Văn bản pháp luật: Luật 01/2007/QH12

Nguyễn Phú Trọng
Toàn quốc
Công báo số 632+633, năm 2007
Luật 01/2007/QH12
Luật
17/08/2007
04/08/2007

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng,chống tham nhũng

Chủ tịch Quốc hội
2.007
Quốc hội

Toàn văn

LUẬT
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng
____________________
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng:
1. Điều 73 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 73. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng
1. Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.
2. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận giúp việc.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.”
2. Điều 74 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 74. Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
1. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
2. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.
Ủy ban tư pháp của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
3. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.”
Điều 2. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày công bố.
 Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 04 tháng 8 năm 2007./.

Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13639&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận