Tin tức: “Khung pháp lý” để hợp tác và bảo vệ tài nguyên du lịch

“Khung pháp lý” để hợp tác và bảo vệ tài nguyên du lịch

Nội dung

Lễ ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việc ký kết hai Hiệp định là bước tiếp theo của quá trình triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực ở khu vực biên giới theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, trên cơ sở các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Anh Dũng cho biết như vậy khi trao đổi về Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân, được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 11 vừa qua.

Đàm phán cầu thị và thẳng thắn

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm khu vực thác Bản Giốc - thác tự nhiên nằm trên biên giới hai nước mà Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên - và khu vực cửa sông Bắc Luân, đã được hoạch định và phân giới cắm mốc, được mô tả cụ thể, chi tiết tại văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký tại Bắc Kinh ngày 18/11/2009. Và đường biên giới đó dễ dàng được nhận biết trên thực địa bằng hệ thống mốc biên giới bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, tại cuộc gặp ngày 31/12/2008, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc thống nhất: "Hai Bên sẽ trao đổi về việc cùng hợp tác khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc và ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về vấn đề này". Đồng thời, Điều 11 Phần IV Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc xác định: “khu vực đi lại tự do của tàu thuyền hai nước ở cửa sông Bắc Luân giới hạn từ mốc 1373 đến mốc 1378, có chiều dài gần 7 km” và “hoạt động của tàu thuyền trong khu vực đi lại tự do thực hiện theo Hiệp định liên quan do hai Bên ký kết”. Trên cơ sở đó, chúng ta đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc về hai Hiệp định nêu trên.

Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành năm phiên đàm phán về Hiệp định du lịch Bản Giốc từ tháng 4/2011-10/2015 và đàm phán bảy phiên về Hiệp định tàu thuyền đi lại ở cửa sông Bắc Luân từ tháng 8/2011- 10/2015. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thể hiện tinh thần cầu thị, trao đổi thẳng thắn và quan tâm đến lợi ích chính đáng của mỗi bên, từng bước xây dựng nội dung Hiệp định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của mỗi nước, phù hợp pháp luật và tập quán quốc tế; thực hiện đúng chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc không ngừng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi; đáp ứng đầy đủ mục đích và yêu cầu đề ra.

Khung pháp lý để hợp tác

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Anh Dũng, mục tiêu cụ thể của việc ký hai Hiệp định là tạo "khung pháp lý" để Việt Nam và Trung Quốc triển khai hợp tác, bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và đảm bảo cho việc đi lại tự do, an toàn, trật tự và đúng quy định của tàu thuyền hai nước, khai thác và phát huy thế mạnh của vận tải sông - biển ở khu vực cửa sông Bắc Luân.

Việc triển khai các nội dung hợp tác quản lý trong khuôn khổ hai Hiệp định này sẽ đóng góp vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác; thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại biên mậu giữa hai nước; đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của cư dân biên giới hai nước, đảm bảo quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ, kết hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương biên giới hai nước từ thế mạnh giao thông thủy của sông biên giới Bắc Luân và tiềm năng du lịch của thác Bản Giốc.

Việc ký hai Hiệp định là bước tiếp theo của quá trình triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực biên giới theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, thể hiện quyết tâm chung của hai nước đẩy mạnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trên cơ sở các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt - Trung, bao gồm: Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tháng 12/1999, Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009 tại Bắc Kinh.

Đưa các Hiệp định đi vào cuộc sống

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, công việc tiếp theo Việt Nam và Trung Quốc cần làm là khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định của luật pháp mỗi nước để hai Hiệp định có hiệu lực và đi vào cuộc sống, dự kiến trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng.

Trong thời gian đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và địa phương liên quan của Trung Quốc sớm triển khai các công tác chuẩn bị để có thể thực thi ngay khi hai Hiệp định có hiệu lực, cơ bản bao gồm những công việc sau:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy, xây dựng cơ chế (đơn phương và song phương), kế hoạch thực hiện theo đúng nội dung của hai Hiệp định và quy định pháp luật của mỗi nước. Với Hiệp định về thác Bản Giốc, Ủy ban điều phối hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch khu cảnh quan thác Bản Giốc do chính quyền cấp tỉnh Việt Nam và Trung Quốc chủ trì với sự phối hợp của đại diện các bộ, ngành liên quan như: Ngoại giao, Xây dựng (quy hoạch), Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sản phẩm, dịch vụ du lịch), Quốc phòng, Công an (quản lý, kiểm tra, kiểm soát). Với Hiệp định Bắc Luân, Ủy ban liên hợp giám sát thực thi Hiệp định do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cùng Bộ GTVT và Cục Hải sự Trung Quốc hợp thành, sẽ cùng nhau xây dựng và thông qua Điều lệ của Ủy ban liên hợp, định ra quy chế, quy định phối hợp hoạt động, kiểm tra và giám sát và giải quyết các tranh chấp trong giải thích và áp dụng Hiệp định. Hoạt động của Ủy ban liên hợp luôn cần có sự phối hợp với các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Ninh.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ làm cơ sở để thực thi hai Hiệp định. Thứ ba, bố trí, triển khai nhân lực, máy móc - thiết bị để triển khai công việc. Thứ tư, tổ chức tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, nội dung và giá trị pháp lý của hai Hiệp định đến các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý và các đối tượng tham gia hoạt động du lịch (thác Bản Giốc), giao thông thủy (sông Bắc Luân).

Ông Nguyễn Anh Dũng tin tưởng, với sự chủ động, tích cực của tỉnh Cao Bằng và Bộ GTVT, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, có sự nhận thức đúng đắn và sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là cư dân biên giới khu vực thác Bản Giốc và khu vực tàu thuyền đi lại ở cửa sông Bắc Luân, hai Hiệp định sẽ được triển khai thuận lợi, đạt hiệu quả cao, đáp ứng nguyện vọng chung của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Nhất Phong (ghi)


"Hiệp định du lịch thác Bản Giốc có thời hạn 10 năm, quy định phạm vi khu cảnh quan theo mô hình hợp tác "một khu hai nước", mỗi bên sẽ dành ra 200 ha để tiến hành hợp tác, khu cảnh quan của bên nào do bên đó quản lý và áp dụng luật pháp bên đó. Du khách một bên muốn sang khu cảnh quan bên kia vẫn phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh, nhưng được đơn giản hơn để tạo sự thuận tiện cho du khách tham quan; Hiệp định cũng quy định nguyên tắc hợp tác bảo vệ và khai thác du lịch ở khu cảnh quan chung; quy định các biện pháp cụ thể về hợp tác quản lý, bảo vệ, quy hoạch, khai thác du lịch; thiết lập cơ chế thực thi Hiệp định (chính quyền tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây); các quy định về giải quyết tranh chấp và việc bổ sung, sửa đổi, hiệu lực của Hiệp định.

Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân có thời hạn 10 năm, quy định những nguyên tắc đảm bảo đi lại tự do của tàu thuyền không làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia; điều kiện tự do đi lại của các loại tàu thuyền, trong đó khẳng định nguyên tắc "tàu thuyền công vụ của bên này không được thực thi công vụ trên nước của phía bên kia"; các quy định mang tính kỹ thuật giao thông thủy như đi lại, dừng (neo) đậu, xử lý tai nạn, bảo vệ môi trường vùng nước…, chỉ định cơ quan chủ quản, cơ quan thực thi Hiệp định là Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cùng đối tác là Bộ GTVT và Cục Hải sự Trung Quốc; các quy định về giải quyết tranh chấp, việc sửa đổi bổ sung và hiệu lực của Hiệp định".



Việc ký kết hai Hiệp định là bước tiếp theo của quá trình triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực ở khu vực biên giới theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, trên cơ sở các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/news/2015/11/35F806C64A386878/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận