Tin tức: Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cần sự chung tay từ ba bên

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cần sự chung tay từ ba bên

Nội dung

Nhiều đại biểu có mặt tại Diễn đàn Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức ngày 12/5 đều cho rằng, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang trên đà phát triển tốt. Tuy nhiên, để mảng sáng về thực phẩm này “bành trướng” hơn nữa ra thị trường, rất cần sự “chung tay” từ 3 bên: Nhà nước – Doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cơ hội và thách thức

Nhận xét về sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, TS Lê Văn Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm RECEM thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho rằng, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang trên đà phát triển tốt. Năm 2010 cả nước có 21.000ha nông nghiệp hữu cơ, nhưng đến năm 2013 diện tích đã đạt được là 37.490 ha, tăng 1,78 lần so với năm 2010. Năm 2014 đạt 43.010 ha, tăng 2,05 lần so với năm 2010.

Phat trien nong nghiep huu co: Can su chung tay tu ba ben - Anh 1

Từ trái qua: TS Lê Văn Hưng- Phó giám đốc Trung tâm RECEM thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, TSKH Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, MC và bà Từ Tuyết Nhung – Ban Điều phối PGS

Bên cạnh thuận lợi trên, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ tác động tốt tới xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao hữu cơ.

Ngoài ra, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được Quốc hội 12 thông qua năm 2010, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý an toàn thực phẩm, là điều kiện cho hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở nước ta.

Ông Hưng cũng đưa ra một thực tế đáng mừng đó là hiện hệ thống các siêu thị với các gian hàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đã và đang hấp dẫn được sự chú ý của các nhà hàng, khách sạn cao cấp trong nước…

Tuy nhiên thách thức đối với nông nghiệp hữu cơ hiện nay là đời sống người dân Việt Nam còn thấp và dân trí chưa cao, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là vấn đề nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về giá trị của nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ là vấn đề không dễ dàng thay đổi bởi với sản xuất hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc thảo mộc, hoặc sinh học nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng so với sản xuất thông thường. Ngoài ra, hệ thống các văn bản hướng dẫn và quy định về sản xuất hữu cơ còn chưa hoàn thiện, không đồng bộ….

Đâu là giải pháp?

Để khắc phục tình trạng trên, Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam đề nghị, thứ nhất, các bộ ngành ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận, nhãn hàng hóa hữu cơ…) với các sản phẩm có nhãn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc. Thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ ở nước ta.

Thứ hai, các bộ ngành ban hành cơ chế chính sách hình thành cơ quan chứng nhận tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản xuất các sản phẩm hữu cơ.

Thứ ba, cần có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng sản xuất lớn chuyên canh cho phát triển hữu cơ.

Thứ tư, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. Đặc biệt trong việc xác định và phát triển sản phẩm chủ lực cho nhu cầu xuất khẩu của hàng hóa nông sản hữu cơ Việt Nam…

Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong đó có sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ.

Bài liên quan:

Ngành Nông nghiệp… “đội sổ” về cải cách hành chính?
Đồng bộ hóa chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Khi ‘ông lớn’ để mắt tới nông nghiệp

Bên cạnh đó, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng đề nghị doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, kết nối trong chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cần tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào.

Doanh nghiệp sản xuất cần có các chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn hữu cơ, có nhãn hàng hóa hữu cơ để thuận tiện truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng, tạo nguồn sản phẩm chất lượng cao, an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dài hạn lãi suất thấp

Bà Trương Kim Hoa – Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Tiềm năng sinh thái Hòa Lạc kiến nghị, nhà nước cần có hệ thống văn bản pháp quy về tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất thấp để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và chế biến.

Bà Hoa cũng cho rằng công tác thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, có cơ chế thưởng phạt minh bạch rõ ràng để khích lệ cách doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo bà Hoa, bản thân doanh nghiệp sản xuất hữu cơ không thể kiểm soát chặt chẽ được sản phẩm đến tay người tiêu dùng, việc làm hàng giả, hàng nhái có thể xảy ra làm mất lòng tin, ảnh hưởng đến uy tín của những người sản xuất hữu cơ….

Hồ Hường

>> Khi ‘ông lớn’ để mắt tới nông nghiệp

Nhiều đại biểu có mặt tại Diễn đàn Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức ngày 12/5 đều cho rằng, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang trên đà phát...

Nguồn: www.baomoi.com/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-can-su-chung-tay-tu-ba-ben/c/19358698.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận