CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại các đô thị
Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ phát triển đô thị diễn ra khá nhanh. Đến nay cả nước đã có hơn 700 đô thị, trong đó có gần 100 thành phố và thị xã. Các đô thị được quan tâm đầu tư phát triển nên nhìn chung chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng được nâng lên; từng bước hình thành hệ thống các đô thị hiện đại, văn minh theo Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tường Chính phủ phê duyệt.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xây dựng nói chung, quản lý xây dựng đô thị nói riêng đã được ban hành đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Tại các địa phương, công tác quản lý xây dựng đã có nhiều tiến bộ nhất định, thể hiện trên các mặt: công tác quy hoạch xây dựng đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng; việc cải thiện thủ tục hành chính, thủ tục cấp Giấy phép xây dựng giảm bớt phiền hà trong quản lý xây dựng đã được quan tâm.
Tuy nhiên, công tác quản lý xây dựng tại các đô thị vẫn còn một số tồn tại và yếu kém: nhiều địa phương chưa chú ý đầy đủ và tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch xây dựng; việc công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đô thị chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng phải thỏa thuận quy hoạch cho từng công trình, từng dự án; các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn trong thẩm định thiết kế cơ sở và xin cấp Giấy phép xây dựng; một số quy định về thu hồi đất, giao đất còn chưa thực sự phù hợp với các loại hình dự án khác nhau làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển đô thị; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị chưa nghiêm và chưa kịp thời, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép còn phổ biến. Công tác cải cách hành chính trong quản lý xây dựng đô thị tại một số địa phương chú trọng, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện phân cấp quản lý xây dựng; cán bộ ở cấp cơ sở còn thiếu, trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để khắc phục những tồn tại và yếu kém nêu trên, tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương xây dựng tại các đô thị và nâng cao chất lượng quy hoạch kiến trúc đô thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức rà soát lại các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn, kiểm tra nội dung và thành phần hồ sơ đồ án, trường hợp không đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng phải có kế hoạch tổ chức điều chỉnh hoặc bổ sung. Việc tổ chức rà soát phải hoàn thành xong trong quý IV năm 2007.
b) Cân đối và bố trí đủ vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng; chỉ đạo, tổ chức việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đúng thời hạn, bảo đảm sự đồng bộ về tổ chức không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng. Thực hiện phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 trên địa bàn đô thị theo yêu cầu quản lý xây dựng của từng địa phương.
c) Thực hiện công bố, công khai các đồ án quy hoạch đô thị xây dựng đô thị đã được phê duyệt, đặc biệt là các quy hoạch chi tiết; đồng thời tổ chức cắm mốc giới ở thực địa theo quy định để mọi người dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch.
d) Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của địa phương về công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, cấp phép xây dựng theo đúng quy định. Kiểm tra việc thực hiện công khai các thủ tục hành chính tại các cơ quan cấp dưới; thực hiện cơ chế liên thông một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham thực hiện quản lý đô thị.
đ) Tổ chức rà soát lại tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn; thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời những công trình, tổ chức, cá nhân vi phạm và phải hoàn thành xong trong quý IV năm 2007.
e) Tổ chức soạn thảo và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong năm 2007 thực hiện xong việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho các đô thị trên đại bàn. Tháng 6 năm 2008 thực hiện xong việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho các quận, các phường, đường phố và các khu chức năng của các đô thị trên địa bàn.
g) Tiếp tục thực hiện việc phân cấp về quản lý xây dựng trên địa bàn, bố trí tăng cường cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức cho các cấp cơ sở.
h) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị. Khắc phục ngay tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại; đồng thời, thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm.
i) Thực hiện các giải pháp xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đáp ứng kip thời yêu cầu phát triển đô thị, khắc phục tình trạng "treo" về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các đô thị từ loại II trở lên tổ chức lập đề án thực hiện việc ngầm hoá hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
k) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, nâng cao ý thức cộng đồng về trật tự, kỷ cương trong xây dựng trên địa bàn.
2. Bộ Xây dựng:
a) Trong tháng 6 năm 2007, ban hành hơớng dẫn thiết kế đô thị theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định tại Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị.
b) Tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính phủ mới ban hành có liên quan tới hạ tầng kỹ thuật đô thị: xây dựng ngầm, cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, chất thải rắn.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng, trình Chính phủ trong quý III năm 2007.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, trình Chính phủ trong quý III năm 2007.
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà theo hướng cập nhật, bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm, chế tài xử lý đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn; trình Chính phủ trong quý III năm 2007.
e) Chỉ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, đặc biệt tại các xã, phường và thị trấn.
g) Tổ chức kiểm tra và định kỳ làm việc với địa phương về công tác quy hoạch xây dựng và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
h) Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới theo các quy định tại Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế khu đô thị mới, phát triển nhà ở theo quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
i) Tổ chức kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa của các địa phương liên quan đến hoạt động xây dựng theo quy định.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng như dự án sự nghiệp kinh tế, hoàn thành trong quý III năm 2007 và chỉ đạo thực hiện; phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện cơ chế huy động vốn để tăng cường nguồn lực cho công tác quy hoạch xây dựng.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến điều kiện, phương thức giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất đối với các dự án xây dựng khu đô thị, khu nhà ở trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2007.
5. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ rà soát, nghiêm cứu trình Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2004 theo hướng Thanh tra xây dựng được tổ chức đa cấp, tăng cường lực lượng cấp cơ sở, có điều kiện bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị.
6. Các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến quản lý trật tự xây dựng tại các đô thị.
7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.