Tài liệu: Vua xe đẩy trẻ em Goodbaby

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

“Người Trung Quốc vẫn còn tư tưởng ăn chắc mạc bền, sắm thứ gì thì phải có ba, bốn tiện ích đi kèm, nên chúng tôi cung ứng những sản phẩm vừa hợp túi tiền, vừa hợp cho cả nhu cầu của con cái họ”,
Vua xe đẩy trẻ em Goodbaby

Nội dung

Vua xe đẩy trẻ em Goodbaby

“Người Trung Quốc vẫn còn tư tưởng ăn chắc mạc bền, sắm thứ gì thì phải có ba, bốn tiện ích đi kèm, nên chúng tôi cung ứng những sản phẩm vừa hợp túi tiền, vừa hợp cho cả nhu cầu của con cái họ”, ông Song Zhenghuan, Chủ tịch tập đoàn Goodbaby Child Products (Trung Quốc), tiết lộ bí quyết thành công.

Hiện tại, sản phẩm trẻ em của Goodbaby chiếm đến hơn 80% thị trường Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số xe đẩy dành cho trẻ em được tiêu thụ tại Mỹ. Ngoài ra, còn có vô số xe đạp cho thiếu nhi, ghế trẻ em ngồi trong xe của bố mẹ, bồn tắm, nhà đồ chơi bằng plastic cứng... mang những thương hiệu rất thân quen với các bậc phụ huynh khắp thế giới như Geoby, Cosco, Safety 1st, Huffy và Schwinn.

Ở mỗi thị trường, sản phẩm của Goodbaby lại mang đặc tính riêng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chiếc xe đẩy kiểu khủng long tí hon giá chỉ có 100 nhân dân tệ (khoảng 12 USD) vừa sức mua của bất cứ gia đình nào tại đây. Chỉ cần thay đổi vài con ốc, bẻ vài khúc gấp, xe đẩy biến thành chiếc ghế đong đưa, rồi thành thiết bị giúp trẻ tập đi... “Khác với người Trung Quốc, người Mỹ lại chuộng những thứ gì vừa nhẹ, vừa bền”, ông Song cho biết. Với những sản phẩm xuất sang Mỹ, các bà mẹ trẻ chỉ cần dùng một tay vặn vài con ốc, chiếc xe đẩy trẻ em được gấp lại thành một vật dễ mang, dễ chất vào thùng xe.

Thế nhưng, ít ai biết ông chủ thế giới Babyworld này lại xuất thân từ một giáo viên toán. Ông Song sinh ra trong một gia đình đã có 36 thế hệ chuyên hành nghề y học cổ truyền Trung Quốc ở quận Kunshan, gần Thượng Hải. Thời trẻ, ông đã có những năm tháng cày bừa suốt 16 tiếng/ngày trên cánh đồng lúa. Năm 1985, khi đang là phó hiệu trưởng, ông được lệnh bằng mọi cách phải giúp nhà trường nhảy vào kinh doanh sản xuất để phụ lương trả cho giáo viên.

Mãi đến năm 1988, nhờ vào mối quan hệ với một kỹ sư ở một nhà máy quân đội, ông mới mở được xưởng lắp ráp xe đẩy trẻ em. Chỉ sau 5 năm, xe đẩy của ông giáo Song đã xếp vị trí số một ở Trung Quốc.

Lần đầu xuất hàng sang Mỹ, ông thất bại vì chất lượng còn kém. Hơn 100.000 chiếc xe đẩy đã bị chuỗi cửa hàng đồ chơi lớn nhất ở Mỹ là Toys “R” US từ chối. Học được bài học đắt giá, ông Song tăng cường khâu sản xuất chất lượng và kiểm tra chất lượng hơn nữa. Kết quả, sản phẩm của ông nay đã có vị trí chắc chắn ở các siêu thị Wal-Mart, Kmart, Sears và Toys “R” US.

(Theo Fortune)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945838538786250/The-gioi-dieu-ky/Vua-xe-day-tre-em-Goodba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận