Khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng có nhiều biến động và chuyển đổi chiến lược về mặt cấu trúc địa chính trị, kinh tế, an ninh… đòi hỏi các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cần có ứng biến cần thiết để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình. Nhân chuyến thăm và làm việc của chuyên gia chính trị Prince Michael, công quốc Liechtenstein tới Việt Nam, TG&VN đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông về các vấn đề trên.
Sự căng thẳng tất yếu của khu vực
Tình hình địa chính trị trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi khó đoán bởi sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Theo ông, tương lai khu vực sẽ ra sao?
Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ thay đổi quyền lực toàn cầu. Sau sự sụp đổ của Liên Xô 25 năm trước đây, Mỹ có thể được coi là bá quyền thế giới. Nhưng hiện nay cả cường quốc thế giới hay khu vực đều đang thách thức hiện trạng này. Đặc biệt là Trung Quốc có tham vọng trở thành một thế lực tương đương với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đều hướng tới định hình thế giới và điều này đã được nhìn thấy ở nhiều khu vực.
Các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản ở Đông Á, và nhiều nước khác đều muốn khẳng định lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Đông Nam Á và Đông Á là khu vực mà tham vọng của Trung Quốc đang tạo ra những xung đột với các nước nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines và cả Nhật Bản. Hầu hết các nước này là đồng minh và là một phần thiết yếu trong khuôn khổ an ninh toàn cầu của Mỹ.
Không may rằng khu vực này không chỉ hứng chịu các xung đột mà cả tình hình căng thẳng do va chạm lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Những căng thẳng hiện nay có nhiều khả năng tăng lên. Điều này gây áp lực lớn cho Đông và Đông Nam Á, và cả sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Sẽ cần những chiến lược chính trị vững chắc và thận trọng để tránh căng thẳng leo thang.
Ông nghĩ gì về cuộc cạnh tranh quyền lực biển và các vấn đề chủ quyền gần đây ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông? Các bên liên quan sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích hòa bình và an ninh khu vực?
Có vẻ như Trung Quốc đang muốn giành quyền bá chủ trong khu vực này. Một số biểu hiện như sự gia tăng hiện diện hải quân và không quân, tôn tạo đảo giúp Trung Quốc trực tiếp kiểm soát một phần khu vực biển và yêu sách chủ quyền đối với các đảo nhỏ. Điều này đe dọa sự ổn định trong khu vực và làm suy yếu tính chủ quyền. Mặt khác, các nước trong khu vực cũng là những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế sâu sắc.
Việc bảo vệ các lợi ích như bạn hỏi chỉ có thể đạt được bằng chính sách chủ động và thận trọng, bao gồm sự xây dựng và duy trì liên minh. Việc Mỹ xoay trục sang châu Á đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh này. Tại thời điểm đó, chủ quyền của các quốc gia châu Á và Trung Quốc là mối quan tâm của Nhà Trắng. Tuy nhiên điều quan trọng là, các cường quốc khu vực khác vẫn còn mạnh về kinh tế đồng thời duy trì cơ chế tự vệ và một liên minh mạnh mẽ và hòa bình giữa họ với nhau.
Cân bằng lợi ích riêng và lợi ích láng giềng
Người Việt Nam muốn duy trì hòa bình và quan ngại về leo thang xung đột ở Biển Đông. Theo ông, biện pháp nào sẽ hạn chế sự căng thẳng / xung đột?
Có một quy tắc cũ: Chuẩn bị để phòng thủ tốt là sự bảo vệ tốt nhất. Cho dù gặp một kẻ thù rất mạnh và to lớn hơn nhiều, bạn vẫn có khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình. Quốc phòng do đó nên được kết hợp với các liên minh tốt. Thực thi các mối quan hệ thương mại cũng rất hữu ích, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Điều quan trọng là một chiến lược tốt, chủ động, cân bằng lợi ích riêng với lợi ích của các nước láng giềng và duy trì một nền quốc phòng đáng tin cậy.
Các cuộc xung đột hiện tại và tiềm năng giữa Việt Nam và các nước láng giềng là gì? Điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Tôi cho rằng hiện Việt Nam có một cuộc xung đột và tiềm năng là sẽ có thêm nhiều xung đột nghiêm trọng hơn chỉ với Trung Quốc. Chúng ta hãy hy vọng rằng các chiến lược chính trị có thể giúp tránh được sự leo thang của xung đột hiện tại. Mâu thuẫn luôn có hại, nhưng đôi khi không thể tránh khỏi nếu có một đối thủ quá hung hăng. Ngay cả khi chống lại các yêu sách mạnh mẽ, việc sử dụng vũ lực ngay lập tức là không bền vững. Phơi bày điểm yếu là tạo cơ hội cho đối thủ. Cần cải thiện mối quan hệ với các cường quốc châu Á khác và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong trường hợp có xung đột.
Một số chuyên gia cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một công cụ để thực hiện chiến lược địa chính trị mới của Obama, ý kiến của ông là gì? Những nước thành viên TPP như Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ lợi ích chính trị của họ trong chiến lược này?
Một khu vực thương mại tự do rộng lớn đang hình thành: TPP được ký kết, song song là TTIP, (Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây dương) vẫn đang được Mỹ và châu Âu thảo luận.
Luôn luôn có một sự lựa chọn cho các bên hữu quan. Các hiệp định này sẽ giúp tăng cường thương mại, phát triển nền kinh tế thêm thịnh vượng cũng như nhiều quy định và tiêu chuẩn mới có thể sẽ lọc ra những nền kinh tế kém năng suất và cạnh tranh.
Trung Quốc sẽ làm gì để đối phó với động thái này? Cuộc "đụng độ chiến lược" này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ASEAN?
Trong trường hợp của TPP, Mỹ được coi là lãnh đạo của một công cụ kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc có thể cảm nhận rằng đây là nỗ lực của Mỹ để kiềm chế Bắc Kinh hơn nữa. Tuy nhiên, đã có một hiệp định thương mại tự do thứ hai chồng lên là Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), được Trung Quốc hỗ trợ. Hiện Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, New Zealand, đều là thành viên của cả hai. Đây là một động thái rất thông minh của Trung Quốc.
Cơ hội kinh tế rộng mở
Theo nhận định của ông, các thị trường tiềm năng của Việt Nam hiện nay là gì?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các bạn nhanh chóng phát triển từ một xã hội nông nghiệp nông thôn lên một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên đặc điểm nông nghiệp vẫn còn thể hiện rõ.
Thị trường tiềm năng của Việt Nam hiện nay là cả thế giới, và ASEAN là nền tảng lý tưởng cho các hiệp định thương mại thành công. Việt Nam và các doanh nghiệp của mình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, viễn thông, cung cấp điện, và đặc biệt là hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên,không nên bỏ qua nông nghiệp vì lĩnh vực thế mạnh này sẽ tạo ra các cơ hội lớn, ví dụ trong sản xuất gạo chất lượng cao.
Những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt khi kinh doanh ở các châu lục khác ngoài châu Á là gì?
Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trên “sân khách” là phải tìm hiểu những nhu cầu cụ thể tại các thị trường này, cấu trúc của nó cũng như khuôn khổ pháp lý và sự phát triển – vốn phụ thuộc rất nhiều vào chính trị. Rủi ro chính trị dưới hình thức thay đổi pháp lý là một vấn đề lớn và dễ vấp phải.
Cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam rất cao trong thời điểm công nghệ thay đổi nhanh chóng. Ví dụ như thị trường châu Âu mặc dù phát triển nhưng luôn mở cửa cho các nhà cung cấp mới. Bên cạnh cơ hội đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội sản xuất. Điển hình như các công ty châu Âu thuê các doanh nghiệp hoặc đặt công ty con ở Việt Nam để gia công sản phẩm theo tiêu chuẩn của họ.
Là nhà khoa học chính trị và chuyên gia về các vấn đề ASEAN và Việt Nam, Ông Prince Michael đã có nhiều nghiên cứu về tình hình di cư, châu Á, ASEAN, những mâu thuẫn hiện tại và tiềm ẩn cũng như cơ hội của Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Ông sáng lập Geopolitical Information Service (GIS), một mạng lưới uy tín chuyên tư vấn về các xu hướng địa chính trị (diễn biến và cục diện chính trị ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, năng lượng, quốc phòng và an ninh) cho các chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức và công ty trên thế giới. |
MINH TUẤN (thực hiện)