Văn bản pháp luật: Nghị định 132/2013/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Nghị định 132/2013/NĐ-CP
Nghị định
02/12/2013
16/10/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông

Thủ tướng
2.013
Chính phủ

Toàn văn

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông

 _____________________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông,

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình, đề án về cung cấp dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về báo chí (bao gồm báo chí in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, bản tin thông tấn):

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới báo chí trong cả nước, văn phòng đại diện cơ quan thường trú ở nước ngoài của các cơ quan báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Tổ chức giao ban báo chí, quản lý thông tin của báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí;

c) Tổ chức thực hiện quy chế người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

d) Ban hành quy chế tổ chức hội thi, liên hoan, hội thảo về báo chí;

đ) Quy định về báo lưu chiểu, quản lý kho lưu chiểu báo chí quốc gia;

e) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; giấy phép xuất bản bản tin, đặc san, số phụ, phụ trương, chương trình đặc biệt, chương trình phụ; thẻ nhà báo; cấp phép cho báo chí xuất bản ở nước ngoài phát hành tại Việt Nam; chấp thuận việc họp báo;

g) Hướng dẫn việc hoạt động của báo chí và nhà báo trong cả nước, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động báo chí của người nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;

h) Thỏa thuận về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc các cơ quan báo chí;

i) Quy định tiêu chuẩn, chuyên môn, nghiệp vụ người đứng đầu cơ quan báo chí;

k) Quản lý các dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.

6. Về xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành):

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; chính sách về hoạt động xuất bản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Quy định chi tiết điều kiện thành lập các tổ chức hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép đặt văn phòng đại điện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam; giấy phép đặt văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật;

d) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; giấy phép hoạt động in đối với sản phẩm phải cấp phép; giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; giấy phép nhập khẩu thiết bị in; giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; giấy phép triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; quản lý việc công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài theo thẩm quyền;

đ) Xác nhận và quản lý đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản, đăng ký hoạt động in đối với sản phẩm không phải cấp phép, đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu của cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;

e) Tổ chức thẩm định xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và quản lý việc lưu chiểu xuất bản phẩm; tổ chức việc đặt hàng và đưa xuất bản phẩm tới các địa bàn thuộc diện đầu tư ưu tiên của Nhà nước; tổ chức hội chợ xuất bản phẩm cấp quốc gia và quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;

g) Quyết định đình chỉ, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành và tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm pháp luật;

h) Cấp, gia hạn, thu hồi thẻ biên tập viên theo quy định của pháp luật;

i) Quản lý các hoạt động hỗ trợ xuất bản theo quy định của pháp luật;

k) Thỏa thuận về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản;

l) Quy định tiêu chuẩn, chuyên môn, nghiệp vụ người đứng đầu cơ quan xuất bản và biên tập viên của nhà xuất bản.

7. Về thông tin đối ngoại:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về thông tin đối ngoại;

c) Hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam; hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về thông tin đối ngoại.

8. Về quảng cáo:

Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật; cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung, thu hồi giấy phép ra kênh, chương trình quảng cáo đối với báo nói, báo hình.

9. Về bưu chính:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án, đề án, chương trình về bưu chính; cơ chế, chính sách về hoạt động bưu chính; danh mục dịch vụ bưu chính công ích và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp được chỉ định thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành theo thẩm quyền giá cước dịch vụ bưu chính công ích, phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng; các quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động bưu chính;

c) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép nhập khẩu tem bưu chính, giấy phép bưu chính, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính theo quy định của pháp luật;

d) Quản lý về an toàn thông tin trong hoạt động bưu chính; về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bưu chính;

đ) Quy định và quản lý về tem bưu chính;

e) Quy định và quản lý về mạng bưu chính công cộng; việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;

g) Quy định và quản lý về bộ mã bưu chính quốc gia, bộ mã số tem bưu chính Việt Nam;

h) Quy định và quản lý chất lượng, giá cước dịch vụ bưu chính.

10. Về viễn thông:

a) Hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra thực hiện quy hoạch về phát triển viễn thông và Internet; cơ chế, chính sách phát triển viễn thông và Internet; quản lý thị trường viễn thông và tổ chức thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

b) Thẩm định nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông và Internet theo thẩm quyền;

c) Hướng dẫn và quản lý về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực viễn thông và Internet;

d) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật;

đ) Ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định quản lý kho số và tên miền, địa chỉ Internet; các quyết định phân bổ, thu hồi kho số và tên miền, địa chỉ Internet;

e) Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý giá, cước các dịch vụ viễn thông và Internet; bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông và internet;

g) Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý kết nối các mạng viễn thông;

h) Ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, thiết bị, mạng, dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông và Internet;

i) Quản lý việc thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

k) Hướng dẫn việc xây dựng và triển khai quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động;

l) Quản lý hệ thống đo kiểm chuyên ngành viễn thông;

m) Thiết lập, quản lý, vận hành, khai thác đảm bảo an toàn hệ thống máy chủ tên miền quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia.

11. Về tần số vô tuyến điện:

a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch truyền dẫn phát sóng; quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân chia băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trình Thủ tướng phê duyệt;

c) Ban hành quy hoạch băng tần, quy hoạch phân kênh tần số, quy hoạch sử dụng kênh tần số, quy định về điều kiện phân bổ, ấn định và sử dụng tần số vô tuyến điện, băng tần số vô tuyến điện;

d) Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết bị vô tuyến điện, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;

đ) Quy định về điều kiện kỹ thuật, điều kiện khai thác các loại thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép, quy định điều kiện kỹ thuật (tần số, công suất phát) cho các thiết bị vô tuyến điện trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam;

e) Quy định về việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên;

g) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép tần số vô tuyến điện;

h) Kiểm tra, kiểm soát tần số và thiết bị vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại; quản lý tương thích điện từ đối với các thiết bị và hệ thống thiết bị vô tuyến điện;

i) Đăng ký tần số quốc tế, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

12. Về thông tin điện tử:

a) Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các quy định về dịch vụ trò chơi điện tử và dịch vụ cung cấp thông tin, ứng dụng trên mạng viễn thông, mạng Internet;

b) Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về thông tin điện tử.

13. Về công nghệ thông tin, điện tử (bao gồm công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin):

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin, điện tử; các cơ chế, chính sách, các quy định quản lý hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử, công nghiệp nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin; danh mục và quy chế khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; quy chế quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước;

b) Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách quản lý, các quy định liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia;

c) Cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về công nghệ thông tin, điện tử; thực hiện quản lý chất lượng trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ, mạng máy tính và sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử;

d) Chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chuẩn nhân lực công nghệ thông tin, các chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành liên quan về công nghệ thông tin;

đ) Tổ chức xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử gắn kết với chương trình cải cách hành chính;

e) Quản lý chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, điện tử; khung tương hợp Chính phủ điện tử và kiến trúc chuẩn hệ thống thông tin quốc gia;

g) Thực hiện chức năng tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp;

i) Quy định và quản lý về an toàn thông tin; bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin và Internet; bảo đảm an toàn thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; phòng, chống thư rác; tổ chức thực hiện chức năng quản lý, điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc;

k) Quy định và quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm định, đánh giá cấp chứng nhận về an toàn thông tin;

l) Xây dựng và tổ chức vận hành các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

14. Về thông tin cơ sở:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch về hoạt động thông tin tuyên truyền;

b) Xây dựng hoặc thẩm định các nội dung thông tin tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện;

c) Phối hợp hướng dẫn xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin tuyên truyền cơ sở trên phạm vi cả nước.

15. Về hạ tầng thông tin và truyền thông:

a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh hạ tầng thông tin và truyền thông;

b) Ban hành theo thẩm quyền các giải pháp bảo đảm an toàn hạ tầng thông tin và truyền thông, an ninh thông tin; các cơ chế, chính sách, quy định về sử dụng chung hạ tầng thông tin và truyền thông;

c) Quản lý về an toàn thiết bị, cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn các công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

16. Phối hợp và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình đã mã hóa, xuất bản phẩm, tem bưu chính, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; đối với các phát minh, sáng chế thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ;

17. Tổ chức thực hiện các giải thưởng và danh hiệu vinh dự thuộc ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định theo thẩm quyền các giải thưởng và danh hiệu vinh dự thuộc ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông; tổ chức thực hiện công tác Thi đua - Khen thưởng theo quy định của pháp luật.

18. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động thông tin và truyền thông vi phạm pháp luật.

19. Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đề nghị công bố tiêu chuẩn quốc gia trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tổ chức việc tham gia thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các nước.

20. Cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; cấp, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các giấy chứng nhận, chứng chỉ về chất lượng mạng lưới, công trình, sản phẩm và dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

21. Quyết định các biện pháp huy động các mạng và dịch vụ, các phương tiện, thiết bị thông tin và truyền thông phục vụ các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, thiên tai, địch họa theo ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

22. Chỉ đạo việc điều hành các mạng thông tin chuyên dùng, dùng riêng phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

23. Quản lý và triển khai các chương trình, đề án, dự án đầu tư trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; xây dựng và ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và các định mức chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện và quản lý công tác thống kê chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

24. Xây dựng và tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm, dự toán thu chi ngân sách hàng năm của Bộ, phối hợp với Bộ Tài chính lập, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, chi sự nghiệp thông tin (báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để Chính phủ trình Quốc hội; quản lý tài sản được giao; quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước, các nguồn vốn, quỹ theo quy định của pháp luật.

25. Thực hiện quan hệ đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

26. Tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; quản lý thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công ích, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

27. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

28. Về doanh nghiệp:

a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện;

b) Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu, đề án sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo phân công, phân cấp;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền;

d) Thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

29. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với hội, các tổ chức phi Chính phủ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

30. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ; tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí thực hành tiết kiệm tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

31. Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Bộ theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quyết định và chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Bộ; báo cáo thực hiện cải cách hành chính hàng năm trong phạm vi quản lý của Bộ theo quy định.

32. Tổ chức thi nâng ngạch viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ được phân công, phân cấp quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ; xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ được phân công, phân cấp quản lý để Bộ Nội vụ ban hành; ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

33. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định luân chuyển, nghỉ hưu, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật; chế độ chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tuyển dụng, sử dụng và chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.

34. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ; thực hiện dự báo nhu cầu và quy hoạch phát triển nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, báo chí, xuất bản; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

35. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ

1. Vụ Bưu chính.

2. Vụ Công nghệ thông tin.

3. Vụ Khoa học và Công nghệ.

4. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

5. Vụ Quản lý doanh nghiệp.

6. Vụ Hợp tác quốc tế.

7. Vụ Pháp chế.

8. Vụ Thi đua - Khen thưởng.

9. Vụ Tổ chức cán bộ.

10. Vụ Thông tin cơ sở.

11. Thanh tra Bộ.

12. Văn phòng Bộ.

13. Cục Viễn thông.

14. Cục Tần số vô tuyến điện.

15. Cục An toàn thông tin.

16. Cục Tin học hóa.

17. Cục Báo chí.

18. Cục Xuất bản, In và Phát hành.

19. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

20. Cục Thông tin đối ngoại.

21. Cục Bưu điện Trung ương.

22. Cục Công tác phía Nam.

23. Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.

24. Tạp chí Công nghệ thông tin và truyền thông.

25. Báo Bưu điện Việt Nam.

26. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

27. Trung tâm Thông tin.

28. Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế.

29. Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.

Các đơn vị quy định từ Khoản 1 đến Khoản 22 Điều này là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ Khoản 23 đến Khoản 29 Điều này là các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ được tổ chức không quá 4 phòng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức tài chính nhà nước, các cơ quan báo chí khác thuộc Bộ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2013; bãi bỏ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp

Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị này.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=32507&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận