Tin tức: AC - Chất xúc tác giúp ASEAN tăng sức đề kháng

AC - Chất xúc tác giúp ASEAN tăng sức đề kháng

Nội dung

Lãnh đạo mười nước ASEAN bắt tay tại Lễ ký kết thành lập Cộng đồng chung ASEAN sáng 22/11 tại Malaysia.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AC) càng làm cho sức đề kháng, sức mặc cả trong các cuộc đàm phán và sức mạnh tổng thể của Hiệp hội tăng lên, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực cũng như thế giới.

Có thể nói rằng, Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế (AEC) là một dấu mốc lịch sử quan trọng sau 48 năm ASEAN phấn đấu xây dựng một Hiệp hội cùng nhau hợp tác, liên kết khu vực và duy trì hòa bình ổn định. Sự ra đời của AC cho thấy sự trưởng thành của ASEAN, tính chất pháp nhân và là lời tuyên bố với thế giới rằng, Hiệp hội đã trở thành Cộng đồng, ở một mức độ liên kết cao hơn.

Thành công toàn diện

AC được nhiều chuyên gia đánh giá là cộng đồng toàn diện thành công nhất của nhóm các nước đang phát triển bởi nhiều lý do. Thứ nhất, AC sẽ góp phần củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong quá trình giải quyết các vấn đề chính trị cũng như an ninh đang nổi lên ở khu vực.

Thứ hai, cộng đồng thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng thông qua AEC mà theo đó ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung, nguồn vốn được luân chuyển tự do, nguồn lao động chất lượng cao được đi lại thuận tiện, người dân ASEAN có visa di chuyển trong các nước thành viên trong hai tháng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN có thể dễ dàng tiếp cận, giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, và liên kết với nhau… Bên cạnh đó, lao động trẻ ASEAN có cơ hội tìm kiếm việc làm trong 10 nước thành viên khi Hiệp hội có được tiêu chuẩn công nhận bằng cấp ASEAN. Các nước có thể hài hòa hệ thống pháp lý, thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế, chính trị trong nước, hài hòa về văn hóa, tăng lòng tin trong quan hệ hàng xóm láng giềng.

Thứ ba, AC còn làm tăng vị thế của ASEAN trên trường quốc tế với 625 triệu dân và GDP đứng thứ 7 thế giới. Nếu tính AC là một thực thể thì đây là một thực thể có quyền lực trên thế giới. Trong những thập kỷ qua, ASEAN đã dần củng cố vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc đa phương. Tiếng nói của ASEAN dần có trọng lượng hơn và được các nước lớn tôn trọng. Sự ra đời của AC càng làm cho sức đề kháng, sức mặc cả trong các cuộc đàm phán và sức mạnh tổng thể của Hiệp hội tăng lên, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực cũng như thế giới.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là sự nối dài của quá trình xây dựng cộng đồng lộ trình 2009 - 2015. Chúng ta biết rằng, các dòng hành động trên 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội vẫn chưa được thực hiện 100%. Tầm nhìn có ý nghĩa tiếp tục hoàn thiện các dòng hành động, điều chỉnh cho phù hợp các luật lệ theo thực tiễn của ASEAN và tình hình quốc tế, từ đó làm cho cộng đồng có tính thực chất hơn. Tầm nhìn chính là cơ sở nền tảng để chúng ta tin rằng, ASEAN vẫn tiếp tục tiến về phía trước.

Lợi ích chạm tay người dân

Thời gian qua, dường như cảm nhận của người dân Hiệp hội vẫn chưa thực rõ ràng về nó. Trước hết bởi sự tuyên truyền về ASEAN trong thời gian qua chưa đồng bộ, người dân chưa ý thức hết được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân trong cộng đồng. Cùng với đó, những lo ngại về an ninh và rạn nứt, bất đồng, mất đoàn kết trong nội bộ một số nước thành viên cũng khiến cho người dân ASEAN chưa thực sự cảm nhận được mức độ gắn kết, chia sẻ lợi ích chung trong Hiệp hội. Nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ cũng tạo cho người dân ASEAN có cảm giác rằng các nước ASEAN đặt chủ quyền quốc gia cao hơn lợi ích khu vực và ASEAN là một tổ chức lỏng lẻo.

Tôi nghĩ, tất cả sẽ dần được xóa bỏ sau khi Cộng đồng ra đời. AC là cơ hội để người dân hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng chung. Họ sẽ thấy có chung một số phận để từ đó nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Sau khi AC ra đời, lợi ích từ cộng đồng sẽ chạm đến mỗi người dân. Tới đây, các dòng thuế sẽ giảm xuống mức 0% hoặc rất thấp. Người dân có thể thấy, hàng hóa của Hiệp hội được trao đổi, họ dùng hàng hóa của nhau và có chung cảm nhận về một thị trường đồng nhất… Khi họ đã có được quyền lợi thì chắc chắn sẽ ý thức được trách nhiệm phải gìn giữ và xây dựng một cộng đồng vững mạnh.

Cần đoàn kết trước "sóng" Biển Đông

Sức đề kháng trong quan hệ với nước lớn của ASEAN tăng lên nhưng trước vấn đề Biển Đông ASEAN vẫn gặp phải không ít thách thức bởi đây là một vấn đề lớn. Vừa qua, kể từ khi được thành lập năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) không đưa ra được tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông. Có thể nói, lợi ích của các nước ASEAN ở Biển Đông là khác nhau, dẫn tới cách tiếp cận của họ về vấn đề này cũng khác nhau. Trung Quốc sử dụng con bài là mối quan hệ kinh tế để vận động nhiều nước ASEAN không đề cập tới Biển Đông trong tuyên bố tại ADMM+. Từ đây, có thể thấy rõ rằng sự chia rẽ còn tồn tại trong ASEAN khá lớn, nội bộ ASEAN dễ bị phân hóa thành nhóm. Không đưa ra được tuyên bố chung tại ADMM+ cũng là một thất bại của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.

Theo tôi, sau khi AC ra đời, tình trạng ASEAN bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông sẽ vẫn còn tồn tại bởi vấn đề Biển Đông không chỉ là xung đột về lợi ích, chủ quyền an ninh quốc gia mà còn là xung đột địa chính trị, sự chồng chéo lợi ích và quyền lực của các nước lớn. ASEAN cũng không phải là một siêu quốc gia hay tổ chức đồng minh quân sự để có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này.

Trong tương lai, xung đột Biển Đông sẽ tiếp tục phức tạp. ASEAN đang đi đúng hướng nhưng cần phải tăng tính độc lập, tự quyết định số phận nhiều hơn, cân bằng lợi ích giữa các nước lớn, mạnh lên về kinh tế và đoàn kết về chính trị. Đoàn kết nội bộ là yếu tố cốt lõi để ASEAN phát triển cũng như giải quyết nhiều vấn đề phức tạp.

Điểm tựa, công cụ chính sách

Tại một số nước ASEAN đang diễn ra quá trình dân chủ hóa, có sự thay đổi thế hệ lãnh đạo hay tồn tại sự xáo trộn trong đời sống chính trị. Tuy nhiên, theo tôi thì điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới AC. Mặc dù một số nước như Myanmar, Thái Lan hay Indonesia đang bận rộn với các vấn đề trong nước, nhưng họ chắc chắn sẽ không thể lãng quên mà vẫn tiếp tục nỗ lực để có vị thế ngày càng cao trong AC bởi Cộng đồng thực sự rất quan trọng với mỗi nước thành viên Hiệp hội. Khi các nước lớn đưa ra luật chơi, một nước nhỏ khó có thể điều chỉnh chính sách để thích nghi một cách kịp thời. AC chính là một điểm tựa, một công cụ chính sách để các nước thành viên có thể vươn ra thế giới bên ngoài một cách tự tin hơn.

Cuộc bầu cử vừa qua tại Myanmar, với thắng lợi thuộc về Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, sẽ tốt hơn cho ASEAN. Chính phủ mới của Myanmar sẽ cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, phù hợp với ý chí hành động của ASEAN hiện thời.

AC ra đời trong bối cảnh mô hình Liên minh châu Âu (EU) đang bị phân hóa nội bộ rõ nét bởi bất đồng giữa các nước thành viên trên nhiều vấn đề. Nước Anh thậm chí còn có ý định rời khỏi "ngôi nhà chung" này. ASEAN liệu sẽ có một kịch bản tương tự? Theo tôi, câu trả lời là không bởi ASEAN là một tổ chức mở, khác với EU là tổ chức tiến đến siêu quốc gia và chủ quyền bị chia sẻ. Rõ ràng, các thành viên EU có mức độ ràng buộc lớn hơn, trong khi đó, nhiều nước thành viên không cảm nhận được nhiều lợi ích mà EU mang lại. Một số nước trong EU muốn gần gũi trong quan hệ với Nga, nhưng một số nước khác thì ngược lại. Với trường hợp của nước Anh, nước này có an ninh gắn liền với biển nên có nhiều lợi ích khác biệt với EU. Nền kinh tế của Anh cũng không giống như các thành viên EU nên họ không thể tham gia khu vực đồng tiền chung. Một gia đình đông con thì chắc chắn sẽ nhiều vấn đề hơn một gia đình ít con.

ASEAN có thể gặp phải vấn đề như EU hiện nay nhưng với điều kiện phải có một thế lực nào đó đủ mạnh để lôi kéo và phân hóa nội bộ ASEAN. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại và trong khoảng 10 năm tới vẫn chưa thể có một thế lực nào đủ khả năng làm điều đó, kể cả Trung Quốc và Mỹ. Thế giới đang ở trạng thái đa cực và chưa có một cực nào mạnh hẳn lên và có thể phân hóa ASEAN. n

PGS.TSKH Trần Khánh
Nghiên cứu viên cao cấp,
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.



 

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AC) càng làm cho sức đề kháng, sức mặc cả trong các cuộc đàm phán và sức mạnh tổng thể của Hiệp hội tăng lên, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực cũng như thế giới.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/news/2015/11/454C2776C6FE4CAB/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận