Vài tháng gần đây, việc các thương lái Trung Quốc lại đẩy mạnh thu mua loại lợn mỡ (lợn trên 100kg/con) đã khiến mặt hàng thịt lợn tăng giá. Đặc biệt, có những vùng nhen nhóm mở rộng hoạt động chăn nuôi lợn để xuất đi Trung Quốc.
Người chăn nuôi bị động sẽ chịu rủi ro nếu phía Trung Quốc dừng thu mua
Giá tăng vì Trung Quốc thu mua
Tại vùng chăn nuôi trọng điểm khu vực Đông Nam bộ, vài tháng nay, thị trường thịt lợn sôi động hẳn lên. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Nam bộ, chưa bao giờ phong trào xây chuồng trại, mua bán lợn giống và lợn thịt lại sôi động đến thế. Ngày 2-5, giá lợn hơi đã lên mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 19 tháng qua và dự báo còn tiếp tục tăng khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngừng nhập khẩu lợn thịt từ Việt Nam.
Với mức lợi nhuận 1-1,5 triệu đồng/con lợn (trung bình 100 kg/con), người chăn nuôi đang cấp tập mở rộng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Việc này khiến giá lợn giống tăng vọt, từ 95.000 đồng/kg lên mức 115.000-120.000 đồng/kg.
Không chỉ ở các tỉnh Đông Nam bộ, tại các tỉnh từ miền Trung đổ ra miền Bắc, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá lợn cũng tăng mạnh do thương lái thu gom. Tại các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam... giá lợn hơi đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thương lái đẩy mạnh thu mua để đưa sang Trung Quốc. Tại các chợ dân sinh, thịt lợn tuy chưa khan thiếu nhưng giá cũng được đẩy lên cao.
Lợn sau thu gom trong nội địa sẽ vận chuyển tới Lạng Sơn và Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hàng chủ yếu đi qua các lối mở Co Sa (gần cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình), Bản Chắt (huyện Đình Lập); Co Sâu (gần cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc). Còn trên địa bàn TP Móng Cái (Quảng Ninh), hàng đi qua các lối mở thuộc xã Hải Sơn, Hải Hòa, cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu).
Theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mỗi ngày có ít nhất 500 tấn lợn hơi được thương lái đưa qua đường tiểu ngạch. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, việc thương lái ồ ạt thu gom lợn mỡ để xuất sang Trung Quốc trong vài tháng gần đây đã đẩy giá lợn thịt trong nước tăng khá mạnh. Đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này.
Rủi ro cao
“Chúng tôi phấn khởi vì lợn được giá, người chăn nuôi có lãi nhưng cũng rất lo. Hoạt động buôn bán kiểu này đã diễn ra nhiều năm qua, song chỉ diễn ra dưới dạng tiểu ngạch nên nhiều rủi ro. Nếu phía Trung Quốc dừng mua lợn thì bà con sẽ gánh chịu thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hoạt động buôn bán theo kênh tiểu ngạch không có sự đảm bảo bằng hợp đồng nên phía Việt Nam hoàn toàn bị động. Như vậy, nếu phía Trung Quốc đột ngột dừng mua thì hàng trăm tấn lợn thịt chờ ở biên giới sẽ bị dội trả lại.
Trước tình trạng người chăn nuôi ở một số khu vực đang mở rộng chuồng trại để nuôi lợn bán sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng: “Việc làm này rất nhiều rủi ro, bà con nên cẩn trọng. Đừng vì Trung Quốc đẩy mạnh thu mua kiểu thời vụ mà mở rộng chăn nuôi. Nếu họ ngừng thu mua thì lập tức lợn sẽ bị ùn ứ. Tình trạng này đã xảy ra rất nhiều lần và với nhiều loại nông sản của Việt Nam, không riêng lợn mỡ”.
Vì thế, người chăn nuôi cần chủ động, chăn nuôi theo kế hoạch để tránh rủi ro, thiệt hại. Đặc biệt, loại lợn Trung Quốc thu mua là lợn mỡ, vốn rất khó tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Nếu Trung Quốc ngừng thu mua thì loại lợn này bán ra nội địa cũng rất khó khăn, mất giá.
Cách đây nửa tháng, tình trạng lợn dội chợ đã từng xảy ra. Cụ thể, từ ngày 16 đến 22-4, một số xe chở lợn xuất qua Trung Quốc theo lối Lạng Sơn phải chở ngược lại vì phía Trung Quốc tạm dừng thu mua. Cục Chăn nuôi cho biết, 4 tháng đầu năm 2016, lượng lợn giống vào chuồng đã tăng 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn lợn hiện tại của Việt Nam đã lên tới 28 triệu con. So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng lợn trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con.
Cục Chăn nuôi đánh giá, thị trường thịt lợn Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro. Đề cập đến việc thúc đẩy xuất khẩu lợn thịt sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để hạn chế rủi ro cho nông dân, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, vấn đề này khá phức tạp, cần sự vào cuộc, thỏa thuận của cơ quan chức năng thì mới có thể triển khai.