Tài liệu: Khi đàn ông cô đơn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khi cô đơn, mỗi người có một cách biểu hiện riêng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự khác biệt giới tính. Phái mạnh khi đơn độc sẽ có những biểu hiện gì?
Khi đàn ông cô đơn

Nội dung

Khi đàn ông cô đơn

Khi cô đơn, mỗi người có một cách biểu hiện riêng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự khác biệt giới tính. Phái mạnh khi đơn độc sẽ có những biểu hiện gì? Sự cô đơn có làm đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn hay ngược lại? Để bớt lẻ loi, người đàn ông sẽ phải như thế nào đây?

Cô đơn là một trạng thái tâm lý đặc biệt khi con người cảm thấy chỉ có một mình đối diện với cõi “vô cùng”, với thoáng “mênh mông”, dù có bao người nhưng chẳng biết chia sẻ cùng ai và cũng chẳng có ai hiểu được lòng mình. Người đàn ông khi cảm thấy cô đơn, trái tim như băng giá, lạnh lùng trước đám đông, âm thầm trong công tác, lơ đễnh với bạn bè, lặng lẽ với người thân nhưng lại nhiệt tình trong... giấc ngủ. Giấc ngủ qua đi, tưởng chừng nỗi cô đơn rồi cũng sẽ qua theo nhưng đối với đàn ông, nó cứ vẫn bồng bềnh đâu đó, trong ánh mắt xa xăm mà cố tình như bay bổng, trong sự nén chịu đến dại khờ nhưng như là bất chợt buồn vui. Điều gì đã làm người đàn ông cố tình từ chối một sự thật, tránh né một nỗi niềm không thể nguôi ngoai?

Cô đơn, đó không phải là nỗi sợ hãi hay là sự ám ánh của người đàn ông, cũng không phải là một thách thức đối với họ trong bất kỳ trường hợp nào, bởi họ thường nghĩ rằng và tưởng rằng mình có đủ khôn ngoan và thực tế để vượt qua. Đối với họ, cô đơn chỉ như một cơn gió vô tình. Trong nhận thức của mình, đàn ông thường rất tự tin khi cho rằng họ có đủ điều kiện, thừa bản lĩnh để nỗi cô đơn không thể tấn công hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến mình. Khi rơi vào cô đơn, họ có thể tìm đến những mối quan hệ đa dạng vốn có, họ có thể tham gia các sinh hoạt giải trí thông thường họ vẫn thích: họ có thể giải sầu bằng thuốc lá, giảm bớt căng thẳng bằng một chuyến du lịch hoặc tán gẫu với một người nào đó, hay củng có thể dùng men rượu để giải tỏ đến vô cùng...

Khi cô đơn, người đàn ông có thể và có khả năng làm đủ mọi thứ để lánh xa sự trống vắng. Điều đó có thể xem như một lời tự sự hay là một lời hứa với chính mình. Nhưng trong thực tế, nhiều đàn ông đã không thể làm gì hơn ngoài việc than thở một.mình, hay trốn chạy... khi lâm vào cảnh cô đơn. Có thể nhận thấy rằng đối với đàn ông, cô đơn chẳng là “cái đinh” gì cả, họ không ngại cô đơn nhưng lại không thể chịu đựng nổi sự cô đơn nếu nó đến với mình. Điều này xem ra có vẻ như rất mâu thuẫn, nhưng thực tế đó là một logic, một nét độc đáo trong tính cách của đàn ông, một bí mật của phái mạnh. Đàn ông không mạnh thực sự như người ta vẫn tưởng, đàn ông không cứng rắn đến lạnh lùng như người ta vẫn thấy, họ là những người đáng yêu, đáng được thông cảm và chia sẻ, đáng được đối xử một cách thân thiện và “công bằng” như với phụ nữ trong trường hợp họ đang cô đơn, ít nhất là trong nhận thức của mọi người đối với họ.

Tuy vậy, sự thầm lặng hay trốn chạy của người đàn ông khi cô đơn vẫn hết sức nam tính khi họ không dùng nước mắt để làm trôi đi nét ưu tư, làm vơi bớt buồn phiền hay làm tan biến cảm giác một mình. Khi cô đơn, họ như thu mình để cố thủ rèn luyện “nội công” chờ ngày phản kích. Khi cô đơn, người đàn ông như thêm nung nấu một quyết tâm, quyết tâm thoát khỏi sự dằn vặt của chính mình, quyết tâm nén chịu để “mai phục” một sự thanh thản, một sự bình an cho cuộc đời.

Không chịu chấp nhận cô đơn hay không chịu đựng sự cô đơn lâu dài đã trở thành một thói quen ứng xử, một phản xạ của cánh đàn ông và nó trở thành vũ khí lợi hại để “đánh bóng” cho danh dự phái mày râu. Cảm giác cô đơn sẽ được lấp đầy bằng hàng loạt cố gắng như đi tìm một giá trị nào khác, rất nhanh, rất dễ thích nghi, rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng trong vô thức của mình, họ không mong đợi sự cô đơn một lần nữa (điều này đặc biệt rất khác với phái đẹp, trong khi nữ giới lại có cảm nhận rất sợ cô đơn, rất sợ trống vắng, nhưng một khi đã phải cô đơn, sức chịu đựng của họ thật vô cùng, thật dẻo dai đến không ngờ).

Trong trạng thái cô đơn, người đàn ông có thể có những phản ứng đặc biệt tích cực, những hành vi mang lại một hiệu quả bất chợt, những sáng tạo độc đáo, những nghĩa cử phi thường. Trong trường hợp này, cô đơn như một hoạt chất giúp con người “bùng nổ” cảm xúc, khai thông ý chí và cũng có thể hình thành một thói quen mới. Vì vậy, cô đơn chẳng phải là phản ứng xấu, nó chỉ sẽ là tiêu cực khi có những phản ứng không thích hợp, khi bản thân mình không muốn “phá băng” cho cuộc đời thêm tươi mát. Hãy giải tỏa sự cô đơn theo cách riêng của mình để vẫn cứ được xem là phái mạnh với sự quyết đoán và tự tin vốn có. Hãy biến cô đơn thành những cơ hội phát huy các ưu thế của chính mình, hỡi các đấng mày râu!




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945837497380000/The-gioi-dieu-ky/Khi-dan-ong-co-don.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận