Tin tức: Bước tiến mới

Bước tiến mới

Nội dung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến thăm Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tại TP.Hải Phòng ngày 31/5/2015.
Trong thông báo phát đi hôm 17/11, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trên biển nhằm nâng cao sức mạnh hàng hải cho Việt Nam, khuyến khích khả năng tương tác với các lực lượng khác trong khu vực.

Đây là bước đi tiếp theo trong kế hoạch tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam mà Mỹ đã áp dụng từ 40 năm qua. Trong thông báo, Mỹ nói rõ sẽ giúp Việt Nam phát triển công tác tình báo, trinh sát, giám sát trên biển (IRS), nâng cao khả năng chỉ huy và kiểm soát của cảnh sát biển, mở rộng huấn luyện và tập trận, trọng tâm là cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo… Mỹ nâng hỗ trợ chương trình hàng hải cho Việt Nam lên mức 19,6 triệu USD trong năm tài khóa 2015 và có kế hoạch cung cấp 20,5 triệu USD cho năm 2016. Trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển sâu rộng như hiện nay, đây là một động thái rất đáng được hoan nghênh.

An ninh biển ngày càng quan trọng

Động thái này không chỉ là bước tiến mới trong quan hệ Việt – Mỹ mà còn phản ánh một trong những bước đi tích cực của Mỹ với các đối tác khác ở Đông Nam Á. Việc Mỹ lựa chọn lĩnh vực an ninh biển để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và ASEAN là một động thái kịp thời, phù hợp với xu thế chung, phản ánh nhận thức và mối quan ngại chung của Mỹ và nhiều nước trong khu vực về an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

An ninh biển ở biển Đông nói riêng và Đông Á nói chung ngày càng diễn biến phức tạp và điểm nổi bật là đa số các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực hiện nay và trong tương lai đều liên quan đến biển. Do hạn chế về năng lực nên khả năng nhận thức về biển của các nước ASEAN rất yếu. ASEAN hiện không có đủ nguồn lực về trang thiết bị, phương tiện và nhân lực để quản lý, giám sát cũng như thực thi chính sách ở những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông và các nơi khác. Ngay cả những hiểu biết chung tối thiểu về pháp quyền trên biển cũng chưa được hình thành đầy đủ. Chính vì vậy, tình trạng cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu trên biển… diễn biến phức tạp.

Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên gay gắt. Ngoại trừ Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC) đang được ASEAN và Trung Quốc thương lượng, hiện trong khu vực vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận, nguyên tắc cụ thể nào về các hoạt động trên biển. Đông Nam Á không có bất kỳ tổ chức đa phương nào liên quan tới xây dựng năng lực trên biển và Đông Á cũng đang thiếu một diễn đàn thường xuyên để các nhà ngoại giao, cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư các nước trong khu vực cùng ngồi lại với nhau để thảo luận về các vấn đề an ninh biển nhằm phòng tránh xung đột, va chạm không mong muốn trên biển. Do vậy, trợ giúp các nước khu vực xây dựng năng lực trên biển đang trở thành một hướng ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực.

Chia sẻ nhiều điểm chung

Riêng với Việt Nam, năm 2015 đánh dấu vừa tròn 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Giữa hai nước ngày càng có nhiều điểm chung, cả về lợi ích và quan điểm về những vấn đề lớn ở khu vực và trên thế giới. Trong số đó, vấn đề Biển Đông cũng như vấn đề an ninh, an toàn hàng hải là điểm hội tụ về lợi ích song trùng trong quan hệ giữa hai nước.

Cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích to lớn trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Một khu vực Biển Đông mở, an toàn đối với hàng hải, hàng không quốc tế là vô cùng quan trọng, có tính chất sống còn đối với sự thịnh vượng của Đông Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Không những thế, quan điểm của Mỹ và Việt Nam về vấn đề Biển Đông có bốn điểm chung rất đáng lưu ý. Thứ nhất, mặc dù Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhưng Mỹ chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình. Điều này rất phù hợp với quan điểm của Việt Nam hiện nay về vấn đề biển Đông. Hai là, mặc dù Mỹ không phải là nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhưng Mỹ ủng hộ việc sử dụng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước này để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Vì vậy, Mỹ là một trong những nước tích cực ủng hộ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở tòa án quốc tế. Sử dụng công cụ pháp lý giải quyết tranh chấp cũng là một biện pháp hòa bình và văn minh được nhân loại tiến bộ chấp nhận. Ba là, Mỹ ủng hộ sử dụng các cơ chế đa phương, minh bạch, đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn ASEAN đoàn kết, phát huy vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực. Bốn là, Mỹ ủng hộ việc thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố DOC và hướng tới một bộ Quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc về pháp lý. Nói tóm lại, quan điểm của Mỹ về Biển Đông và việc hỗ trợ năng lực cho các nước trong khu vực và Việt Nam là rất có lợi cho khu vực.

Không chỉ có vấn đề Biển Đông, quan hệ Việt - Mỹ đang hướng tới những lợi ích rộng lớn hơn rất nhiều để trở thành những đối tác thực chất, toàn diện của nhau. Sự phát triển sâu rộng và thực chất trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ góp phần duy trì hòa bình, ổn định, chia sẻ sự thịnh vượng của khu vực, đồng thời góp phần nâng cao năng lực xây dựng và bảo vệ Việt Nam trong bối cảnh mới.

A Ma H’Dương



 

Trong thông báo phát đi hôm 17/11, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trên biển nhằm nâng cao sức mạnh hàng hải cho Việt Nam, khuyến khích khả năng tương tác với các lực lượng khác trong khu vực.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/BinhLuan/2015/11/5313B4C5418ACA93/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận