để nuôi động vật hoang dã, nhưng không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn mà chủ yếu là để săn bắn tất cả các loại thú nhập khẩu, được chăm sóc đặc biệt - nổi tiếng nhất là sư tử do Assurbanipal (668-627 tr. CN) săn được mô tả trên các tác phẩm chạm nổi trong cung của ông ở Nineveh. Tác phẩm chạm nổi khác cũng hình vị vua này cùng hoàng hậu đang thết tiệc trong một nhà nghỉ có trồng nho cùng với các loại cây xa xỉ khác trong khu vườn cung điện của ông. Một khu vườn, có lẽ do Sennacherib (704-681 tr. CN), xây dựng, được mô tả trong một tác phẩm chạm nổi khác ở Nineveh, với hệ thống kênh đào tưới nước theo hình chữ chi lấy nước từ các cống dẫn do nhà vua xây dựng để mang nước tưới các mảnh đất trồng rau, vườn cây ăn quả và công viên của thành phố, từ núi Zagros cách Nineveh khoảng 80 km (50 dặm) về phía đông.

Assurbanipal, vua xứ Assyria, thết tiệc trong khu vườn cung điện. Tác phẩm chạm nổi ở cung điện Nineveh, thế kỷ 7 tr. CN.

Vườn treo Babylon

Ngôi vườn nổi tiếng nhất trong số tất cả là Vườn treo Babylon - nổi tiếng thậm chí vào thời cổ đại Những ''khu vườn vui thú'' này (một cách dịch thích hợp của ''Vườn địa đàng'') là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Theo truyền thuyết, do vua xứ Babylon là Nebuchadnezzar (604-562 tr. CN) xây dựng để tặng vợ tên Amyitis, người Media, vốn đang tiều tụy vì nhớ các ngọn núi nhiều cây ở quê nhà. Đầu thế kỷ 20, nhà khảo cổ người Đức Robert Koldewey nghỉ rằng ông đã âm thấy phần móng của khu vườn này, ông hình dung giống như một loại tháp đền xây dựng trên dải đất bằng tạo bậc trống nhiều loại cây. Gần đây hơn, nghiên cứu khảo cổ nhận dạng khu vực phía bắc cung điện nơi có nhiều dải đất bằng tạo bậc khổng lồ có hệ thống nước tưới trồng các loại hoa và thảo mộc khác phục vụ nhà vua, hoàng gia và người tùy từng. Thật thú vị, khu vực này nằm giữa các bức tường của cung điện đúng ở góc tây bắc của thành Babylon và các bức tường công sự phụ ở hướng bắc. Có thể địa điểm khu vườn hoàng gia trước kia nằm trong khu vực giữa các bức tường đôi phòng thủ của thành phố, gần với cung điện, như ở Jerusalem.

Mặt tiền tái tạo của căn phòng có ngai vàng của Nebuchadnezzar. Babylon, nhiều cây cọ và cây bụi thế kỷ 6 tr.CN.

Adam và Eve, do Masolino và Masaccio vẽ vào thế kỷ 15. Lưu ý đầu rắn có hình dạng giống hệt đầu phụ nữ.

Một con dấu hình trụ của người Mesopotamia, có hai người ngồi ở hai bên một cây thiêng - bên phải là nữ thần, có kiểu tóc búi sừng. Phía sau mỗi người lạ một con rắn, báo trước câu truyện Vườn địa đàng?

Ý tưởng Địa đàng

Các khu vườn hoàng gia thuộc Cận Đông cổ đại là sự gợi nhớ thực sự về một giấc mơ huyền thoại. Hình ảnh Vườn địa đàng trong Kinh Thánh là hình ảnh của một thiên đàng hạ giới hay trên thiên đường đối với nhân loại đều khao khát như một nơi yên nghỉ. Trong nền văn minh phương Tây, Vườn địa đàng liên quan đến các khái niệm về một “thời đại hoàng kim”, “đảo nhỏ Hạnh phúc”, “Quần đảo hưởng phước” và “cánh đồng Elysian” cùng nhiều nhóm từ tương tự khác. Khái niệm Arcadia yên bình, hạnh phúc chứng tỏ tồn tại rất dai dẳng.

Trong Kinh Thánh, Vườn địa đàng là một nơi yên bình, hạnh phúc, thuộc về một thời đại yên bình, hạnh phúc, nơi đây con người nói chuyện với Chúa như bạn bè. Sau đó chúng ta trưởng thành. Khi quả của Cây hiểu biết giúp chúng ta nhận thức thực tại về thân thế của mình, chúng ta đã trở thành con người hoàn toàn. Chúng ta hiểu mình phải làm việc để sống, và bệnh tật, thói xấu, nghèo đói và cái chết đuổi theo mọi người. Chân lý trong truyện ngụ ngôn rất thâm thúy và tác động đến tình cảm, tâm hồn con người. Ngày nay chúng ta sẵn sàng nhận thức rằng Vườn địa đàng chỉ có vị trí trong tình cảm của chúng ta, nơi ý nghĩa của một câu truyện thần thoại mang tính tượng trưng lại mạnh hơn cả thực tế cụ thể.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4326-02-633764177858281250/Huyen-thoai--Truyen-thuyet-Su-that-bi-che...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận