Tin tức: Kể anh em nghe chuyện submit app lên store và sự khác biệt giữa Apple với Google

Kể anh em nghe chuyện submit app lên store và sự khác biệt giữa Apple với Google

Nội dung

App là thứ mà anh em xài mỗi ngày, dù cho máy anh em đang cầm có là iPhone, iPad hay Android đi nữa thì ứng dụng là thứ không thể nào thiếu để mang tới một trải nghiệm đầy đủ nhất. Tuy nhiên, thứ làm mình thắc mắc từ đó đến giờ là quy trình "nộp" app lên cho Apple và Google ra sao, các bạn lập trình viên phải làm gì, chờ bao nhiêu ngày. Mình cũng nghe nói là Apple duyệt khó hơn Google, nhưng khó là khó ra sao thì không có ai trả lời đầy đủ được cho mình cả. Hên cái là mấy tháng vừa qua mình có dịp làm app và submit app, vậy nên cũng biết được kha khá điều hay để trả lời cho những câu hỏi, sẵn tiện kể luôn cho anh em Tinh tế biết. Yên tâm, mình chẳng nói code hay gì phức tạp đâu, chỉ nói về quy trình tạo ra file cài rồi xét duyệt của Apple với Google thôi.

Dài quá lười đọc thì mời xem tóm tắt:
File IPA và APK có thể được tạo rất đơn giản Icon cho app phải có nhiều kích cỡ khác nhau để cho các máy, màn hình và độ phân giải khác nhau App trước khi lên store phải được lập trình viên "kí" xác thực bằng một chiếc chìa khóa riêng, cả Android lẫn iOS Bên Android, nếu lập trình viên làm mất chìa khóa này thì xem như mất app, không thể up các bản cập nhật lên store Tên định danh của các app là tên miền lật ngược, ví dụ vn.tinhte.app hoặc com.facebook.app Apple xét duyệt ứng dụng kĩ hơn Google rất nhiều, thời gian cũng lâu hơn nhiều App dùng trong doanh nghiệp được phân phối theo kiểu riêng, không lên Store mà sẽ cài thẳng Bài dài, chi tiết hơn:

Đầu tiên hãy nói về quy trình tạo ra file *.ipa (iOS) và *.apk (Android). IPA là định dạng file cài ứng dụng của iOS, trong khi APK là của Android. Để tạo được file đó, sau khi đã viết app hoàn chỉnh và kiểm tra kĩ càng, các bạn lập trình viên sẽ bấm 1 nút để xuất thành file, vậy là xong. Trước đây mình cứ tưởng là phải gõ dòng lệnh này nọ kinh khủng lắm, nhưng thật ra Apple và Google hỗ trợ việc tạo file này vô cùng dễ dàng. Bên Android bạn cũng có thể gõ dòng lệnh, cũng dễ thôi, chỉ vài chữ là ổn.

Một yêu cầu nữa của cả Apple và Google là bạn phải cung cấp đủ icon cho app với nhiều kích cỡ khác nhau, mục đích là để iOS / Android hiển thị icon cho từng máy tùy theo kích thước và độ phân giải màn hình. Yêu cầu này cực kì khắt khe và bạn phải làm đúng như vậy, không được sai, sai thì chia tay, khỏi lên store. Bên Windows Microsoft cũng yêu cầu tương tự.

Ke anh em nghe chuyen submit app len store va su khac biet giua Apple voi Google - Anh 1

Nhưng anh em có biết làm thế nào mà Apple và Google có thể đảm bảo rằng file IPA hay APK mà anh em cài vào máy không bị chỉnh sửa? Hai hãng dùng một quy trình gọi là sign, trong đó bạn lập trình viên sẽ sử dụng một "chứng chỉ", hay còn gọi là một "khóa", để nhúng vào trong file. Khóa này sẽ khác nhau với từng nhà phát triển, từng công ty, không ai giống ai, vậy nên mới đảm bảo được tính an toàn. Để sở hữu được cái khóa đó, ở bên Apple bạn sẽ phải trả phí ít nhất là 99$ mỗi năm, còn bên Google phí đăng kí là 25$. Riêng với Google, bạn mà làm mất đi cái khóa này là coi như tiêu, app của bạn sẽ không bao giờ có thể update tiếp, bạn buộc phải tạo thành một app mới hoàn toàn dù cho nội dung chả thay đổi gì, thông tin trên Store về số lượng download hay đánh giá cũng mất hết.

Sau khi đã có được file IPA và APK trong tay, các bạn developer sẽ bắt đầu quá trình nộp (submit) app lên App Store và Play Store để phân phối đến người dùng. Mỗi app khi submit sẽ phải chọn một cái tên duy nhất, gọi là identifier. Tên này bắt buộc phải là độc nhất trên toàn bộ cửa hàng, ngay cả công ty bạn làm nhiều app thì cũng không được xài tên giống nhau. Identifier thường được đặt với dạng lật ngược lại của tên miền website.

Ví dụ ứng dụng cho Tinh tế sẽ là vn.tinhte.app, ứng dụng Facebook sẽ làm com.facebook.<tên app>. Lý do làm như vậy là để đảm bảo tên của bạn không bị trùng với người khác (lỡ chọn trùng thì Apple / Google sẽ báo và bạn không được phép xài tên đó). Lưu ý, identifer không giống với tên hiển thị mà bạn thấy trên Store. Tên hiển thị có thể trùng nhau, ví dụ có thể có 100 app tên là "xếp hình", nhưng chắc chắn 100 app đó có identifier khác nhau cả.

Ke anh em nghe chuyen submit app len store va su khac biet giua Apple voi Google - Anh 2

Sau khi đã upload file IPA / APK lên rồi thì bạn lập trình viên sẽ bắt đầu viết mô tả, chụp ảnh screenshot cho app, đăng video.... Nói chung là mấy công việc hành chính đơn giản. Nhưng việc này nếu không cẩn thận cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, ảnh screenshot sẽ được yêu cầu đúng độ phân giải bao nhiêu đó, ảnh minh họa banner cũng phải đúng nếu không sẽ không được duyệt và bạn không thể tiếp tục. Riêng Apple bắt buộc bạn phải đăng đủ screenshot cho cả iPhone 3,5", 4", 4,7" và 5,5", tương tự cho iPad.

Bạn cũng phải chọn đánh giá nội dung, chẳng hạn như app của bạn có chứa nội dung khiêu dâm, bạo lực hay ngôn từ tục tĩu gì hay không. Những bài đánh giá này đều sử dụng câu hỏi do IARC đưa ra, đây là tổ chức chuyên đánh giá về nội dung số. Microsoft cũng dùng chung bảng câu hỏi của IARC.

Giờ tới giai đoạn căng thẳng nhất: xét duyệt app. Việc xét duyệt này tất nhiên do đội ngũ của Apple và Google thực hiện, bạn chẳng thể can thiệp được gì. Apple họ review rất rất kĩ, có thể mất đến 10 ngày ứng dụng của bạn mới được chấp thuận, nhưng cũng có thể là bị từ chối (sẽ nói thêm bên dưới). Google thì nhanh hơn, app lâu nhất mà mình từng thấy là 2 ngày, còn có app của mình chỉ 1 ngày là lên Play Store rồi.

Trong quá trình submit 3 ứng dụng của mình lên Store, mình có thể thấy rõ sự khác biệt về xét duyệt giữa Apple và Play Store. Đầu tiên là nội dung, Apple xem kĩ từng nội dung một trong app của bạn, bạn cũng phải cung cấp tài khoản đăng nhập nếu app của bạn cần một số tài khoản đặc biệt để unlock những món đồ hay tính năng nào đó. 1 trong các app của mình viết là app nội bộ công ty xài, đưa lên Apple họ từ chối ngay, lý do là app nội bộ thì phải xài một dạng phân phối khác, không cho lên Store. Trong khi đó, với cùng app này thì bên Play Store cho lên ngay trong vòng 1 nốt nhạc.

Thứ hai, Apple họ cũng xem xét rất kĩ những thứ mà app bạn sẽ hiện lên trong tương lai chứ không chỉ là hiện tại. Mình có làm 1 app nghe và tải nhạc, Apple gửi email hỏi ngay là mình có giấy tờ gì chứng minh bản nhạc mình đưa lên app là có bản quyền hay không. Mình phải gửi giấy tờ đầy đủ thì Apple mới chịu cho qua và lên Store. Trong khi đó, bên Google Play thì cũng lên ngay mà không thấy hỏi gì thêm.

Ke anh em nghe chuyen submit app len store va su khac biet giua Apple voi Google - Anh 3

Một khi app đã được Apple và Google duyệt xong, app sẽ được đưa lên store ngay hoặc hẹn giờ lên tùy ý muốn của bạn lập trình viên. Một số tình huống mà bạn muốn hẹn giờ để publish app có thể là bạn muốn làm một thông báo nào đó thật to lớn về ứng dụng của mình mà không cho ai biết trước để tạo bất ngờ, hoặc để sử dụng cho mục đích quảng bá và chạy chiến dịch quảng cáo nào đó.

Sẵn đây kể luôn cho anh em biết là app nội bộ chỉ cho công ty xài thì sẽ phân phối như thế nào? Play Store thì cho lên thẳng, thoải mái, chẳng check gì. Trong khi đó, Apple có mọi chương trình gọi là Apple Enterprise Developer, giá lên tới 299$ / năm, trong khi tài khoản Apple Developer thường chỉ là 99$ / năm. Tài khoản Enterprise có tất cả chức năng như tài khoản thường, cộng thêm khả năng phân phối ứng dụng mà không cần thông qua App Store. Lúc đó, bạn chỉ cần dẫn người dùng tới link cài đặt có nhúng file IPA là xong. Tất nhiên, người dùng sẽ phải cho phép chứng chỉ bảo mật của tài khoản Enterprise thì app mới có thể hoạt động. Hiện tại một số kho app bẻ khóa cũng đang dùng kiểu này để cài app lậu.

Kết lại, mình muốn nói là Google cần phải làm tốt hơn khâu kiểm duyệt của mình để đảm bảo chất lượng app lên Play Store cũng cao như là App Store. Đội ngũ review của Google cũng phải kĩ tính hơn để những nội dung xấu, các app malware hoặc những phần mềm phát tán nội dung không bản quyền không có cửa lên được cửa hàng. Có như vậy thì chất lượng app Android trên Play Store mới được nâng lên cao. Mình rất ủng hộ cách làm khắt khe của Apple, tuy nó làm cho lập trình viên cực nhọc hơn nhưng trải nghiệm cuối cùng của người dùng sẽ tốt và ngon, từ những chi tiết nhỏ cho đến tổng thể app.

App là thứ mà anh em xài mỗi ngày, dù cho máy anh em đang cầm có là iPhone, iPad hay Android đi nữa thì ứng dụng là thứ không thể nào thiếu để mang tới một trải nghiệm đầy đủ nhất....

Nguồn: www.baomoi.com/ke-anh-em-nghe-chuyen-submit-app-len-store-va-su-khac-biet-giua-apple-voi-google/c/19...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận