Văn bản pháp luật: Chỉ thị 04/2007/CT-UBND

Nguyễn Hữu Vạn
Tỉnh Lào Cai
Chỉ thị 04/2007/CT-UBND
Chỉ thị
Hết hiệu lực toàn bộ
20/10/2007
10/10/2007

Tóm tắt nội dung

Về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch
2.007
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

CHỈ THỊ

Về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo hộ quyền

sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay

_________________

 

 

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp (SHCN), bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhiều tố chức, cá nhân, thành phần kinh tế xác lập quyền SHCN cho các đối tượng: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về SHCN cho các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; tư vấn trong việc xác lập quyền SHCN cho các tổ chức, cá nhân; xử lý nhiều vụ xâm phạm quyền SHCN.

Tuy nhiên, hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như: Hiểu biết về SHCN của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế. Một số văn bản quản lý Nhà nước quy định về hoạt động SHCN, về bảo hộ quyền SHCN chưa được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế đối với hoạt động sở hữu công nghiệp.

Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của tỉnh, với những cơ hội và thách thức trong quá trình mở cửa, hội nhập và mối quan hệ thương mại quốc tế trong tình hình mới, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh các văn bản: Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu tuệ và quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản của doanh nghiệp và một số văn bản khác có liên quan.

2. Hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh, Hội đồng xét duyệt các dự án đầu tư cấp tỉnh và cấp huyện, trước khi cấp giấy phép phải kiểm tra tính hợp pháp các đối tượng SHCN của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, hướng dẫn các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, tiến hành đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN.

3. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm đăng ký bảo hộ SHCN mà đơn vị đang sử dụng theo các quy định hiện hành của Nhà nước gồm: Sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chuyển quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, hợp đồng chuyển quyền sử dụng độc quyền, hợp đồng chuyển quyền sử dụng không độc quyền, hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN thứ cấp, bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN (Li - xăng không tự nguyện), hướng dẫn các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, tiến hành đăng ký bảo hộ SHCN.

4. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHCN, tổ chức thực hiện các biện pháp đẩy mạnh hoạt động SHCN.

b) Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về SHCN trên địa bàn tỉnh, đề xuất với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp với pháp luật để hướng dẫn quản lý hoạt động SHCN tại địa phương và tham mưu xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của tỉnh Lào Cai.

c) Vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp Nhà nước; các liên doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xác lập quyền SHCN theo pháp luật Việt Nam bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, chuyển giao Li-xăng, thẩm tra tính hợp pháp của các đối tượng SHCN đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

d) Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về SHCN. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHCN của tổ chức, cá nhân khác phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

e) Quản lý, hướng dẫn đăng ký hoạt động bảo hộ quyền SHCN tại địa phương theo đúng các quy định của Nhà nước.

5. Sở Văn hóa - Thông tin trước khi cấp giấy phép xuất bản các loại nhãn hiệu hàng hóa, biển quảng cáo kinh doanh, dịch vụ phải kiểm tra tính hợp pháp về các đối tượng SHCN mà đơn vị, cá nhân được phép sử dụng; đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân được phép SHCN theo đúng quy định.

6. Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai trước khi phát sóng hoặc đăng các thông tin, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải kiểm tra tính hợp pháp của các đối tượng sở hữu công nghiệp mà các đơn vị, cá nhân yêu cầu.

7. Các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan và các ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác quản lý về sở hữu công nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.

8. UBND các huyện, thành phố trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý các xâm phạm và tranh chấp quyền SHCN theo đúng quy định của pháp luật.

9. Giao Sở Khoa học và Công nghệ theo dõi, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, thay thế Chỉ thị số 17/2001/CT-UB ngày 10/8/2001 về việc quản lý đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ngành, đơn vị cần phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=29365&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận