Văn bản pháp luật: Chỉ thị 26/2007/CT-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 807+808
Chỉ thị 26/2007/CT-TTg
Chỉ thị
18/12/2007
26/11/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững

Thủ tướng
2.007
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

CHỈ THỊ

Về việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững

______________________________

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 đã được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua (Nghị quyết số 56/2006/QH11). Đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên được xây dựng theo hướng phát triển bền vững, toàn diện trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững đã được xây dựng cùng với các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch hàng năm, bắt đầu từ năm 2006.

Để có cơ sở đánh giá một cách đầy đủ và chính xác tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững đã được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010 và năm 2007 theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình, có báo cáo ước tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 7 và báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch năm trước ngày 31 tháng 01 của năm sau.

2. Đối với một số chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của ngành nông nghiệp theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" (sau đây gọi tắt là Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành nông nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tổng tiêu thụ năng lượng; tỷ lệ chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành công nghiệp sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của ngành công nghiệp theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành công nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

c) Bộ Y tế chủ trì, phối  hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường của ngành y tế theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành y tế được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

d) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ đô thị loại 4 được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh; tỷ lệ khu nhà ổ chuột ở đô thị và nhà tạm ở nông thôn, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long được xóa; tỷ lệ dân số được tiếp cận vệ sinh môi trường hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom chất thải rắn; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý hợp vệ sinh; tỷ lệ phần trăm diện tích cây xanh, mặt nước của đô thị; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường của ngành xây dựng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành xây dựng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

đ) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về khí thải, tiếng ồn và khói bụi của các phương tiện giao thông; tỷ lệ doanh nghiệp của ngành giao thông vận tải được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững của địa phương mình; tỷ lệ doanh nghiệp của địa phương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001;

g) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng phát thải khí CO2; diện tích đất tự nhiên được bảo tồn để duy trì đa dạng sinh học; các chỉ tiêu về tài nguyên đất, nước, không khí, khoáng sản, đa dạng sinh học và các dạng tài nguyên khác;

- Tổng hợp tình hình thực hiện các chỉ tiêu về tài nguyên-môi trường của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các kỳ kế hoạch để tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm của Nhà nước.

h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về phát triển bền vững;

- Tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch phát triển tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn hóa, ban hành các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững cho từng ngành, từng lĩnh vực, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương lập báo cáo định kỳ hàng năm.

i) Đối với các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên- môi trường và phát triển bền vững chưa được ghi trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 thì chưa thực hiện báo cáo trong năm 2007. Các chỉ tiêu này sẽ được xem xét đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và sẽ được theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo từ năm 2008 trở đi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13073&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận