Tác giả: Sưu tầm
Thể loại: Truyện ngắn hay nhất
Chuyện 1:
Một bác nông dân nghèo khó, quanh năm chân lấm tay bùn làm ruộng mà nhà vẫn chẳng đủ ăn. Một hôm bác tâm sự với mấy người bạn như sau:
“Gia đình tôi có một đứa con trai. Hai vợ chồng cố gắng ăn tằn hà tiện lấy tiền cho thằng con ăn học hết cấp 3. Sau đó do không thi đậu đại học nên nó phải ở nhà phụ giúp tôi lo việc đồng áng. Thương tình em họ làm ruộng không có tương lai, anh họ đang làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, đã sẵn sàng cho con tôi vào miền Nam học việc. Khi mới vào làm do chưa thạo việc, nên thằng con tôi đã được anh họ giám đốc tận tình chỉ bảo. Nhưng nhiều lúc ham chơi, nó đã bê trễ công việc khiến anh tức giận mắng rằng: “Chú muốn làm với anh thì phai làm đàng hòang. Còn nếu không thì đi kiếm việc khác mà làm”. Câu nói của anh khiến con tôi bị chạm tự ái. Nó cho rằng mình bị xúc phạm nên ngay hôm ấy, dọn đồ đi nơi khác kiếm việc, đến nay đang phải đi làm phu khuân vác cho người ta rất khổ cực”...
Khi nghe xong câu chuyện nhà bác, mọi người trong phòng đều thở dài. Hầu như ai cũng cho rằng anh con trai của bác quyết định bỏ đi là đúng. Một người phát biểu: “Nếu là tôi, có lẽ tôi cũng không thèm ở lại chỗ của người anh giám đốc làm gì !”. Người khác lại chêm vào: “Hắn ta đã nói như thế thì dù có các vàng tôi cũng không thèm ở lại !”...
Chuyện 2:
Hôm ấy, nhóm tôi tổ chức nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo của một bệnh viện ung bướu ở gần nhà. Anh trưởng nhóm có mời một “thủ lĩnh” nhiều kinh nghiệm phục vụ nấu ăn đến làm “quân sư” cho nhóm tình nguyện chúng tôi. Trong khi mọi người lo làm các món ăn thì anh “thủ lĩnh” chỉ đứng bên ngòai quan sát . Lúc thì anh ta nhắc các bạn nam khi luộc rau vừa chín tới phải lấy ra ngay, tránh cho rau đổi màu nát nhũn bị mất chất chất vitamin. Lúc thì anh ta chạy tới chỗ gói nem nhắc chị em phải gói sao cho vừa đủ cho từng suất ăn. Anh ta nhắc nhở nhiều đến nỗi mọi người đều hết sức căng thẳng.
Kết thúc buổi nấu cơm, anh “thủ lĩnh” phê bình món canh chưa ngon vì hơi bị nhạt, phê bình nhóm gói nem vẫn gói dư quá nhiều gây lãng phí. Khi bạn trưởng nhóm tổng kết chương trình thì anh “thủ lãnh” chen ngang: “Bắt đầu buổi họp thì phải làm gì nào?”. Bạn trưởng nhóm ấp úng: “Dạ, phải giới thiệu thành phần tham dự buổi họp và cho biết chủ đề buổi họp ạ”. Rồi anh hỏi đến bản báo cáo dự trù kinh phí và bản kê khai tài chính khiến bạn trưởng nhóm lúng túng vì không chuẩn bị. Anh ta bảo, việc minh bạch tài chính là điều hết sức quan trọng trong các chương trình từ thiện. Sau đó anh lại làm một bài giáo huấn nữa khiến cho mọi người trong nhóm nhìn nhau ngán ngẩm.
Tưởng là sau vụ đó bạn trưởng nhóm sẽ cạch mặt anh “quân sư” đó. Nhưng không ngờ, hai anh em vẫn bám lấy nhau như hình với bóng. Khi được hỏi lý do thì bạn trưởng nhóm vui vẻ giải thích: “Tuy anh ấy có hơi kỹ tính, nhưng anh ấy là một thủ lĩnh giỏi và dày dạn kinh nghiệm, mình cần phải học hỏi nơi anh ấy nhiều nữa mới giỏi lên được”. Cuối cùng bạn ấy chốt lại để nhắc nhở chung nhóm tình nguyện chúng tôi: “Một khi tham gia công tác tình nguyện phục vụ thì các bạn không được tự ái. Nếu cứ giữ thói tự ái thì chúng ta sẽ chẳng làm gì được đâu”.
Chuyện 3:
Hồi trước, ở gần nhà tôi mới mở một cửa hàng khung nhôm kính. Ông chủ cửa hàng là người rất khó tính, mấy anh thợ mà làm sai một chút là bị mắng ngay. Một hôm, có một anh thợ sang quán nhà tôi ngồi uống nước, mọi người trong quán liền đổ xô đến góp ý: “Mày hay bị chủ mắng như thế mà chịu được sao? Nếu là tao, tao đã bỏ đi chỗ khác từ lâu rồi”. Người khác thì khuyên: “Thiếu gì chỗ làm mà chú phải chui đầu vào làm ở chỗ đó”... Nghe mọi người góp ý khuyên bảo, nhưng anh thợ làm khung nhôm chỉ cười, cuối cùng anh ta mới giải thích như sau: “Ông ấy tuy hơi khó tính một chút nhưng là thợ giỏi đó. Với lại ông ấy dạy đám thợ chúng em rất nhiệt tình”. Cuối cùng anh kết luận: “Theo em nghĩ: Đi làm mà tự ái quá thì làm sao giỏi được phải không các bác?”
1) Phân biệt tự trọng và tự ái: Tự trọng với tự ái có vẻ giống nhau vì đối tượng nhắm tới đều là bản thân mỗi người, đều muốn được người khác quý mến tôn trọng mình. Nhưng tự trọng và tự ái lại hòan tòan khác biệt với nhau: Tự trọng là một đức tính tốt khi ta cố bảo vệ phẩm chất, tư cách và danh dự của mình hầu tránh khỏi bị kẻ khác khinh thường và nhờ đó tự trọng mang lại may lành hạnh phúc cho ta. Còn tự ái là thói xấu do quá đề cao “cái tôi” của mình nên dễ bị tức giận khi thấy mình bị người nào coi thường hoặc đánh giá thấp, và lập tức phản ứng chống lại kẻ ấy. Tự ái thường gây ra hậu quả không tốt, có thể dẫn đến phạm tội ác và bị tù tội nếu ta không làm chủ được nó.
Như trường hợp anh con trai của bác nông dân trong cậu chuyện 1 đã cảm thấy bị chạm tự ái khi anh họ là giám đốc quở trách, nên tức giận bỏ anh đi tìm việc ở nơi khác. Hậu quả là bản thân anh ta bị thiệt thòi phải đi làm thuê kiếm sống không có tương lai, lại còn làm mất đi tình cảm anh em. Còn bạn trưởng nhóm trong câu chuyện 2 do có lòng khiêm tốn, nên đã học được nhiều bài học quý giá cho bản thân nhờ tiếp thu những lời chỉ giáo tận tình của “thủ lĩnh”. Riêng anh thợ làm khung nhôm nhờ do bíết dẹp bỏ tính tự ái tự cao để kiên trì học việc mà hy vọng sau này sẽ có điều kiện trở nên thợ giỏi việc và sớm mở được một cửa hàng cho riêng mình.
2) Tự trọng và tự ái tuy khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Để giữ được lòng tự trọng thì trước tiên người ta phải biết kềm chế tính tự ái, biết khiêm tốn tiếp thu lời khuyên của người khác để bản thân ngày một hoàn thiện hơn. Một người yêu mình và cố bảo vệ thanh danh là một con người “tự trọng”. Sự tự trọng giúp chúng ta tránh làm điều xấu để khỏi bị người khác khinh thường và quyết tâm làm điều tốt để được người khác kính trọng. Còn thái độ “thượng tôn hạ đạp” (“nâng bi” cấp trên và khinh thuờng cấp dưới) là tự đánh mất phẩm hạnh và giá trị của mình.
3) Tránh thói “sĩ diện hão”: Mặt trái của tính tự trọng là thói “sĩ diện hão”. Thực vậy, nếu không biết tự trọng, người ta sẽ trở nên “mặt dày mày dạn”, không còn nhạy cảm trước những lời phê bình góp ý của tha nhân, để mặc sức lặn ngụp trong vũng bùn tội lỗi; sẵn sàng làm những việc tán tận lương tâm mà chẳng hổ thẹn áy náy chút nào. Người tự trọng và bảo vệ danh dự của mình là một người có “sĩ diện”. Tuy nhiên, nếu quá đáng lại thành “sĩ diện hão” và “tự ái vặt”, nghĩa là quá bảo vệ thứ “danh dự” không có thực và nổi giận vì những lý do không đâu. Tự ái cao đồng nghĩa với kiêu ngạo tự đưa mình lên, thể hiện qua sự thiếu nhẫn nhịn tha nhân, dễ phản ứng chống lại kẻ nào dám xúc phạm đến mình. Hạng người này cũng cần cấp thời sửa đổi để tránh hậu quả khôn lường.
Tóm lại:Phàm là người thì ai cũng có tự ái và sự tự ái ấy sẽ theo chúng ta suốt đời. Hơn nữa, hình như càng làm lớn thì tự ái của người ta lại càng cao lên. Nếu không được kiềm chế, thì với quyền lực trong tay, kẻ tự ái cao sẽ dễ lạm dụng quyền bính để trả thù đàn áp người bất đồng ý kiến. Còn những va chạm tự ái trong cách đối nhân xử thế thường xảy ra giữa nhóm chúng bạn hay giữa những người đang làm việc chung, cũng cần được kiểm sóat để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện sau đây cho thấy điều ấy:
Một hôm một nhóm bạn trẻ rủ nhau đến hàng quán gần nhà lai rai. Khi rượu bắt đầu tác dụng, thì một anh trong bọn nổi hứng mang chai rượu đến rót mời từng người cụng ly. Chẳng may hôm ấy một anh “cơ thể bất an” đã từ chối khiến anh kia bị chạm tự ái vì cho rằng mình bị coi thường. Anh ta hất ly rượu đang cầm vào mặt kẻ coi thường mình và hai người đấm đá nhau túi bụi. Trong các bạncùng nhóm có kẻ vốn ác cảm với anh kia nên nói “đốc” vào: “Đánh bỏ mẹ nó đi cho tao!” khiến kẻ vừa bị “chạm nọc” càng quyết ăn thua đủ. Cũng may anh cả có uy tín đến sau đã kịp thời hòa giải khiến sự việc không đến mức gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân đánh lộn mất tình đòan kết trong nhóm chính là thói tự ái cao, cần sớm được khắc phục nếu muốn nhóm tồn tại lâu dài.
Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!