Ngày 08 tháng 8 năm 1966, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ các ngành điều tra cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Ngày 15 tháng 11 năm 1966 năm học đầu tiên được khai giảng tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (hiện nay là tỉnh Bắc Ninh). Kể từ đó đến nay Nhà trường lấy ngày 15/11 làm ngày kỷ niệm thành lập Trường - ngày hội truyền thống của các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực sự là trung tâm đào tạo lớn nhất của cả nước về các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Trắc địa - Bản đồ, Dầu khí, với trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Hàng vạn kỹ sư tốt nghiệp ra trường đã đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những cán bộ khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.
Các thế hệ thầy giáo, cô giáo và sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất vô cùng phấn khởi và tự hào về sự trưởng thành của Nhà trường - đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới va Huân chương Hồ Chí Minh.
Quá trình hình thành và phát triển của nhà trường:
Giai đoạn tiền thân
Tháng 8 năm 1964, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc. Để tiếp tục duy trì công tác đào tạo trong hoàn cảnh có chiến tranh, tháng 9 năm 1965, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong đó có khoa Mỏ - Địa chất đã sơ tán lên vùng núi tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, thầy và trò đã bất chấp bom đạn, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, nhà ở, tiếp tục công việc giảng dạy và học tập.
Theo chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), tháng 4 năm 1966, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ra quyết định thành lập Ban trù bị chuẩn bị thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 147/CP cho phép thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ngày 31 tháng 8 năm 1966 tại chùa Bút Tháp - Đình Tổ - Thuận Thành - Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) đã diễn ra lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Ngày 15 tháng 11 năm 1966, Trường ĐH Mỏ - Địa chất chính thức khai giảng khoá học đầu tiên. Từ đó, ngày 15 tháng 11 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của trường.
Giai đoạn sơ tán tại Hà Bắc (1966 - 1974)
Những năm đầu mới thành lập, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, Nhà trường phải hoạt động phân tán trên địa bàn rộng thuộc các thôn, xã của hai huyện Thuận Thành (Hà Bắc) và Mỹ Văn (Hải Hưng). Lúc đó, trường có 4 khoa: Mỏ, Địa chất, Địa chất Công trình, Trắc địa và 2 ban (Khoa học cơ bản, Tại chức) với 11 bộ môn chuyên môn, 6 bộ môn cơ bản và cơ sở. Khoá đầu tiên (Khóa 11) gồm 623 sinh viên hệ dài hạn và 77 sinh viên hệ chuyên tu. Mọi cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của Nhà trường lúc này chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân địa phương nơi sơ tán. Bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ công sức của thầy và trò Nhà trường.
Thực hiện chỉ thị số 222/CT-TTg ngày 7/8/1970 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những đơn vị đầu tiên đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất vừa học vừa làm ở vùng công nghiệp Than Quảng Ninh, các đoàn Địa chất, Trắc địa - Bản đồ trên khắp mọi miền đất nước. Nhà trường cũng đã thực hiện tốt Nghị quyết 124/NQ - TW ngày 24/6/1966 của Trung ương về công tác nghiên cứu khoa học. Trong những năm 1966 - 1976, thầy giáo và sinh viên đã hoàn thành 10 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, 52 đề tài cấp Trường, hàng trăm hợp đồng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Tiêu biểu là công trình H8 (sân bay ngầm) do thầy và trò khoa Mỏ cùng đơn vị Công binh thực hiện thành công. Với những đóng góp to lớn vào công trình này Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng III.
Theo tiếng gọi của Đảng, Nhà trường đã có 1050 cán bộ và sinh viên lên đường nhập ngũ. Hàng trăm người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường A.B.C. Nhiều người trong số họ đã cống hiến xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, Nhà trường đã có 4 liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đã trở lại giảng đường tiếp tục giảng dạy và học tập, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển Nhà trường. Hiện nay, Nhà trường có gần 100 hội viên Hội cựu chiến binh. Đây là một tổ chức chính trị xã hội mới trong nhà trường, được thành lập năm 2000. Tổ chức này đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ trường và Hội cựu chiến binh thành phố Hà Nội.
Giai đoạn xây dựng trường ở Phổ Yên - Bắc Thái (1974 - 1984)
Đầu năm 1974, Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường quyết định chuyển toàn bộ cơ sở của trường từ Thuận Thành - Hà Bắc lên Phổ Yên - Bắc Thái, mở đầu một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng và phát triển của trường.
Tại đây, thầy và trò Nhà trường một lần nữa phát huy tinh thần tự lực, tự cường, bắt tay vào việc xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, hội trường, nhà ăn, ký túc xá sinh viên và khu tập thể cán bộ công chức. Mặc dù cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu điện, thiếu nước... nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, trong một thời gian ngắn, nhà trường đã xây dựng được 19.500m2 nhà cấp bốn trên một diện tích rộng hàng chục ha, đủ đảm bảo cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, ăn ở sinh hoạt của cán bộ công chức và sinh viên.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã có hàng chục cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy của trường hăng hái nhận nhiệm vụ vào Nam công tác. Tháng 4 năm 1977, Đảng uỷ Ban giám hiệu Nhà trường quyết định thành lập khoa Dầu khí để đào tạo các kỹ sư thăm dò khai thác dầu khí, góp phần xây dựng ngành Dầu khí non trẻ ở Việt Nam.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo đại học, năm 1976, trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo nghiên cứu sinh. Năm 1977, Nhà trường đã tổ chức thành công Lễ bảo vệ luận án Phó tiến sĩ đầu tiên trong các trường đại học kỹ thuật ở nước ta.
Xây dựng trường chính quy tại Hà Nội
Tháng 9 năm 1981, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cấp đất cho Trường xây dựng tại cánh đồng thuộc ba xã: Cổ Nhuế, Phú Minh và Thượng Cát. Từ đó bắt đầu một thời kỳ mới của nhà trường: vừa tiếp tục duy trì mọi hoạt động của Nhà trường ở Phổ Yên - Bắc Thái, vừa tích cực tổ chức xây dựng cơ sở mới ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội để sớm đưa toàn bộ Nhà trường về Hà Nội. Đến cuối năm 1984, Nhà trường đã xây dựng được 6.500m2 nhà cấp bốn và đã chuyển toàn bộ hoạt động của Nhà trường về Hà Nội.
Tuy được chuyển về Hà Nội, nhưng cơ sở vật chất của Nhà trường còn nhiều thiếu thốn, trường ở xa đường giao thông nên điều kiện đi lại rất khó khăn nhất là những ngày mưa bão. Vì thế các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường còn nhiều hạn chế. Trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, thầy và trò chưa thật sự yên tâm giảng dạy và học tập.
Năm 1986, cấp trên đã quyết định giao cho trường cơ sở khách sạn quốc tế đang xây dựng dở dang để sửa chữa thành cơ sở vĩnh cửu của nhà trường. Khu khách sạn này chính là khu trung tâm của trường hiện nay thuộc địa phận xã Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội. Tại đây, một lần nữa cán bộ công chức và sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất lại bắt tay vào xây dựng cải tạo khu trường mới. Bằng quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo và các ngành, Nhà trường đã triển khai từng bước có hiệu quả công tác cải tạo và xây dựng trường mới.
Đến nay, qua 40 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong 20 năm đổi mới trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Trường Đại học Mỏ-Địa chất đã phấn đấu không ngừng, vượt qua các khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã tạo được những bước tiến mang tính chất đột phá và đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tạo nên những nền tảng vững chắc để đưa Trường đi lên trong thời kỳ đổi mới. Có được thành quả trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và nhạy bén của Đảng uỷ, với sự năng động và sáng tạo của Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, tập thể cán bộ công chức và sinh viên trong toàn trường đã đoàn kết nhất trí, năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm vượt qua khó khăn gian khổ thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới của Nhà trường đề ra. Hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, đã cống hiến tài năng, trí tuệ góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân. Một số đã phấn đấu trở thành những nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ quản lý chủ chốt ở các cơ quan, ở các địa phương đã và đang phát huy tài năng của mình trên mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong đội ngũ đó có những sinh viên trưởng thành trên mọi lĩnh vực, đảm trách các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, và các đoàn thể chính trị - xã hội khác. Có đồng chí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" trong thời kỳ đổi mới.
www.edunet.com.vn
Nguồn: Đại học Mỏ Địa Chất