Tin tức: Các địa phương nỗ lực hỗ trợ nông dân vùng hạn, mặn

Các địa phương nỗ lực hỗ trợ nông dân vùng hạn, mặn

Nội dung

UBND, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân vùng hạn, mặn khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi.

Cac dia phuong no luc ho tro nong dan vung han, man - Anh 1

Thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong công tác sản xuất, đối phó hiệu quả với hạn hán và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ 43.499 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn về giống cây trồng và thủy sản để khôi phục sản xuất tại những vùng bị thiên tai xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân 2015-2016.

Tổng kinh phí hỗ trợ gần 50,6 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; trong đó, kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa chiếm gần 48 tỷ đồng, cây màu và cây mía 865 triệu đồng, cây ăn trái hơn 880 triệu đồng, nuôi thủy sản hơn một tỷ đồng.

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, huyện Trà Cú là địa phương được hỗ trợ nhiều nhất với gần 20 tỷ đồng; trong đó hơn 14.000 hộ trồng lúa, trên 1.000 hộ trồng hoa màu và mía, 7 hộ trồng cây ăn trái và 407 hộ nuôi thủy sản được hỗ trợ.

Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do hạn, mặn gây ra ước gần 1.100 tỷ đồng. Trong đó, 41.000 hộ trồng lúa thiệt hại hơn 29.000 ha lúa; 587 hộ trồng cây ăn trái ở huyện Cầu Kè, Trà Cú bị thiệt hại 285 ha; hơn 400 hộ nuôi thủy sản của huyện Trà Cú thiệt hại khoảng 181 ha nuôi tôm, cá lóc, cua biển…

Trong những ngày qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã đến các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Cù lao Dung và thị xã Ngã Năm chi hỗ trợ cho 1.600 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn, mỗi hộ 1 triệu đồng.

Đây là số tiền từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, mỗi đơn vị hỗ trợ 1 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cũng đã lên kế hoạch phân bổ nguồn tiền hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho 2.000 hộ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn đợt 2, mỗi hộ 1 triệu đồng.

Tính đến cuối tháng 4, tỉnh Sóc Trăng có trên 28.000 ha cây trồng và gần 9.000 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng do hạn, mặn, ước thiệt hại trên 600 tỷ đồng; trong đó huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và Kế Sách bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cac dia phuong no luc ho tro nong dan vung han, man - Anh 2

Đem nước ngọt cho đồng bào vùng hạn, mặn. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn

Ngày 3/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Hội từ thiện Bông Sen TPHCM, Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Ninh Thuận tổ chức thăm, tặng 64 bồn chứa nước, cùng 100 suất quà trị giá 170 triệu đồng cho người dân nghèo vùng tâm hạn huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận).

Đồn Biên phòng Đắk Xú, tỉnh Kon Tum vừa phối hợp chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng công trình nước tự chảy cho hơn 500 người dân ở làng Đắk Long và Đắk Giao, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi.

UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa vận chuyển nước sinh hoạt và 53 bồn nhựa trữ nước để đưa nước sinh hoạt miễn phí cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Hòn Chuối. Đây là chuyến vận chuyển nước đầu tiên ra đảo.

Tiền Giang hoàn thiện mạng lưới thủy lợi cho địa bàn trọng điểm

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư trên 84 tỷ đồng thực hiện 449 công trình thủy lợi, trước mắt bảo đảm nguồn nước sản xuất phục vụ trên 38.000 ha lúa Xuân Hè ở các huyện phía tây.

Tỉnh cũng đầu tư trên 24 tỷ đồng nạo vét 77 tuyến kênh mương nội đồng bị cạn và tổ chức bơm chuyền hai cấp phục vụ khoảng 12.000 ha nằm ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.

Xác định thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong công tác sản xuất, đối phó hiệu quả với hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Tiền Giang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện mạng lưới thủy lợi cho các địa bàn trọng điểm, thường xuyên bị thiên tai như: Vùng ven biển Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngập lũ đầu nguồn…

Các công trình bảo đảm đạt hiệu quả lâu dài, không chỉ phục vụ tốt cây lúa, mà còn nhiều đối tượng khác như rau màu, cây ăn quả; bảo đảm sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Đến đầu tháng 5, Tiền Giang cơ bản hoàn thành thu hoạch trên 74.000 ha lúa vụ Đông Xuân, năng suất bình quân 70 tạ/ha và sản lượng trên 503.000 tấn lúa hàng hóa. Địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch xuống giống trên 134.000 ha lúa các vụ kế tiếp trong năm 2016.

Thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng do hạn, mặn

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến hết tháng 4, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã lên tới 9.020 tỷ đồng.

Do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, gần 475.000 hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt. Về trồng trọt, thiệt hại về lúa là gần 248.000 ha, cây công nghiệp là 129.000 ha, thủy sản là hơn 5.000 ha, hoa màu là 19.000 ha và cây ăn quả là hơn 52.000 ha.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 23.000 ha. Dự báo nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, khoảng 57.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất vụ Hè Thu.

Tại khu vực ĐBSCL, tổng diện tích thiệt hại các vụ lúa từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là 208.800 ha.

Anh Kiên (tổng hợp)

Share on Tumblr

UBND, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân vùng hạn, mặn khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, trồng trọt và...

Nguồn: www.baomoi.com/cac-dia-phuong-no-luc-ho-tro-nong-dan-vung-han-man/c/19285216.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận