KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG
Vào thời gian đầu, các thí nghiệm nghiên cứu phân cực được thực hiện rất phức tạp. Trước tiên cần phải có kính phân tích, nghĩa là kính phân cực chuyên tách ánh sáng có phân cực nhất định. Ban đầu chỉ có tinh thể spat Aixơlen làm phương tiện, nhưng nó lại cho ra hai chùm tia đồng thời. Vì thế phải hoặc giới hạn bằng việc nghiên cứu bức xạ chùm hẹp (để cho các tia phân cực khác nhau không bị chồng lên nhau) hoặc kiếm cho được tinh thể đủ to và có phẩm chất hoàn hảo không có khuyết tật.
Về sau người ta mới biết rằng ánh sáng phân cực trong một hướng có thể thu được khi phản xạ dưới góc Brewster. Vì vậy có thể làm việc được với các chùm sáng rộng, nhưng khi nghiên cứu sự phân cực của chúng bằng cách quay kính phân tích thì các tia phản xạ bị trộn lẫn.
Vào năm 1816 nhà vật lý Pháp Jean Baptiste Biot (1774 - 1862) khám phá ra rằng tinh thể tuamalin có tính khúc xạ kép, nhưng tia thông thường trong nó bị hấp thụ mạnh hơn nhiều so với tia bất thường. Để tách lấy tia có phân cực xác định ngày nay người ta sử dụng rộng rãi các kính phân cực là tấm mỏng trong suốt có tính chất tương tự.
Kính phân tích phổ thông nhất là do William Nicol người Scotland (khoảng 1768 - 1851) sáng chế ra. Lăng kính Nicol được chế tạo từ tinh thể spat Aixơlen tự nhiên cắt theo đường kính rồi dán lại với nhau. Nó chỉ cho các tia bất thường đi qua, còn tia thông thường thì bị phản xạ từ lớp dán vào lớp bên trong va đi ngoặt về một bên.