Tài liệu: Vua máy tính xách tay

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trên toàn thế giới, sản phẩm của các hãng máy tính Đài Loan chiếm 60% thị phần máy tính xách tay.
Vua máy tính xách tay

Nội dung

Vua máy tính xách tay

Có lẽ ít người biết rằng hầu hết các loại máy tính xách tay của Hewlett - Packard, Compaq, Dell, Gateway, Apple bán ra khắp thế giới là do một công ty Đài Loan sản xuất: Công ty Quanta, Barry Lam, người sáng lập và đang làm Chủ tịch Quanta, được mệnh danh là Vua láy tính xách tay. Năm qua Quanta đã qua mặt Toshiba để trở thành nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới.

Trên toàn thế giới, sản phẩm của các hãng máy tính Đài Loan chiếm 60% thị phần máy tính xách tay. Cứ 7 chiếc máy bán ra thì có một chiếc do nhà máy Quanta lắp ráp. Trừ hãng Dell còn nhận máy Quanta gia công về để tinh chỉnh đôi chút rồi mới bán ra, nhiều hãng khác giao hẳn cho Quanta sản xuất từ A đến Z.

Khởi nghiệp

Sau một thời gian dài làm thuê cho các công ty sản xuất máy tính Đài Loan, Barry Lam quyết định khởi nghiệp. Anh thành lập Quanta với số vốn chừng 900.000 USD vào năm 1988. Trụ sở đầu tiên của Quanta nằm gọn trên tầng 6 một tòa nhà cũ kỹ, vừa làm văn phòng, vừa làm nhà xưởng. Dạo đó, ở Đài Loan chưa ai quan tâm sản xuất mặt hàng này. Lam mày mò sản xuất chiếc máy tính đầu tiên của mình, to đùng như một chiếc vali và anh xách đi khắp các cuộc triển lãm để chào hàng.

Đến đầu năm 1990, Lam có được vài hợp đồng nhỏ và sau gần một năm gây dựng uy tín, anh chiếm được lòng tin và ký được hợp đồng với Apple và Gateway. Đến năm 1996, Quanta ký được hợp đồng gia công dài hạn cho hãng Dell, một trong những tên tuổi lớn nhất trong làng máy tính của Mỹ. Quanta sản xuất đến 55% lượng máy xách tay cho hãng này. Hai năm sau, Quanta trở thành công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, và trị giá tài sản riêng của Barry Lam đã lên đến 680 triệu USD.

Năm 2001, là năm tệ hại nhất cho ngành sản xuất máy tính nhưng Quanta vẫn duy trì mức tăng trưởng chung khoảng 20%. Thay vì sa thải nhiều nhân công như các hãng, Lam đã tuyển thêm 600 công nhân và đang dự định mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng mới. Năm 2001, doanh thu của Quanta tăng 50%, đạt 3,6 tỷ USD, lợi nhuận tăng chừng 26%, đạt khoảng 310 triệu USD.

Phương thức mới

Thành công của Barry Lam là nhờ áp dụng hệ thống quản lý cung ứng hàng theo nhu cầu, với mức độ kiểm soát đầu ra, đầu vào chặt chẽ. Các hãng máy tính lớn trên thế giới muốn chuyển hướng sản xuất sang việc đi tìm nơi gia công bên ngoài thay vì tự mình làm tất cả. Họ đã từng đau đầu vì lượng hàng tồn kho khổng lồ chưa kịp bán hết mẫu hàng cũ, đối thủ đã ra thế hệ máy đời mới. Giao cho Quanta lo chuyện sản xuất, còn các hãng lo chuyện thiết kế mẫu mã, tìm khách hàng là chiến lược kinh doanh hợp lý nhất.

Vấn đề còn lại là làm sao Quanta thuyết phục được khách hàng mình sẽ duy trì được hệ thống sản xuất đúng chất lượng và thời hạn cam kết.

Trước đây, Quanta thường nhận hợp đồng sản xuất vài nghìn chiếc máy tính xách tay và giao hàng trong vài tuần sau. Ngày nay, hệ thống kiểm soát của Quanta tinh vi đến mức có thể nhận gia công từng chiếc theo đơn đặt hàng và giao máy trong vòng 40 tiếng. Với Barry Lam, thành công của Quanta là nhờ việc ứng dụng dòng chảy thông tin 24/24h suốt 7 ngày trong tuần qua mạng Internet, là duy trì mạng thông tin nội bộ cập nhật từng phút.

Khi nhận một hợp đồng gia công, trước đây Quanta phải mất cả một ngày mới kiểm tra được nguồn hàng xem có đủ khả năng thực hiện hợp đồng đúng hạn hay không, nay chỉ cần trong 1-2 tiếng. Dựa vào dự báo từ khách hàng, Quanta lên lịch sản xuất cho 13 tuần tới và cập nhật hằng giờ.

Thật ra Quanta cũng dựa vào một mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện khắp thế giới nên vấn đề duy trì liên lạc và bảo đảm nhận hàng đúng hẹn là chuyện cốt tử. Ví dụ, Quanta dựa vào hãng Panasonic để mua màn hình tinh thể lỏng (LCD) hay ổ đĩa DVD. Hai bên nối mạng để đối chiếu lượng hàng cần sản xuất và lượng hàng tồn kho để tối ưu hóa lượng sản xuất. Nếu Quanta dự báo sai, Panasonic chịu ảnh hưởng, còn ngược lại Panasonic cung ứng hàng không kịp, Quanta sẽ mất uy tín với khách hàng.

Barry Lam đang đợi ngày Đài Loan thu hồi lệnh cấm các công ty của họ đầu tư lắp ráp máy tính xách tay trực tiếp tại Trung Quốc để ngay lập tức thiết lập nhà máy tại đây, đón đầu cạnh tranh. Anh từng hứa với khách hàng, thời gian giao máy trong vòng 48 tiếng sẽ được rút ngắn còn 24 tiếng. Cho đến nay, Quanta đã chống chọi tốt cơn khủng hoảng của ngành tin học. Thời gian tới, Barry Lam còn duy trì được danh hiệu Vua máy tính xách tay hay không, tùy thuộc vào những chiêu thức kinh doanh mới của nhà doanh nghiệp này.

(Theo TBKTSG)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945839925505000/The-gioi-dieu-ky/Vua-may-tinh-xach-tay.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận